Tìm hiểu về chuẩn xếp hạng video game ESRB và PEGI

Việc xếp hạng đi kèm với mọi video game. Giống như phim ảnh, video game nhận được xếp hạng để bạn biết liệu chúng có phù hợp với trẻ em hay không. Tuy nhiên, nếu không quá quen thuộc với các video game, bạn có thể thấy xếp hạng video game hơi khó hiểu.

Hầu hết các xếp hạng video game chỉ là một tập hợp các chữ số. Bài viết này cung cấp hướng dẫn về xếp hạng ESRB và PEGI, trong đó, giải thích cách thức hoạt động của việc xếp hạng video game, cung cấp một chút nền tảng về các công ty chịu trách nhiệm và giải thích cách bạn có thể tận dụng chúng.

Bắc Mỹ: ESRB

ESRB

ESRB, viết tắt của Entertainment Software Rating Board, cung cấp dịch vụ xếp hạng video game cho Hoa Kỳ, Canada và Mexico. ESRB được thành lập vào năm 1994, và hoàn cảnh dẫn đến sự hình thành này khá thú vị.

Trước ESRB, việc xếp hạng video game tùy thuộc vào các nhà sản xuất console. Vào thời điểm đó, Nintendo đã không xếp hạng game, nhưng có tiếng trong việc kiểm duyệt các game để làm cho chúng thân thiện với gia đình. Trong khi đó, Sega có hệ thống xếp hạng riêng cho console của hãng này.

Khi card đồ họa video game ngày càng trở nên phổ biến hơn, phụ huynh và chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu cảm thấy lo ngại. Hai cái tên đình đám lúc bấy giờ: Mortal Kombat, game chiến đấu cực kỳ bạo lực và Night Trap, một game với video full-motion (hoàn toàn động), trong đó bạn phải ngăn chặn các cô gái tuổi teen bị bắt cóc, trở thành tâm điểm tranh cãi.

Do đó, chính phủ Hoa Kỳ đã tổ chức các phiên điều trần về tác động của những game dành cho người lớn đối với xã hội. Chính phủ đã đưa ra tối hậu thư cho ngành công nghiệp game: Phải đưa ra một hệ thống xếp hạng phổ quát trong vòng một năm, hoặc chính phủ sẽ đích thân thực hiện việc này.

Do đó, vào năm 1994, ESRB đã ra đời. Kể từ đó, nó trở thành hệ thống xếp hạng video game ở Bắc Mỹ. Không giống như nhiều quốc gia khác, việc xếp hạng ESRB không được thực thi một cách hợp pháp. Thay vào đó, nó tự điều chỉnh. Tất cả những nhà sản xuất console đều yêu cầu các game phải có xếp hạng ESRB mới được xuất hiện trên hệ thống của họ và những game không có xếp hạng sẽ không được đưa vào "kho" game.

Châu Âu: PEGI

PEGI

PEGI, viết tắt của Pan European Game Information, là tiêu chuẩn để xếp hạng các video game ở phần lớn những nước thuộc châu Âu. PEGI ra mắt vào năm 2003 và thay thế nhiều hệ thống xếp hạng game khác nhau mà các quốc gia riêng lẻ đã sử dụng trước đó. Tính đến thời điểm bài viết này, đã có 39 quốc gia sử dụng PEGI để xếp hạng game.

PEGI là một ví dụ về tiêu chuẩn hóa trên khắp các quốc gia trong Liên minh Châu Âu. Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố sẽ hỗ trợ cho PEGI. Một số quốc gia bắt buộc phải có nhãn nêu rõ độ tuổi trên các game, trong khi các quốc gia khác chấp nhận nó như một tiêu chuẩn thực tế, nhưng không có hỗ trợ luật quy định cụ thể.

Xếp hạng video game ở các quốc gia khác

Như bạn mong đợi, các khu vực khác trên thế giới cũng có hệ thống xếp hạng video game của riêng mình. Không thể bao gồm tất cả chúng trong bài viết này, nhưng chúng chủ yếu tuân theo mô hình tương tự. Ví dụ, Nhật Bản có CERO (Computer Entertainment Rating Organization) chỉ định việc xếp hạng theo chữ cái cho các game.

CERO

Tuy nhiên, Úc đặc biệt đáng chú ý khi ban hành luật kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn so với các quốc gia phương Tây khác. Australian Classification Board (Hội đồng phân loại Úc) đã không ủng hộ việc xếp hạng 18+ cho các video game cho đến năm 2013. Một số game không bao giờ được phát hành ở Úc, trong khi các game khác phải trải qua quá trình chỉnh sửa tương đối nhiều.

Ví dụ, trong Fallout 3, loại ma túy tổng hợp trong thế giới thực đã được đổi thành Med-X để tuân thủ các tiêu chuẩn của Úc. Việc bán bất kỳ game nào đã bị từ chối phân loại ở Úc đều bị coi là bất hợp pháp.

Giải thích về chuẩn xếp hạng ESRB

Bây giờ, bài viết sẽ xem xét các công ty đứng sau những chuẩn xếp hạng nêu ở trên. Trước tiên, hãy xem các xếp hạng video game thực tế mà bạn sẽ thấy ở Bắc Mỹ.

ESRB sử dụng 7 xếp hạng khác nhau cho các game. 4 xếp hạng trong số này rất phổ biến, trong khi 2 tùy chọn khác khá hiếm gặp và loại xếp hạng cuối cùng chỉ mang tính "giữ chỗ".

  • Early Childhood (EC) là xếp hạng thấp nhất. Nó biểu thị các game dành cho khán giả nhí. Do đó, những tựa game này không có nội dung phản cảm và có thể không mấy thú vị đối với khán giả nói chung, vì chúng dành cho trẻ nhỏ. Xếp hạng này không phổ biến lắm. Các game ví dụ bao gồm Dora the Explorer: Dance to the Rescue và Bubble Guppies.
  • Everyone (E) là xếp hạng cơ sở. Các game với xếp hạng này có nội dung “phù hợp với mọi lứa tuổi”. Trước năm 1998, xếp hạng này được gọi là Kids to Adults (KA). Các game được xếp hạng E bao gồm Mario Kart 8 Deluxe và Rocket League.
  • Everyone 10+ (E10+) biểu thị các game phù hợp cho trẻ em từ 10 tuổi trở lên. So với một game được xếp hạng E, những tựa game này có thể chứa một số nội dung mang tính khêu gợi, hài hước hoặc bạo lực nhiều hơn. Đáng chú ý, đây là xếp hạng duy nhất mà ESRB đã thêm kể từ khi thành lập. Một số game có đánh giá này là Super Smash Bros. Ultimate và Kingdom Hearts III.
  • Teen (T) là cấp độ tiếp theo. Đánh giá này phù hợp cho người chơi từ 13 tuổi trở lên. Các tiêu đề có thể có nội dung khơi gợi tính dục, ngôn ngữ mạnh hơn và có những cảnh liên quan đến máu me. Bạn sẽ tìm thấy xếp hạng Teen trên các game như Apex Legends và Fortnite.
  • Mature (M) là xếp hạng “thông thường” ở mức cao nhất. Các game xếp hạng M được coi là phù hợp cho những người từ 17 tuổi trở lên. So với các tựa game Teen, chúng có thể chứa những cảnh bạo lực dữ dội hơn, nội dung tình dục mạnh hơn, thậm chí cả hình ảnh khoả thân và ngôn ngữ khá mạnh. Một số “kho” game không bán các game được xếp hạng M cho trẻ vị thành niên, nhưng đây không phải là một tiêu chuẩn hợp pháp. Các tựa game ví dụ được xếp hạng M bao gồm Red Dead Redemption II và Assassin’s Creed Odyssey.
  • Adults Only (AO) là xếp hạng 18+ của ESRB. Mức xếp hạng này được áp dụng cho các game có nội dung tình dục đồ họa hoặc những game cho phép đánh bạc bằng tiền thật. Tuy nhiên, nó thực sự là một đánh giá khập khiễng. Không có nhà sản xuất console lớn nào cho phép các game AO trên hệ thống của họ và rất ít nhà bán lẻ bán những game AO trong “kho” game của mình.

Chính vì vậy, chỉ có một số ít các game nhận được mức xếp hạng này. Hầu hết các game AO nhận được đánh giá này do nội dung nặng về tình dục. Các nhà xuất bản sẽ thay đổi game của mình để tránh bị xếp hạng ở mức này, vì về cơ bản, đó giống như một bản án tử hình. Các game có xếp hạng AO bao gồm Seduce Me và Ef: A Fairy Tale of the Two.

  • Rating Pending (RP) chỉ mang tính “giữ chỗ”. Nó xuất hiện cùng với quảng cáo cho các game chưa được đánh giá.

Mô tả nội dung ESRB

Mô tả nội dung ESRB

Mức xếp hạng thường được tìm thấy ở mặt trước của hộp game, còn mặt sau chứa thông tin chi tiết hơn. ESRB có vài chục mô tả nội dung, cung cấp cho bạn thông tin về những loại nội dung phản cảm có trong game. Hầu hết các mô tả trong số này đều tự giải thích nội dung được bao hàm (chẳng hạn như Blood - liên quan đến cảnh máu me hoặc Use of Drugs - có cảnh sử dụng chất cấm), và bài viết sẽ giải thích một vài mô tả có thể gây nhầm lẫn ở đây:

  • Comic Mischief: Nhân vật trượt trên vỏ chuối, tát nhau, v.v...
  • Crude Humor: Nói chung là nói đến “sự hài hước trong phòng tắm” chẳng hạn như xì hơi.
  • Lyrics: Âm nhạc trong game chứa ngôn ngữ hoặc nội dung mang tính khêu gợi khác.
  • Simulated Gambling: Game đánh bài bằng tiền ảo.
  • Suggestive Themes: Game thường có các nhân vật trong trang phục mỏng manh hoặc tương tự như vậy.

Cuối cùng, ESRB hiện có thông tin về “Interactive Elements” (các yếu tố tương tác) ở cuối phần xếp hạng. Chúng bao gồm In-Game Purchases (Mua trong game) nếu game cho phép bạn chi tiền thật cho các loot box hoặc những vật phẩm tương tự và Users Interact (Người dùng tương tác) trong các game nơi bạn có thể nói chuyện và chia sẻ nội dung với người khác. ESRB không xếp hạng các phần trực tuyến của game vì nó không thể dự đoán cách mọi người sẽ hành động trực tuyến.

Để biết danh sách đầy đủ các mô tả và thông tin, hãy xem hướng dẫn xếp hạng ESRB tại https://www.esrb.org/ratings-guide/. Bạn cũng có thể tìm kiếm bất kỳ game nào trên trang web ESRB để xem tóm tắt về các yếu tố phản cảm của nó.

Giải thích về xếp hạng PEGI

Giải thích về xếp hạng PEGI

PEGI sử dụng một thiết lập tương tự như ESRB với tổng cộng 5 mức xếp hạng. Tuy nhiên, có một số khác biệt nhỏ về các mức xếp hạng, và ở đó, không có xếp hạng nào “vô dụng” như AO.

  • PEGI 3 là xếp hạng thấp nhất và phù hợp với mọi lứa tuổi. Khác với mức xếp hạng EC, các game có xếp hạng này không nhất thiết phải nhắm vào trẻ mẫu giáo. Những tựa game này không được chứa những thứ có thể khiến trẻ nhỏ sợ hãi, nhưng một chút “bạo lực” hài hước, nhẹ nhàng vẫn có thể chấp nhận được. Một ví dụ về mức xếp hạng này là Yoshi từ Crafted World.
  • PEGI 7 đánh dấu các game phù hợp cho lứa tuổi từ 7 trở lên. Giống như PEGI 3, PEGI 7 có thể chứa một chút cảnh bạo lực hoặc tình huống đáng sợ nhẹ nhàng. Pokémon Ultra Sun là một ví dụ về game PEGI 7.
  • PEGI 12 có biểu tượng màu cam. Những game này dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên. Chúng có thể chứa những cảnh bạo lực thực hơn, ám chỉ đến tình dục, các vụ đánh bạc nhỏ, những yếu tố kinh hoàng và một số ngôn ngữ “suồng sã”. Ví dụ về loại game này là Shadow of the Colossus.
  • PEGI 16, cũng có màu cam, biểu thị các tựa game cho những người chơi từ 16 tuổi trở lên. So với các tựa game PEGI 12, những game này có thể chứa cảnh liên quan đến chất cấm, bạo lực, tình dục và ngôn ngữ mạnh mẽ hơn. Battlefield V rơi vào mức đánh giá này.
  • PEGI 18 là xếp hạng mạnh nhất và có màu đỏ. Những game này chỉ dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên. Chúng chứa cảnh bạo lực cực đoan, việc sử dụng chất cấm và hoạt động tình dục rõ ràng. Metro: Exodus là một ví dụ về game PEGI 18.

Mô tả nội dung PEGI

Mô tả nội dung PEGI

Giống như ESRB, PEGI cũng bổ sung các xếp hạng chính bằng các mô tả nội dung. Chúng xuất hiện dưới dạng biểu tượng ở mặt sau của hộp game. Mặc dù có rất ít mô tả PEGI so với ESRB, nhưng chúng biểu thị các cấp độ khác nhau của nội dung đó dựa trên xếp hạng.

Ví dụ, mô tả Bad Language có thể xuất hiện trên các game được xếp hạng từ 12 đến 18. Nhưng trong khi game PEGI 12 sẽ chỉ chứa một vài lời chửi thề nhẹ nhàng, thì một game PEGI 18 có thể chứa những câu nói “nặng đô” hơn. Ngoài ra, các mô tả được giới hạn ở những mức xếp hạng cụ thể, do đó, bạn không thể thấy mô tả Drugs trên tựa game thuộc nhóm PEGI 7.

Giống như ESRB, PEGI gần đây đã thêm biểu tượng In-Game Purchases (Mua trong game) để biểu thị các game cho phép bạn mua nội dung có thể tải xuống bằng tiền thật.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ về các hệ thống xếp hạng video game ESRB và PEGI. Bây giờ, bạn đã biết rõ nền tảng của các công ty này, các mức xếp hạng có ý nghĩa gì và cách kiểm tra những mô tả nội dung để biết thêm chi tiết về từng tựa game riêng lẻ.

Thật thú vị khi xem xếp hạng so sánh giữa các khu vực. Ví dụ, tựa game Celeste nhận được xếp hạng E10+ ở Mỹ, nhưng chỉ được coi là PEGI 7 ở châu Âu. PEGI cũng không chỉ ra một số nội dung giống như ESRB, chẳng hạn như crude humor (sự hài hước hơi mang tính thô thiển).

Thứ Sáu, 30/08/2019 11:01
52 👨 1.664
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản