Nhiều người nghĩ tất cả các bộ sạc đều giống nhau, nhưng giả định đó khiến họ mất hàng giờ sạc chậm - cho đến khi biết được 6 điểm khác biệt quan trọng thường bị bỏ qua.
Mục lục bài viết
Không phải tất cả các bộ sạc đều cung cấp cùng một công suất đầu ra

Đầu tiên và quan trọng nhất, không phải tất cả các bộ sạc điện thoại đều cung cấp cùng một công suất đầu ra. Chúng có thể trông gần như giống hệt nhau, nhưng điều thực sự quan trọng là lượng điện năng mà chúng thực sự truyền đến điện thoại của bạn. Và công suất đó, được đo bằng watt, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sạc điện thoại. Về cơ bản, công suất càng cao thì sạc càng nhanh (giả sử điện thoại của bạn hỗ trợ công suất này).
Công suất sạc được xác định bởi hai yếu tố chính: Vôn, chỉ cường độ dòng điện và Ampe, chỉ lượng dòng điện chạy qua. Bạn thường có thể tìm thấy thông tin này trong phần in nhỏ trên bộ sạc của mình, được liệt kê dưới dạng "Đầu ra: 5V ~ 2A" hoặc "Đầu ra: 9V ~ 3A".
Nhân các con số đó - volt nhân ampe - và bạn sẽ có được công suất. Ví dụ, 5 volt nhân 2 ampe bằng 10 watt, 9 volt nhân 3 ampe cho bạn công suất 27 watt. Tuy nhiên, bộ sạc công suất cao không phải lúc nào cũng đảm bảo sạc nhanh hơn. Mỗi điện thoại đều có giới hạn tích hợp và sẽ chỉ sử dụng lượng điện mà nó được thiết kế để xử lý.
Vì vậy, nếu điện thoại hỗ trợ mức 25 watt và bạn cắm nó vào bộ sạc 66 watt, nó sẽ không sạc nhanh hơn một cách kỳ diệu. Nó vẫn sẽ chỉ sử dụng cống suất 25 watt và công suất lớn hơn từ bộ sạc sẽ không được tận dụng. May mắn thay, bộ điều khiển tích hợp này giúp quá trình này an toàn, vì vậy việc sử dụng bộ sạc công suất cao hơn sẽ không làm hỏng thiết bị của bạn.
Sạc nhanh không phổ biến
Chỉ vì bộ sạc có ghi "sạc nhanh" không có nghĩa là nó sẽ cung cấp tốc độ sạc tối đa cho mọi thiết bị. Các thương hiệu khác nhau sử dụng những công nghệ sạc nhanh khác nhau, do đó, bộ sạc siêu nhanh cho một điện thoại có thể chậm hơn đáng kể trên điện thoại khác.

Rốt cuộc, bộ sạc của bên thứ ba không phải lúc nào cũng tệ. Trên thực tế, nhiều thương hiệu hỗ trợ các giao thức sạc nhanh được sử dụng rộng rãi, chẳng hạn như USB-PD (Apple sử dụng tiêu chuẩn mở này) và Qualcomm Quick Charge. Những giao thức này có thể hoạt động tốt trên nhiều thiết bị khác nhau và mang lại hiệu suất ổn định. Tuy nhiên, ngay cả với các tùy chọn của bên thứ ba tốt nhất, bạn vẫn có thể nhận thấy một số khác biệt nhỏ. Chúng thường không nhanh hoặc đáng tin cậy bằng bộ sạc gốc, được thiết kế riêng cho điện thoại của bạn.
Chất lượng cáp quan trọng hơn bạn nghĩ

Cáp có thể trông giống nhau, nhưng bên trong, chúng được chế tạo rất khác biệt. Cáp chất lượng tốt sử dụng dây dày hơn và vật liệu dẫn điện tốt hơn như đồng nguyên chất, cho phép nhiều dòng điện chạy qua một cách trơn tru và hiệu quả. Những loại rẻ hơn thường sử dụng dây mỏng hơn và hợp kim cấp thấp, tạo ra điện trở. Điện trở đó dẫn đến sụt áp và tốc độ sạc chậm hơn.
Một yếu tố khác cần xem xét là chiều dài cáp. Cáp càng dài thì điện trở càng lớn, làm giảm tốc độ sạc hơn nữa. Đây là một lý do khiến thiết bị của bạn sạc chậm. Đối với nhu cầu sử dụng hàng ngày, một sợi cáp dài từ 1 đến 1,8m thường là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn cần một sợi cáp dài hơn, hãy đảm bảo đầu tư vào loại có dây dày và vật liệu tốt hơn.
Bên cạnh vật liệu và độ dài của cáp, khả năng chịu tải dòng điện của cáp cũng đóng vai trò lớn trong tốc độ sạc. Hầu hết các loại cáp USB có thể xử lý 2 - 3 ampe, phù hợp với hầu hết các thiết bị. Nhưng nếu đang sử dụng bộ sạc nhanh hoặc thiết bị hỗ trợ dòng điện cao hơn, bạn sẽ cần một loại cáp có khả năng chịu tải lớn hơn.
Nếu không, cáp sẽ trở thành nút thắt cổ chai, bất kể bộ sạc mạnh đến mức nào hay pin điện thoại tiên tiến đến đâu. Ví dụ, bộ sạc siêu nhanh 45W của Samsung chỉ cung cấp đủ công suất 45W khi được ghép nối với cáp USB-C 5 ampe. Loại cáp đi kèm với điện thoại không được thiết kế để chịu được loại công suất đó.
Sạc không dây có những hạn chế riêng

Sạc không dây có vẻ rất tiện lợi theo nhiều cách. Việc thả điện thoại vào đế sạc mà không phải xử lý những sợi cáp rối mang lại sự thoải mái trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Tuy nhiên, giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, sạc không dây cũng có những nhược điểm.
Đầu tiên, sạc không dây không hoàn toàn loại bỏ hết dây cáp. Chắc chắn, bạn không cần phải cắm cáp vào điện thoại, nhưng đế sạc vẫn cần được kết nối với nguồn điện bằng dây cáp. Vì vậy, mặc dù sạc không dây cắt giảm bớt dây cáp , nhưng bạn vẫn cần ổ cắm hoặc cổng USB để đế sạc hoạt động.
Nhiệt là một vấn đề khác. Sạc không dây thường tạo ra nhiều nhiệt hơn sạc có dây; theo thời gian, nhiệt độ tăng thêm đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng pin của điện thoại. Điện thoại thông minh được thiết kế để có thể xử lý nhiệt, nhưng việc tiếp xúc nhiều lần với nhiệt độ cao có thể làm giảm hiệu quả và tuổi thọ của pin.
Bộ sạc GaN là tương lai

Nếu đã sử đụng bộ sạc GaN, bạn sẽ không bao giờ muốn quay lại bộ sạc cũ nữa. GaN, viết tắt của Gallium Nitride, thay thế công nghệ silicon truyền thống, giúp bộ sạc nhỏ, hiệu quả và mát hơn, ngay cả khi xử lý mức công suất cao.
Không giống như bộ sạc silicon thông thường có xu hướng cồng kềnh và nóng lên khi công suất cao hơn, GaN xử lý điện năng hiệu quả hơn, ít lãng phí năng lượng dưới dạng nhiệt hơn. Thậm chí, chúng còn hỗ trợ các tiêu chuẩn hiện đại như USB Power Delivery, do đó bạn có thể sạc nhanh iPhone, thiết bị Android, máy tính bảng hoặc laptop của mình bằng cùng một bộ sạc nhỏ gọn. Một số bộ sạc thậm chí còn đi kèm nhiều cổng, do đó bạn có thể sạc nhiều thiết bị cùng lúc mà không làm giảm tốc độ.
Sau khi tìm hiểu tất cả những điều này, bạn hãy ngừng coi bộ sạc chỉ là thứ phụ kiện không mấy quan trọng. Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một bộ sạc mới, đừng chỉ tìm tùy chọn rẻ nhất. Hãy dành một phút để kiểm tra 3 điều: Định mức công suất, cáp có hỗ trợ sạc nhanh không và cả hai có phù hợp với tiêu chuẩn sạc của điện thoại không.