Thác nước lớn nhất thế giới nằm ở dưới biển

Danh hiệu thác nước lớn và cao nhất thế giới thuộc về thác nước eo biển Đan Mạch cao tới 3.500 m. Thác nước này là khối nước dốc thẳng xuống ở eo biển giữa Greenland và Iceland, có nghĩa là nó nằm dưới nước.

Sự chênh lệch nhiệt độ và độ mặn cung cấp sức mạnh cho phần lớn dòng hải lưu đại dương nên thác nước eo biển Đan Mạch có lưu lượng gần 3,5 triệu m3/giây.

Eo biển Đan Mạch vắt qua Vòng cực Bắc, nó đóng vai trò như chiếc phễu để nước vùng cực đổ từ các biển Bắc Âu vào Đại Tây Dương.

Thác nước này xuất hiện do sự chênh lệch mật độ giữa các vùng nước của biển Greenland và biển Irminger. Ở phía bắc eo biển Đan Mạch, nước bề mặt tiếp xúc với không khí Bắc Cực lạnh giá và trở nên lạnh hơn do một phần nước đóng băng. Khi đó, muối sẽ tập trung ở khu vực không đóng băng. Nước biển mặn và lạnh đặc hơn so với nước ấm nên chìm xuống dưới, còn lớp nhẹ hơn nổi lên trên. Điều này khiến dòng hải lưu sâu chảy về phía nam qua eo biển, đổ vào biển Irminger ở Bắc Đại Tây Dương.

Eo biển Đan Mạch cũng có vách đá hoặc đường dốc giống các thác nước trên cạn khác. Đó là một gờ dốc cao 3.500 m ở đáy biển gần mũi phía nam Greenland được tạo ra cách đây 11.500 - 17.500 năm, trong kỷ Băng Hà cuối cùng bởi sông băng. Nước ở đáy biển chảy qua eo biển, qua rìa gờ dốc và đổ xuống theo sườn của nó, tạo thành thác nước bên dưới lớp nước bề mặt ấm hơn của biển Irminger.

Thác nước dưới biển

Dù đáy biển dốc xuống hơn 3.500 m nhưng do đổ vào một hồ sâu chứa nước lạnh và đặc nên phần nước chảy tràn chỉ cao khoảng 2.000 m. Phần nước chảy tràn rộng bằng eo biển Đan Mạch, trải rộng trên 480 km đáy biển nên tốc độ chảy xuống chỉ khoảng 0,5 m/s, chậm hơn nhiều tốc độ dòng chảy ở thác Niagara (109 km/h), hay 30,5 m/s.

Thác nước cao nhất trên cạn là thác Angel với chiều cao 979 m và chiều rộng 150 m ở đáy, tương đương 3 tháp Eiffel xếp chồng lên nhau.

Thứ Ba, 30/04/2024 08:03
42 👨 205
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học