Trung Quốc – “công xưởng” hacker

Chỉ với vài thao tác bàn phím, hacker có biệt danh Majia đã bật lên màn hình hiển thị những nạn nhân mới nhất của anh ta.

>>> Nữ hacker xinh đẹp 'đe dọa' Google tại Trung Quốc

Đây là danh sách những người đã bị nhiễm sâu Trojan của tôi”, anh ta nói. “Họ thậm chí không biết điều gì đang xảy ra trong máy tính của họ”.

Majia cho biết cái “bẫy” trên mạng anh ta tạo ra tuần trước đã dụ được hơn 2.000 người ở Trung Quốc và nước ngoài - những người đã kích chuột vào những nơi hacker này cài sẵn mã độc để lây nhiễm. Việc phát tán mã độc cho phép anh ta kiểm soát các máy tính bị nhiễm và ăn trộm mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Nơi sản sinh hacker

Majia chỉ là một phần trong cộng đồng hacker chuyên khai thác lỗ hổng trong các phần mềm để đột nhập vào các website ăn cắp dữ liệu giá trị và bán chúng kiếm tiền. Các chuyên gia bảo mật cho rằng Trung Quốc có vô số hacker như Majia. Đó là lực lượng đã góp phần làm gia tăng số vụ tấn công mạng ăn trộm thông tin thẻ tín dụng, thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp và thậm chí phát động các cuộc chiến tranh mạng với hacker các nước khác. Ngoài những hacker độc lập như Majia, theo các chuyên gia bảo mật, ở Trung Quốc còn có các hacker “yêu nước” tập trung các cuộc tấn công của họ vào những mục tiêu chính trị.

Cách đây 3 tuần, Google cho biết các hacker có nguồn gốc từ Trung Quốc đã thực hiện một loạt cuộc tấn công tinh vi để ăn cắp mã nguồn vô cùng giá trị của hãng tìm kiếm này. Thực vậy, ở Trung Quốc cũng như một số nước Đông Âu và Nga, hack máy tính đã trở thành phong trào và là hoạt động kiếm tiền.

Với gần 6 USD, bất kỳ ai có thể mua cuốn sách Hướng dẫn nhập môn hacker. Và với 380 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc và thị trường game online phát triển rất sôi động, các nhà phân tích cho rằng không ngạc nhiên khi giới trẻ Trung Quốc lại giỏi hack máy tính.

Không chỉ ăn cắp thông tin thẻ tín dụng và dữ liệu công ty, nhiều hacker đã kiếm tiền bằng việc bán dịch vụ cho các công ty. Bởi rất khó truy tìm dấu vết các vụ tấn công mạng, nên việc phát hiện ai là người đứng sau các cuộc tấn công và nơi hacker hoạt động vẫn luôn là một bí mật.

Hack là nghề kiếm tiền

Với điều kiện không được tiết lộ tên thật, cách đây hai tuần Majia đã đồng ý cho phóng viên New York Times (Mỹ) được chứng kiến kỹ năng hack vào một website tiếng Trung. Chỉ sau thời gian ngắn, hacker này đã ghi chiến tích “website đã bị hack” lên website đó.

Majia cho biết anh ta bắt đầu yêu thích hack máy tính khi là sinh viên đại học năm đầu tiên, sau khi được bạn bè chỉ dẫn kỹ năng đột nhập vào các hệ thống máy tính. Sau khi có bằng kỹ sư, anh ta kiếm được việc làm trong cơ quan nhà nước, phần lớn nhờ vào quan hệ của cha mẹ. Nhưng hàng đêm sau giờ làm việc, anh ta trở lại với đam mê của mình: hack máy tính.

Hack máy tính là hành vi phạm luật ở Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã bổ sung điều luật xử lý tội phạm hack máy tính tới 7 năm tù. Nhưng Majia dường như không thèm đếm xỉa đến quy định đó vì nó không được thực thi nghiêm túc và anh ta cũng rất cẩn thận không để lại dấu vết khi hành sự. Theo Majia, sự hấp dẫn của hack có phần vì tiền.

Scott J. Henderson, tác giả cuốn sách “Đột nhập vào thế giới hacker Trung Quốc” cho ngoài việc chôm tiền từ tài khoản ngân hàng ăn cắp, nhiều hacker kiếm tiền bằng việc lấy trộm thông tin giá trị của các doanh nghiệp và đi dạy người khác cách đột nhập máy tính.

Họ kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán virus và sâu Trojan để lây nhiễm vào máy tính của người khác,” Scott J. Henderson nói. “Hacker cũng đột nhập vào các tài khoản game trực tuyến và bán nhân vật ảo. Đó là hoạt động mang lại rất nhiều tiền.

Thứ Sáu, 05/02/2010 11:50
11 👨 4.079
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp