Các biện pháp chống đĩa lậu của Windows Vista

Windows Vista sẽ được trang bị đến tận răng những công nghệ chống sao chép mới nhất: PC sẽ bị khóa nếu như hệ điều hành không được kích hoạt trong vòng 30 ngày kể từ khi cài đặt.

Vấn đề là Vista sẽ chỉ có thể kích hoạt bằng một chìa khóa "đăng ký" hợp pháp do Microsoft phát hành mà thôi.

Nếu dùng chìa khóa "lậu" hoặc bẻ khóa Vista, hệ điều hành sẽ chạy ở trạng thái "nghèo tính năng", đờ đẫn và hầu như không sử dụng được các ứng dụng mạnh, phức tạp, giám đốc sản phẩm Thomas Linderman của Microsoft cho biết. Ở trạng thái này, người dùng sẽ chỉ duyệt Web được trong một tiếng, sau đó, hệ thống sẽ tự động ... log out.

Công nghệ này là một phần trong nền tảng "Bảo vệ phần mềm" mà Microsoft dự định công bố chiều nay. "Bảo vệ phần mềm" sẽ được cài đặt trong tất cả phiên bản sản phẩm sắp phát hành của Microsoft, mà Windows Vista và Windows Server Longhorn là những phần mềm "mở màn". Theo dự kiến, Vista sẽ ra mắt rộng rãi vào tháng 1/2007 tới đây.

Microsoft đang ra sức tăng cường vũ lực cho mình trong cuộc chiến chống lại nạn sao chép phần mềm. Đầu tiên là Genuine Advantage, một chương trình có khả năng nhận dạng phần mềm đang chạy trên máy tính người dùng là xịn hay lậu. Giờ thì hãng tiếp tục phát triển thêm một loạt tính năng bảo vệ mới và có những hành động quyết liệt hơn khi phát hiện ra sản phẩm trái phép.

Nguồn: CNET
"Nếu bạn mua máy tính có cài sẵn Vista của những hãng như Dell, HP và Gateway, thí dụ thế, bạn sẽ chẳng có gì phải lo vì hệ điều hành này đã được kích hoạt sẵn rồi", Linderman cho biết. "Công nghệ này chủ yếu tác động đến những người chỉ mua hệ điều hành mà không mua máy tính mới".

Nếu bạn chọn cách tự cài đặt Vista trên nền PC cũ, bạn sẽ có khoảng thời gian 30 ngày để kích hoạt hệ điều hành và chứng minh với Microsoft rằng bản mình đang dùng là hợp pháp. Trong 30 ngày đó, ngày nào bạn cũng sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo và đồng hồ đếm ngược.

Nếu bạn cố tình phớt lờ mọi chuyện, sau 30 ngày, Vista sẽ đưa ra 4 lựa chọn. Thứ nhất, người dùng có thể kích hoạt qua mạng, thứ hai là chạy trạng thái "nghèo tính năng", thứ ba là nhập mã chìa khóa của sản phẩm và thứ tư là các hướng dẫn để kích hoạt bằng điện thoại.

Ngăn không cho người dùng sử dụng máy tính cài phần mềm lậu là một thay đổi đáng kể so với chính sách bảo vệ bản quyền trước đây của Microsoft. Lấy thí dụ, Windows XP chỉ chặn không cho bạn tải các chương trình gia tăng từ website của Microsoft mà thôi.

Windows XP cũng yêu cầu kích hoạt sản phẩm, nhưng trong trường hợp hệ điều hành không được kích hoạt, bạn vẫn có thể chạy hệ thống ở trạng thái an toàn (safe mode). Hơn nữa, nếu bạn sử dụng mã chìa khóa licence hàng loạt, cũng chẳng có ai chất vấn hay ngăn trở gì. Đây chính là cách thức vi phạm bản quyền Windows phổ biến nhất.

Nhưng kể từ Vista, Microsoft sẽ không cung cấp những mã licence này nữa.

"Phần mềm lậu là một trong những vấn nạn đau đầu nhất của ngành công nghiệp phần mềm", Linderman nói. Có tới hơn một phần ba số phần mềm cài đặt trong năm ngoái là phần mềm lậu hoặc không có giấy phép.

Microsoft còn cẩn thận tới mức tiếp tục kiểm tra kể cả sau khi Vista đã được kích hoạt trên máy. Lấy thí dụ, trong quá trình bạn tải chương trình mới của Microsoft về máy, Microsoft sẽ âm thầm kiểm tra mã chìa khóa license. Nếu thấy khả nghi, hãng sẽ lại đưa ra một thời hạn 30 ngày khác để bạn mua mã chìa khóa hợp pháp.

Trong thời gian chờ đợi, bạn sẽ bị chặn truy cập vào công cụ chống spyware Windows Defender, tính năng mở rộng bộ nhớ ReadyBoost và đồ họa cao cấp Aero.

Tương tự, nếu không được chứng thực sau 30 ngày, máy tính cũng bị "khóa tay khóa chân".

Bên cạnh những nỗ lực làm cho việc sao chép sản phẩm trở nên khó hơn, Microsoft cũng thay đổi phương thức cấp giấy phép sử dụng phần mềm. Trước đây, hãng thường dùng mã chìa khóa license hàng loạt (là những mã đăng ký dạng thuần ký tự mà Microsoft trao cho những tổ chức lớn để đăng ký sử dụng sản phẩm). Một mã chìa khóa có thể dùng để kích hoạt và chạy số lượng không hạn chế các sản phẩm như Windows XP hay Office XP.

Nhưng bắt đầu từ Vista, Microsoft sẽ sử dụng hệ thống license khác. Trước hết là chìa khóa đa kích hoạt, hay MAK. Một chuyên gia kỹ thuật của doanh nghiệp có thể cài đặt chìa khóa lên máy tính, sau đó vào mạng để xác nhận hợp lệ. Tuy nhiên, họ cũng có thể thiết lập một proxy trung ương để kích hoạt nhiều máy tính cùng lúc.

Dạng hệ thống thứ hai là dịch vụ quản lý chìa khóa, hay KMS. Microsoft yêu cầu doanh nghiệp/tổ chức phải thiết lập nên dịch vụ KSM trên mạng nội bộ để kích hoạt các máy tính khách. Máy tính cài Vista sẽ lặng lẽ tìm đến KMS và tự kích hoạt.

Trọng Cầm

Thứ Sáu, 06/10/2006 10:49
31 👨 81
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp