Chuyện nâng cấp hệ thống âm thanh

Có mấy ai nhớ rằng hệ thống thiết bị của mình chỉ để phục vụ một mục tiêu duy nhất: Tái tạo âm nhạc để thưởng thức.

Bạn sẽ phân vân với những bộ loa đắt tiền rằng liệu chúng có xứng đáng với tầm tiền bỏ ra. Ảnh: Soundscafehifi.

Ngụ ngôn Nga kể rằng, có một người nông dân đi ra một khu chợ. Anh này mua một ổ bánh mỳ từ người bán dạo. Sau khi ăn xong, vẫn cảm thấy đói, anh ta liền mua tiếp một ổ khác, và một ổ khác nữa. Nhưng đói vẫn hoàn đói. Sau đó, anh quyết định mua một chiếc bánh nướng từ một cửa hàng nhỏ. Thật kỳ lạ, anh đã hết đói. Anh nông dân liền tự nhủ, "mình thật tốn tiền cho những ổ bánh mỳ, lẽ ra nên mua bánh nướng ngay từ đầu".

Câu chuyện này cũng nhằm để minh họa cho quá trình mua thiết bị âm thanh. Nếu biết trước thiết bị nào sẽ làm mình thỏa mãn nhất, chắc hẳn bạn sẽ dành dụm thật nhiều tiền để có thể mua luôn được thứ đó. Vấn đề là, thật khó có thể hài hòa được giữa sự tin tưởng và quyết định mua. Ví dụ, bạn sẽ phân vân với những bộ loa có giá khoảng 20.000 USD một cặp rằng không chắc bộ loa này có xứng đáng với giá tiền định bỏ ra. Dân gian vẫn có câu "trước khi biết đi ai cũng thích bò". Đầu tư dần dần có thể là một vỏ bọc an toàn nhưng cũng có thể là một quyết định sai lầm.

Cãi bẫy nằm ở việc sẽ mất rất nhiều tiền cho một loạt các khoản đầu tư nâng cấp nhỏ giọt. Mọi người thường tự nhủ "mình thật sự thích bộ loa 1.000 USD này, nhưng giờ phải lên đời bộ loa 1.500 USD". Sự thực của vấn đề là quá trình đầu tư từng bước để cuối cùng đạt được đôi loa 20.000 USD thực sự là đau khổ trong khi mục tiêu cuối cùng của bạn vẫn là nghe nhạc thật hay. Rõ ràng, như thế này, bạn đang mất rất nhiều thứ không đâu.

Trong việc phối ghép âm thanh, ngã rẽ quan trọng duy nhất luôn là thứ dễ bị lãng quên nhất. Có mấy ai nhớ rằng hệ thống thiết bị của mình chỉ để phục vụ một mục tiêu duy nhất: Tái tạo âm nhạc để thưởng thức?

Bạn phải định hình muốn hệ thống âm thanh của mình phục vụ thế nào. Ảnh: Gizmag.


Những yếu tố ảnh hưởng tới việc phối ghép.

Giả sử rằng bạn muốn một hệ thống với mục tiêu tối thượng là nghe nhạc. Khi đó ngã ba tiếp theo trên con đường "chông gai" sẽ là việc lựa chọn những thiết bị có khả năng tái tạo đầy đủ dải tần và âm vực.

Luôn có những sự đánh đổi không thể tránh được giữa chất lượng và số lượng. Theo bản chất logarit của tần số âm thanh, để tái hiện thêm một quãng tám âm trầm sẽ cần phải tái tạo bước sóng dài gấp hai lần. Vì thế, không có gì bất bình thường khi bạn thấy hai phiên bản loa từ cùng một nhà sản xuất, cái to có giá gấp hai lần cái nhỏ, nhưng âm vực trầm cũng chỉ sâu hơn từ 5 đến 6 Hz.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là thể loại nhạc mà bạn nghe. Trong khi một số tác phẩm âm nhạc cổ điển được trình diễn với cả một dàn nhạc, cộng thêm bộ dây và bộ ống, thì có những tác phẩm cũng cổ điển nhưng chỉ là độc tấu đàn luýt, độc tấu sáo hay guitar. Hoặc đều là rock, nhưng có bản chất metal lại nặng hơn rock đơn thuần rất nhiều.

Kể cả cùng một thể loại nhạc, mỗi người lại nghe ở nhiều mức độ âm lượng khác nhau. Ví dụ, chuyên gia âm thanh danh tiếng Bob Ludwig thường nghe nhạc ở mức trung bình khoảng 85 dBA. Nhưng nếu nhà có hàng xóm khó tính hay trẻ em đang ngủ, không nghe lớn được thì cũng nên suy nghĩ về điều này. Đừng mua những gì bạn không thể dùng.

Sau khi cân nhắc những điều trên, giờ là lúc bạn phải định hình ý tưởng thực tế về việc muốn hệ thống âm thanh của mình phục vụ thế nào. Người này có thể muốn nghe vừa phải, không to quá, trong khi vẫn có thể nói chuyện. Người khác lại muốn nghe lại với độ trung thực cao nhất đĩa than James Taylor mà những đĩa mới không thể truyền tải. Lại có người muốn chơi guitar điện cùng với đĩa nhạc của một ca sĩ nào đó.

Sự lựa chọn âm nhạc, âm lượng sẽ nghe cộng thêm phòng nghe sẽ quyết định loa nào là lựa chọn tối ưu cho bạn. Chọn ampli chỉ sau khi đã chọn xong loa. Nếu bộ loa tối ưu nhất cho bạn khá khó đánh, hãy giới hạn ampli vào một vài lựa chọn nhất định. Sau đó mới là các nguồn phát, và thường sẽ tùy thuộc vào ngân sách còn lại bao nhiêu.

Hãy mua đồ âm thanh trên cơ sở giá trị sử dụng dài hạn. Ảnh: Loftsound.

Nếu việc nâng cấp không phù hợp với bạn, hãy lựa chọn hướng dành dụm đầu tư.

Nếu bộ KEF Reference 207/2 giá 20.000 USD thật sự làm bạn "kết", hãy hỏi người bán hàng nếu bạn mua bộ KEF Reference 201/2 giá 5.000 USD mỗi cặp. Và trong vòng một năm tới, bạn có thể gửi lại và các thêm tiền để có được bộ mình mơ ước hay không.

Lời cuối cho quá trình chọn lựa hệ thống âm thanh, theo Stereophile, là đừng mua trên cơ sở giá tiền, hãy mua trên cơ sở giá trị sử dụng dài hạn.

Hãy xác định động cơ của mình. Các tạp chí audiophile đôi khi là một dạng tạo cơn nghiện mua sắm cho đàn ông, chỉ có điều thay túi xách, giày dép... bằng các bộ DAC và các dây dẫn đắt tiền… Vấn đề không phải là bạn đi mua hàng, mà vấn đề là bạn thưởng thức âm nhạc.

Thứ Ba, 22/09/2009 06:17
31 👨 446
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp