Mọi người thường cư xử đúng mực hơn khi nghĩ rằng đang có ai đó theo dõi mình? Điều này có chính xác hay không?

Nếu buộc phải kể ra một quy tắc đạo đức có thể được đồng thuận và chia sẻ bởi hầu hết các nền văn hóa, tôn giáo, quốc gia, hay đảng phái chính trị, thì đó phải là khái niệm về việc bạn không nên, hay nói đúng hơn là không bao giờ được quyền bắt người khác phải làm điều mà chính bản thân mình không muốn, hay bắt người khác phải chọn lựa thứ mà mình không thích. Điều này đã được biết đến như là quy tắc vàng trong cách ứng xử giữa người với người, trong mọi hình thái xã hội.

Quy tắc vàng: Hãy đối xử với người khác theo cách mà bản thân mình muốn được đối xử.Quy tắc vàng: Hãy đối xử với người khác theo cách mà bản thân mình muốn được đối xử.

Nhưng chúng ta, những con người sống trong xã hội hiện đại, văn minh có thực sự tuân theo quy tắc vàng này? Đặc biệt là khi những hình phạt cho hành vi ứng xử không đúng mực luôn thường trực? Một nghiên cứu chuyên sâu mới được tiến hành gần đây đã “đưa những câu hỏi này vào phòng thí nghiệm” và tìm ra câu trả lời thông qua một “trò chơi” thương lượng đơn giản.

Cách chia tiền và những vấn đề liên quan đến quy tắc ứng xử trong thương lượng

Yuan Ju, giáo sư chủ nhiệm khoa Kinh tế, Đại học York và Jiawen Li, Giảng viên Kinh tế, Đại học Lancaster - 2 chuyên gia đứng đầu nhóm nghiên cứu - đã lên kế hoạch mời 300 tình nguyện viên đến phòng thí nghiệm của họ tại Trung tâm Kinh tế Thực nghiệm Đại học New York để đề nghị những người này đưa ra quan điểm cá nhân liên quan đến việc chia một số tiền nhất định cho các tình nguyện viên khác.

Cách chia tiền có liên quan mật thiết đến việc tuân thủ hay không tuân thủ quy tắc vàngCách chia tiền có liên quan mật thiết đến việc tuân thủ hay không tuân thủ quy tắc vàng

Ý tưởng ở đây là những người tham gia sẽ được yêu cầu chia một số tiền nhất định giữa họ và một người tham gia khác, với việc một người trong cặp có quyền quyết định cả hai sẽ nhận được bao nhiêu. Điều này sau đó sẽ được chuyển tiếp đến một bên thứ ba, là người đưa ra lời đề nghị cho các tình nguyện viên tham gia. Mỗi tình nguyện viên có thể đưa ra cho đối tác của mình bất cứ đề xuất nào có giá trị từ 0 đến toàn bộ số tiền mà cả 2 phải chia cho nhau. Nếu đối tác nói “đồng ý” với lời đề nghị, cả hai sẽ đều nhận được số tiền như đã thỏa thuận. Nhưng trong trường hợp người kia từ chối lời đề nghị (vì họ cảm thấy cách chia tiền không hợp lý, hay họ nên được phần nhiều hơn), cuộc thương lượng sẽ bị tính là thất bại, có nghĩa là cả 2 người sẽ đều không nhận được một đồng nào từ chương trình.

Mỗi người tham gia sẽ lần lượt trải nghiệm cuộc thương lượng theo cặp nêu trên với cả 2 vai trò: Người đề xuất (đưa ra lời đề nghị về cách chia tiền), và người phản hồi (đưa ra ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý trước lời đề nghị), với nhiều đối tác khác nhau. Điều này sẽ làm tăng xác suất cho việc một người trong vai trò phản hồi sẽ phải đồng ý với cùng một đề nghị mà họ đã đưa ra trước đó khi đóng vai trò là người đề xuất. Tức là họ sẽ có “nguy cơ” phải đối mặt với những đề xuất mà đối tác của mình lúc trước cũng đã không chấp nhận.

Điều khiến các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm là cách thức mọi người bày tỏ quan điểm như thế nào khi họ đóng vai trò người phản hồi và phải đối mặt với cùng một đề nghị mà mình đã từng đưa ra trước đó cho người khác khi giữ vai trò là người đề xuất. Đối với những người tuân thủ quy tắc vàng trong ứng xử đã nêu đầu bài viết, họ chắc chắn sẽ không gặp phải bất cứ vấn đề (mâu thuẫn) nào trong quá trình thương lượng với những người khác, và chắc chắn sẽ đồng ý với những lời đề nghị tương đương mà mình nhận được, bởi đơn giản là họ không bắt người khác phải chấp nhận những đề xuất mà chính mình không muốn.

Kết quả của nghiên cứu khá bất ngờ, đa số đề xuất thương lượng của các cặp đều phù hợp với nguyên tắc vàng. Trong đó, có khoảng 93% người tham gia nói đồng ý với những lời đề nghị chia tiền mà họ nhận được, bằng với những gì mà họ đề xuất với người khác ở các lần thương lượng trước đó. Nếu con số 93% là thật, liệu nó có thể nói lên rằng 300 tình nguyện viên này hầu hết đều là những người biết cách ứng xử theo nguyên tắc, hay nói cách khác là không tham lam, nhận phần hơn và bắt người khác chịu phần thiệt? Nếu không thì nguyên nhân sâu xa ở đây là gì?

Sự khác biệt khi bị theo dõi và không bị theo dõi

Trong ứng xử, những người biết tôn trọng quy tắc vàng, về lâu dài, sẽ được lợi hơn so với những cá nhân chỉ biết nghĩ cho mình, và dường như điều này càng được minh chứng rõ ràng thông qua nghiên cứu của Yuan Ju và Jiawen Li. Kết quả thống kê cho thấy những người tuân theo quy tắc vàng, về cơ bản, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bởi đa số các cuộc đàm phán của họ đều thành công. Trong khi những cuộc thương lượng của những người chọn đi ngược lại quy tắc vàng gần như có xác suất đổ bể 100%.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ trong khi con số 93% cho thấy hầu hết mọi người đều tuân theo quy tắc vàng, điều này nghe có vẻ khá tuyệt vời, có thể cho chúng ta mơ ước về một xã hội trong mơ, nơi mọi người đều biết tôn trọng quyết định của nhau, các nhà nghiên cứu đồng thời cũng nhận thấy rằng nếu mọi người biết hành vi của họ không bị quan sát, hay cụ thể ở đây là họ có thể thoải mái chia tiền theo ý mình mà không ai biết, thì tỷ lệ tuân thủ quy tắc vàng sẽ giảm đi gần 20% và sẽ chỉ còn 73% người tham gia thực sự tôn trong quy tắc.

Mọi người có xu hướng cư xử đúng mực hơn khi nghĩ rằng mình đang bị theo dõi và ngược lạiMọi người có xu hướng cư xử đúng mực hơn khi nghĩ rằng mình đang bị theo dõi và ngược lại

Phát hiện này đã phần nào đó củng cố thêm cho kết quả từ các công trình nghiên cứu khác dựa trên góc độ tâm lý xã hội, cho thấy mọi người thường cư xử theo cách tốt đẹp hơn khi họ biết mình đang bị theo dõi, hoặc chỉ đơn giản là cho rằng ai đó đang nhìn mình. Thật vậy, thậm chí ngay cả một tấm poster in hình đôi mắt đôi khi cũng có thể thay đổi cách mọi người cư xử, cụ thể là theo hướng tích cực hơn. Ngược lại, trong thường hợp không bị để ý, con người ta thường có xu hướng đi ngược lại hoặc làm ngơ trước những quy tắc chung, mặc dù họ thừa hiểu rằng điều đó là hoàn toàn không đúng chuẩn mực.

Suy nghĩ về vấn đề cách ứng xử và đưa ra quyết định

Qua nghiên cứu trên và nhiều nghiên cứu khác đã được thực hiện trước đó cũng cho kết quả tương tự, không cần phải quá sâu sắc, chúng ta đều nhận ra rằng có những vấn đề rất đáng suy ngẫm về cách thức mọi người đưa ra quyết định của mình, chung như cách họ bắt người khác phải chấp nhận quyết định đó, dù biết nó không công bằng.

Trở lại một chút với nghiên cứu của Yuan Ju và Jiawen Li. Những người mất nhiều thời gian hơn để quyết định cách chia tiền thường là những người có khả năng cao đi chệch ra khỏi quy tắc vàng và ngược lại. Tất nhiên điều này cũng có thể là do quy tắc vàng rất dễ áp dụng (đơn giản nhất là chia đều), do đó thời gian quyết định lâu hơn có thể phản ánh bản chất phức tạp của cuộc thương lượng mà trong đó, người ta đưa ra quá nhiều đề xuất (có thể xung đột) vào quá trình ra quyết định.

Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng kinh nghiệm đóng một vai trò nhất định trong cách đưa ra quyết định của mọi người. Những người giữ vai trò người đề xuất trước tiên sẽ nhiều khả năng là một người theo quy tắc vàng hơn so với những người lần đầu tiên đóng vai trò phản hồi.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng giới tính, tình trạng kinh tế xã hội hoặc các yếu tố văn hóa không tạo ra bất cứ sự khác biệt nào trong việc tuân thủ hay không tuân thủ nguyên tắc vàng. Điều này đã một lần nữa chứng minh tính phổ quát của những nguyên tắc vàng nói chung trong xã hội của chúng ta. Thêm vào đó, mọi hành vi liên quan đến quy tắc vàng cũng không bị thúc đẩy hoặc ảnh hưởng bởi quan điểm của họ đối với tiền - điều có thể gây ngạc nhiên - mà thay vào đó, chính “sức mạnh” của các quy chuẩn đạo đức mới là nhân tố điều khiển hành vi.

Điều này một phần dựa trên khái niệm về dự đoán thiên vị. Trong đó, mọi người thường có xu hướng phỏng chiếu suy nghĩ, sở thích và hành vi của mình lên người khác, hay nói ngắn gọn là áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.

Việc chọn hay không chọn tuân thủ quy tắc vàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tốViệc chọn hay không chọn tuân thủ quy tắc vàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố

Tóm lại, công trình nghiên cứu đã cho thấy cái gọi là “hành vi đúng chuẩn mực” phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau - bao gồm cả việc một người có tin rằng họ đang bị quan sát hay không. Điều này chỉ ra rằng mặc dù hầu hết mọi người đều tuân theo một số hình thức của quy tắc đạo đức chung, nhưng mức độ họ tuân thủ các quy tắc này cũng sẽ có chút thay đổi tùy theo từng tình huống cụ thể.

Chủ Nhật, 24/11/2019 13:47
54 👨 1.374
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống