Các nhà thiên văn từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vừa phát hiện một hành tinh có tên BD+05 4868 A đang trong quá trình phân rã, để lại phía sau một chiếc đuôi vật chất dài tựa sao chổi.
Hành tinh này nằm cách Trái Đất 140 năm ánh sáng, có khối lượng tương đương Sao Thủy, nhưng quay quanh ngôi sao chủ với quỹ đạo siêu hẹp, khiến thời gian một năm ở đây chỉ kéo dài hơn 30 giờ. Khoảng cách gần như vậy khiến nhiệt độ bề mặt hành tinh lên tới 3.000°F (khoảng 1.650°C), biến nó thành một khối magma sôi sục và bốc hơi vào không gian.
Khi di chuyển, vật chất từ bề mặt hành tinh bị bóc tách và bay hơi, tạo thành đuôi mảnh vụn khổng lồ phía sau — hiện tượng tương tự xảy ra với sao chổi khi tiến gần Mặt Trời.

Tiến sĩ Marc Hon, trưởng nhóm nghiên cứu tại MIT, cho biết: "Chiếc đuôi này khổng lồ đến mức trải dài 9 triệu km — bằng một nửa quỹ đạo của hành tinh. Ban đầu, chúng tôi không tìm kiếm loại hành tinh này. Khi kiểm tra tín hiệu thông thường, tôi tình cờ phát hiện một dấu hiệu dị thường".
Chiếc đuôi dài đã thu hút sự chú ý của nhóm nghiên cứu khi tạo ra tín hiệu đặc biệt lúc hành tinh này đi qua phía trước sao chủ — phương pháp phát hiện ngoại hành tinh phổ biến dựa trên sự sụt giảm độ sáng của sao (gọi là quá trình transit). Trong trường hợp này, thời gian transit kéo dài bất thường và thay đổi nhẹ sau mỗi chu kỳ, cho thấy hình dạng hành tinh biến đổi liên tục — manh mối về sự tồn tại của đuôi.
Hon giải thích: "Hình dạng transit này điển hình của sao chổi có đuôi dài. Tuy nhiên, đuôi ở đây khó chứa khí hoặc băng dễ bay hơi như sao chổi thật — chúng không thể tồn tại lâu dưới nhiệt độ cực cao gần sao chủ. Thay vào đó, các hạt khoáng chất bốc hơi từ bề mặt hành tinh có thể tồn tại đủ lâu để tạo thành chiếc đuôi đặc biệt này".
Nguyên nhân khiến BD+05 4868 A mất dần vật chất là khối lượng thấp, dẫn đến lực hấp dẫn yếu không thể giữ chặt bề mặt. Đây là một trong bốn hành tinh phân rã từng được phát hiện và là hành tinh gần Trái Đất nhất, khiến giới khoa học muốn nghiên cứu sâu hơn bằng Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST).