Neuralink xác nhận ca cấy chip não đầu tiên gặp sự cố

Công ty Neuralink của tỉ phú Elon Musk mới đây thông báo về một sự cố kỹ thuật xảy ra với hệ thống giao diện não-máy tính (BCI) được cấy ghép vào bệnh nhân đầu tiên Noland Arbaugh, 29 tuổi.

Cụ thể, một phần của chip đã bị hỏng sau khi được cấy ghép vào não của bệnh nhân khiến cho một số "sợi dây" ghi tín hiệu thần kinh bị tách ra khỏi mô não làm cho số lượng điện cực hoạt động hiệu quả bị giảm. Điều này khiến khả năng đo tốc độ và độ chính xác của hệ thống, vốn được kỳ vọng giúp bệnh nhân bại liệt điều khiển các thiết bị ngoại vi chỉ bằng suy nghĩ, bị ảnh hưởng.

Cấy chip vào não người

Tuy nhiên, Neuralink không tiết lộ cụ thể số lượng "sợi dây" bị hỏng và cũng không chia sẻ thêm thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Neuralink cho biết, họ đã điều chỉnh thuật toán ghi tín hiệu, cải thiện giao diện người dùng và nỗ lực cải thiện các kỹ thuật dịch tín hiệu thành chuyển động con trỏ chuột để khắc phục sự cố. Công ty cũng khẳng định, chip cấy ghép vẫn an toàn cho bệnh nhân giúp anh chàng vẫn có thể sử dụng hệ thống BCI của công ty trong khoảng 8 giờ mỗi ngày trong tuần và 10 giờ mỗi ngày vào cuối tuần.

Sự cố khiến nhiều người nghi ngại về tính an toàn và hiệu quả của công nghệ cấy ghép chip não. Vẫn còn một chặng đường dài để Neuralink thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống BCI trước khi có thể được thương mại hóa.

Người được cấy chip vào não đã chơi cờ trên máy tính bằng ý nghĩ liên tục 8 giờ

Ngày 20/3, Neuralink của Elon Musk đã livestream cảnh một người bị liệt tứ chi có thể điều khiển máy tính sau khi cấy chip não.

Livestream dài 9 phút của Neuralink cho thấy người đầu tiên cấy chip não Neuralink có tên là Noland Arbaugh, 29 tuổi và bị liệt từ vai trở xuống, mất cảm giác tay chân sau một tai nạn khoảng 8 năm trước. Anh chàng này sau khi được cấy chip có thể dùng suy nghĩ của mình để di chuyển con trỏ trên màn hình laptop chơi cờ vua và tắt nhạc. Trong video, không có mặt thiết bị hay dây điện nào.

Noland Arbaugh chia sẻ thêm, trước đây, anh phải ngậm một cái que để thực hiện một số công việc nhất định.

Đoạn video giúp Neuralink trở thành một trong những công ty đầu tiên công bố bằng chứng về hiệu quả của việc cấy ghép chip não. Trước Neuralink, Blackrock Neurotech và Synchron, cũng đã đạt được thành quả nhất định dù mỗi bên có cách tiếp cận khác nhau.

Trong livestream của Neuralink, Arbaugh chia sẻ về quá trình đào tạo thiết bị sau khi được cấy chip vào não vào tháng 1. Đầu tiên, anh sẽ nghĩ về việc di chuyển bàn tay và di chuyển con trỏ máy tính. Khi Arbaugh bắt đầu tưởng tượng con trỏ di chuyển nó trở nên trực quan hơn.

Arbaugh hiện đã có thể chơi game trong vài giờ khi nằm trên giường. Tuy nhiên, anh phải sạc lại chip sau vài tiếng chơi liên tục nên có chút bất tiện. Ngoài ra, Arbaugh hy vọng anh có thể dễ dàng điều khiển con trỏ máy tính hơn trong thời gian tới.

Người cấy chip não có thể di chuột bằng ý nghĩ

Ngày 20/2, trong bài đăng trên mạng xã hội X, Elon Musk cho biết, bệnh nhân cấy chip não đầu tiên của Neuralink đã điều khiển được chuột máy tính thông qua suy nghĩ.

Bệnh nhân cấy chip não thành công vào tháng trước đang tiến triển tốt và dường như hồi phục hoàn toàn hệ thống thần kinh. Neuralink đang cố gắng giúp người này di chuột quanh màn hình và thao tác càng nhiều lượt nhấp chuột càng tốt.

Neuralink cho biết, cuộc phẫu thuật quan trọng này được thực hiện bởi robot, bộ phận cấy ghép giao diện não - máy tính được đặt vào vùng não.

Ca phẫu thuật cắt hộp sọ mất tới vài giờ để thực hiện, sau đó robot đưa thiết bị vào cùng với bộ phận chip siêu mỏng gồm khoảng 64 sợi khác nhau và việc này mất khoảng 25 phút. Các sợi chỉ bằng 1/14 chiều rộng của một sợi tóc người. Mục tiêu ban đầu của cuộc phẫu thuật cấy chip vào não người là cho phép người bệnh điều khiển con trỏ hoặc bàn phím máy tính bằng suy nghĩ.

Cấy chip vào não người

Vào tháng 5 năm ngoái, Neuralink được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc đưa chip vào não người.

Neuralink được Musk đồng sáng lập năm 2016 với mục tiêu là phát triển thành công giao diện não - máy tính để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai. Tuy nhiên, không chỉ Neuralink nhiều công ty khởi nghiệp khác cũng có mục tiêu tương tự như Synchron và Onward. Trước tình hình đó, Vance cho biết Musk đã yêu cầu Neuralink phải tăng tốc giống như cách thế giới đối phó với ngày tận thế.

Elon Musk kỳ vọng công nghệ chip não của Neuralink sẽ giúp thay đổi thế giới, mở ra tiềm năng như thần giao cách cảm hay cộng sinh với AI. Tuy nhiên, có vẻ như người Mỹ không đón nhận nồng nhiệt công nghệ chip não của Neuralink. Theo cuộc thăm dò từ công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov, khi được hỏi có cân nhắc đưa chip vào não người, chỉ 8% số người được hỏi quan tâm, 82% trả lời không và 10% chưa quyết định.

Thứ Sáu, 10/05/2024 09:41
4,25 👨 2.137
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ