Nhiều quốc gia tuyên chiến với hacker

Nền kinh tế càng phát triển, các nước lớn càng đầu tư nhiều tiền của và công sức hơn cho vấn đề an ninh mạng.

Hiểm họa nghiêm trọng ngang… vũ khí hạt nhân

Khởi đầu cho làn sóng này là cuối năm 2009, Anh và Mỹ đã mở chiến dịch đối phó những mối nguy cơ trong không gian mạng, tập trung vào 3 điểm nóng là Trung Quốc, Nga và… Bắc Triều Tiên. Ba nơi này được cho là có các nhóm hacker bị tình nghi hoạt động dưới sự tài trợ của… chính phủ nước sở tại.

Năm 2010 ở Mỹ, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng xác định bảo mật công nghệ là một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ. Ông khẳng định sẽ đặt vấn đề an ninh máy tính lên hàng đầu, coi hiểm họa an ninh mạng nghiêm trọng ngang với vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học.

Trước đó, Nhà Trắng cũng đã bày tỏ sự quan tâm của mình đối với vấn đề bảo mật máy tính bằng một cuốn sách được xuất bản với tựa đề "Xem xét chính sách không gian công nghệ". Tác giả là bà Melissa Hathaway, giám đốc cao cấp Hội đồng An ninh Quốc gia. Trong cuốn sách được thực hiện trong 60 ngày, Hathaway chủ yếu tập trung vào việc đánh giá mức độ hợp tác và trình độ nhận thức của người dân đối với vấn đề bảo mật, đồng thời duy trì sự tiên phong trong công nghệ của Mỹ.

Nước Đức đã điền thêm tên mình vào bản đồ chống hacker với công bố sẽ sớm ra mắt dịch vụ giúp người tiêu dùng vô hiệu hóa phần mềm độc hại khỏi máy tính. Nỗi đau khổ bị nằm trong danh sách những nước khởi tạo hoạt động botnet (mạng máy tính ma) hàng đầu thế giới, các lãnh đạo nước Đức cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt tiếng xấu này bằng những hành động dứt khoát. Sáng kiến chống botnet của Đức được gây dựng từ sự hợp tác của cơ quan an ninh thông tin liên bang Đức và nhiều công ty bảo mật hàng đầu thế giới, trong đó có BitDefender.

Cũng theo thông tin từ BitDefender, đất nước của những ngân hàng lớn - Thụy Sỹ, cũng rất quan tâm đến những vấn đề về an ninh mạng. Để đối phó với nguy cơ này, Thụy Sĩ đã chi một lượng lớn ngân sách để mỗi quân nhân đều được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực tin học và hệ thống mạng. Thậm chí, việc đào tạo này hiệu quả đến mức, khả năng về lĩnh vực an ninh mạng của mỗi quân nhân còn thuần thục hơn cả lĩnh vực binh nghiệp truyền thống.

Những lo ngại mới của Bộ Quốc phòng Mỹ

Mới đây nhất, trong một tuyên bố cứng rắn, Bộ Quốc phòng Mỹ còn đưa ra kế hoạch đánh sập mạng Internet quốc tế để bảo vệ an toàn dữ liệu của chính phủ. Một phần nguyên nhân của tuyên bố này là trong tuần qua, trung tâm an ninh mạng toàn cầu của BitDefender đã phát hiện ra hàng loạt cuộc tấn công lừa đảo nhắm vào các khách hàng của ngân hàng quân đội Mỹ.

Vuốt mặt không nể mũi”, bọn tội phạm mạo danh ngân hàng đã gửi hàng nghìn thư rác tới các khách hàng, yêu cầu họ phải cập nhật thêm một số khoản quan trọng trong tài khoản ngân hàng điện tử. Trong thư có hướng dẫn cập nhật tài khoản và một đường link dẫn tới liên kết mà khách hàng cần phải đi tới để hoàn tất việc này. Tuy nhiên, người dùng sẽ không bao giờ tới được nơi mình muốn, bởi lẽ hacker đã “đưa đường dẫn lối” các nạn nhân đến website lừa đảo được thiết kế rất giống với website thật.

Tại các website lừa đảo này, nếu người dùng điền đầy đủ thông tin tài khoản và mật khẩu của mình, bọn tội phạm sẽ chính thức có được tài khoản ngân hàng để làm bất cứ điều gì như một chủ sở hữu thực thụ.

Không chỉ có thế, sau khi khách hàng đăng nhập xong, họ còn nhận được yêu cầu tải về một công cụ cập nhật để bảo mật tài khoản của mình. Nhưng thực chất đây chính là Trojan Bredolab. Trojan này là một phần mềm gián điệp, được coi như một Antivirus giả mạo, có thể theo dõi toàn bộ hành vi thao tác trên máy tính bị nhiễm. Khách hàng của ngân hàng này còn có nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ. Việc bị lấy cắp mật khẩu dưới bất cứ hình thức nào cũng đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Sau khi phát hiện ra làn sóng lừa đảo mới này, các chuyên gia của BitDefender đã lập tức cảnh báo tới Ngân hàng Quân đội Mỹ để họ có thể cảnh báo tới khách hàng của mình. Đồng thời các chuyên gia cũng khuyên người dùng nên trang bị cho mình những giải pháp chống malware, phishing toàn diện để tránh gặp phải lừa đảo trực tuyến, chịu thiệt thòi cho bản thân, và có thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi gián điệp.

Thứ Tư, 15/09/2010 11:40
31 👨 96
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp