Ba kịch bản phát triển cho ngành công nghiệp phần mềm VN

Bản dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm (CNpPM) Việt Nam giai đoạn 2006-2010 phiên bản lần thứ 6 vừa được hoàn thành, do Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông chắp bút xây dựng đã đưa ra ba kịch bản cho ngành này trong tương lai.

So với bản dự thảo đầu tiên được xây dựng cách đây hơn một năm, phiên bản lần 6 này đã có thêm rất nhiều điểm mới cũng như chỉnh sửa, bổ sung từ sự góp ý của các chuyên gia giới CNTT. Bản dự thảo lần 6 không chỉ xây dựng kế hoạch phát triển CNpPM Việt Nam cho giai đoạn 2006-2010 mà còn đưa ra định hướng dài hơi của ngành CNpPM Việt Nam tới năm 2015.

Bài học từ các quốc gia đi trước!

Theo Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin, hiện thị trường phần mềm toàn cầu nói chung và trong mỗi quốc gia nói riêng đều có sự tăng trưởng khá nhanh. Nhu cầu về phần mềm, dịch vụ và nhân lực CNTT ngày càng tăng. Các nước có mức độ phát triển càng cao thì nhu cầu về phần mềm và dịch vụ càng lớn, vượt xa với khả năng cung cấp và nguồn nhân lực của chính họ. Điều này đã làm cho sự thiếu hụt về nhân lực ngày càng nhiều còn giá nhân công ở các nước đó lại ngày càng cao khiến họ phải hướng tới sự tìm kiếm nguồn nhân lực phần mềm giá rẻ ở các nước kém phát triển hơn mình. Đây chính là cơ hội giúp các nước đang phát triển biết nắm đúng thời cơ và có những biện pháp hợp lý, đúng đắn để vượt lên.

Và, ngay từ năm 1982, các doanh nghiệp phần mềm của Ấn Độ đã tiến hành gia công xuất khẩu phần mềm cho Mỹ và Châu Âu. Đến nay, sau 24 năm, Ấn Độ đã là quốc gia đứng đầu thế giới về gia công xuất khẩu phần mềm với doanh thu lên tới hàng chục tỷ USD/năm. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của CNpPM Ấn Độ rất cao, trung bình là 45,15% thời kỳ từ năm 1993 đến 2000. Mặc dù mới chỉ đẩy mạnh phát triển CNpPM từ những năm cuối của thế kỷ 20 song cho tới nay, doanh thu của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng đã vượt qua mốc 10 tỷ USD/năm. Năm 1992, doanh thu của ngành CNpPM Trung Quốc mới chỉ đạt 530 triệu USD, 10 năm sau, đã tăng vọt lên đến 13,3 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm trong 10 năm đó đạt tới 36,1%. Đây chính là những bài học mà ngành CNpPM Việt Nam hoàn toàn có thể học tập và áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của mình.

Nhìn trên bình diện thực tế của Việt Nam, Vụ Công nghiệp CNTT cho rằng, mặc dù CNpPM chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, song hiện tại lại đang xuất hiện một số nhân tố thuận lợi cho sự phát triển của ngành Công nghiệp này.

Thứ nhất, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, những yêu cầu để gia nhập WTO đã mở ra những thách thức lớn, đồng thời lại cũng là những cơ hội lớn. Thêm vào đó, Việt Nam lại nằm ở khu vực năng động nhất thế giới về CNTT, có vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện kinh tế, chính trị ổn định, hội tụ tất cả các yếu tố cần thiết để phát triển CNpPM trong bối cảnh bất ổn chính trị và nạn khủng bố đang xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Rồi, Nhật Bản đang dần trở thành một đối tác quan trọng cho ngành CNpPM Việt Nam. Vụ Công nghiệp CNTT nhận định, khai thác được thị trường Nhật Bản có thể tạo ra bước ngoặt lớn cho các doanh nghiệp phần mềm và cho cả ngành CNpPM Việt Nam. Nhật Bản có đủ khả năng hỗ trợ ngành CNpPM Việt Nam ở các khía cạnh: xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp phần mềm.

Ba kịch bản cho một bức tranh phát triển

Dự báo ngành CNpPM Việt Nam trong năm năm tới, đã có ba kịch bản phát triển CNpPM Việt Nam được đưa ra đó là: kịch bản thấp, kịch bản trung bình và kịch bản cao.

Theo kịch bản thấp, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn khoảng 30% trong đó doanh thu nội địa tăng trưởng trung bình khoảng 25%, doanh thu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 40% thì đến năm 2010, tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ phần mềm Việt Nam ước đạt khoảng 832 triệu USD trong đó doanh thu nội địa đạt khoảng 494 triệu USD, doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 338 triệu USD.

Kịch bản trung bình dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành CNpPM Việt Nam giai đoạn 2006-2010 sẽ đạt khoảng 35%, trong đó doanh thu nội địa tăng trưởng trung bình 29%, doanh thu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 45%. Theo kịch bản này, đến năm 2010, tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ phần mềm Việt Nam ước tính sẽ đạt hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mức phát triển này, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tăng cường đầu tư cho ngành CNTT nói chung và CNpPM nói riêng, tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phần mềm cũng như đẩy mạnh các biện pháp phát triển thị trường.

Sáng lạn hơn, kịch bản phát triển cao của ngành CNpPM Việt Nam dự kiến đạt tới mức 1,5 tỷ USD vào năm 2010 với điều kiện nhà nước có thêm nhiều biện pháp mạnh nhằm thúc đẩy phát triển CNpPM, đầu tư cho CNTT Việt Nam đạt con số 2%GDP/năm hoặc hơn.

7 quan điểm được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu phát triển. Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực đông đảo và chuyên nghiệp là điều kiện then chốt cho sự thành công của CNpPM. Thứ hai, cần tập trung cho các sản phẩm dịch vụ phần mềm, đặc biệt là dịch vụ outsourcing cho nước ngoài, nhất là cho thị trường Nhật Bản và Bắc Mỹ. Thứ ba, nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ để ưu đãi, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực để đầu tư thích đáng cho nền công nghiệp non trẻ này. Thứ tư, cần phát triển mạnh thị trường nội địa để làm chỗ dựa, bàn đạp cho các doanh nghiệp trong nước rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm trước khi tiến ra thị trường quốc tế. Thứ năm, trong giai đoạn tới, các khu CNpPM tập trung đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy CNpPM phát triển, là nơi ươm tạo ra các doanh nghiệp phần mềm lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Thứ sáu, đầu tư trực tiếp của nước ngoài và của Việt kiều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển CNpPM và cuối cùng, có các biện pháp mạnh, kiên quyết để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.

Thuỷ Nguyên

Thứ Sáu, 04/08/2006 09:51
31 👨 139
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp