Chiến tranh thông tin: Những chiến binh tương lai (Phần 3)

Chiến tranh thông tin: Mỹ dùng CNTT để “tấn công” Iraq (Phần 1)
Chiến tranh thông tin: Virus, những "quả bom số" (Phần 2)

Không chỉ bó hẹp trên chiến trường, mà vai trò của máy tính và CNTT sẽ bao trùm toàn xã hội bởi đa số việc giao tiếp và điều khiển ngày hôm nay của các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ đều thông qua mạng máy tính. Internet là nơi những cơ cấu bảo vệ cổ điển như chứng minh thư hoặc những cuộc kiểm tra an ninh đặc biệt không còn tác dụng. Đây cũng là "chỗ" để kẻ địch lợi dụng tấn công.

Xã hội loài người ngày càng phụ thuộc nhiều vào máy tính và hệ thống thông tin và hệ thống mạng cũng ngày càng dễ dàng bị các quốc gia thù địch hay các phần tử khủng bố tấn công. Do đó, cuộc chiến không gian ảo có thể được tiến hành từ bất kỳ mảnh đất nào trên thế giới với những chi phí tối thiểu.

Đặc biệt là với các nhóm quân khủng bố, Internet đã trở thành một công cụ tuyệt hảo. Mục tiêu tấn công lúc này là cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia bao gồm quân sự, ngân hàng, mạng điện thoại, lưới điện quốc gia và mạng máy tính. Phương pháp chủ yếu là sử dụng virus dưới nhiều hình thức khác nhau. Virus có thể làm cho hệ thống vũ khí của đối phương bị mất điều khiển, khiến cho tên lửa chuyển hướng tấn công hoặc bắn trượt mục tiêu đã định. Virus cũng có thể dùng để phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế quốc dân, khiến cho nền kinh tế bị rối loạn, thiệt hại nặng nề; hay làm cho hệ thống thông tin liên lạc bị tắc nghẽn, gián đoạn,…

Lực lượng nguy hiểm nhất trong chiến tranh thông tin tương lai là các hacker. Hiện tại, ảnh hưởng của các hacker chủ yếu thể hiện trên 3 phương diện: đánh cắp các bí mật quân sự; sử dụng virus tấn công vào các hệ thống máy tính làm cho hệ thống này bị tê liệt; làm nhiễu các máy tính trong khi xảy ra chiến tranh khiến các máy tính không thể đưa ra các phán đoán chính xác.

Trong tương lai, các hacker sẽ được sử dụng như những chiến binh thực thụ. Lúc đó, một nhóm nhỏ hacker có thể gây những thiệt hại lớn về mọi mặt cho đối phương. Trong chiến tranh vùng Vịnh, một nhóm hacker Hà Lan đã từng mặc cả với Iraq một khoản tiền để giúp Iraq làm rối loạn hệ thống máy tính của Mỹ, nhưng Iraq đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc đó nên từ chối. Không phải quá lời khi nói rằng, sự xâm nhập của các hacker vào hệ thống máy tính trong thế kỷ 21 nguy hiểm không kém gì vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học.

Để đối phó với tình trạng trên, một số quốc gia đã có những bước chuẩn bị trước. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ với thông tin trực tuyến và tiến hành phong tỏa khi cần thiết. Quốc gia hàng tỷ dân này đang xây dựng lực lượng chống lại các vụ tấn công máy tính, xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh mạng quốc gia và an toàn thông tin. Các hệ thống liên lạc qua vệ tinh và hậu cần cũng là mục tiêu bảo vệ của đội quân này. Họ đã thao tác diễn tập từ năm 2005.

Tổ chức quân sự liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO cũng có các chuyên gia về chiến tranh thông tin. Họ đã “dàn quân” trên chiến trường trực tuyến ở Estonia khi mạng Internet của nước này bị tấn công.

Nhìn lại lịch sử phát triển văn minh nhân loại, chúng ta khâm phục sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người, nhưng cũng tiếc cho những cuộc tàn sát khủng khiếp trong lịch sử. Hy vọng trong tương lai, những phát minh vĩ đại của chúng ta, bao gồm cả máy tính sẽ giúp cho nhân loại có một cuộc sống tốt hơn chứ không trở thành một vũ khí giết người hàng loạt trên chiến trường.

Thứ Ba, 10/06/2008 10:01
31 👨 547
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp