Thiết bị AI này có thể ‘đánh hơi’ được thịt kém chất lượng

Các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) vừa giới thiệu một phát minh cực kì thú vị liên quan đến lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), đó là một chiếc “mũi điện tử” thông minh với tên gọi “e-nose”, có thể đánh giá cực kỳ chính xác độ tươi của các loại thịt.

Phát minh này nghe có vẻ thần kỳ, nhưng trên thực tế cơ chế hoạt động không có gì phức tạp. Hệ thống sử dụng một mã vạch được chèn trong bao bì thực phẩm. Mã vạch này sẽ tự động thay đổi màu sắc khi cảm nhận được các phân tử mùi bất thường ra từ miếng thịt không còn tươi. Sau đó, một ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ quét mã vạch để đo độ tươi của thịt trong vòng 30 giây.

Trong hàng loạt thử nghiệm thực tế trên các mẫu thịt gà, thịt bò và cá đóng gói thương mại đã được để tương đối lâu trong các kho bảo quản, hệ thống này có thể dự đoán  được độ tươi của thịt với độ chính xác lên tới 98,5% - một con số cực kỳ ấn tượng.

Giáo sư Chen Xiaodong, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết ứng dụng này có thể được cài đặt và sử dụng dễ dàng trên gần như mọi mẫu smartphone hiện nay, giúp người tiêu dùng quyết định xem liệu thịt có phù hợp để mua về chế biến hay không, đặc biệt là trong trường hợp hạn sử dụng đôi khi được in không chính xác.

“Những chiếc mã vạch này giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí và quan trọng là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều có lợi đối với cả người mua lẫn người bán. Tính chất có thể phân hủy sinh học và không độc hại của mã vạch cũng có nghĩa là chúng có thể được sử dụng một cách an toàn trong tất cả các phần của chuỗi cung ứng thực phẩm để đảm bảo thực phẩm tươi ngon đến với người tiêu dùng".

Tình trạng thịt được báo trên ứng dụng
Tình trạng thịt được báo trên ứng dụng

Các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống của họ được phát triển lấy cảm hứng từ một đặc tính cực kỳ bản năng của các loài động vật có vú nói chung, đó là đánh giá tính trạng của thịt bằng cách phân tích các phân tử mùi phát ra từ miếng thịt đó.

Trong hệ thống e-nose, mỗi vạch mã sẽ chứa một chất nhạy màu có thể thay đổi màu sắc sau khi phản ứng với các loại và nồng độ khí (phân tử mùi) khác nhau. Những phản ứng này tạo ra một sự kết hợp đặc trưng về màu sắc của mã vạch dựa trên tình trạng phân hủy thực tế của từng miếng thịt, tương tự như dấu vân tay đặc trưng của mỗi người. Mạng lưới thần kinh phức hợp sâu (Deep convolutional neural networks) đã được đào tạo dựa trên hình ảnh của mã vạch sau đó sẽ đảm nhận nhiệm vụ phân tích màu sắc hiển thị trên mã vạch để dự đoán độ tươi của thịt.

Trong các thử nghiệm, thuật toán đạt được độ chính xác 100% trong việc phát hiện các loại thịt thối, hỏng và độ chính xác từ 96% đến 99% trong việc xác định các loại thịt tươi đạt chuẩn và ít tươi hơn.

Bằng sáng chế về hệ thống e-nose này hiện đã được cấp phép và trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ bắt tay vào giai đoạn làm việc với một số công ty kinh doanh nông sản Singapore để áp dụng hệ thống này rộng rãi trên không chỉ thịt mà còn nhiều loại thực phẩm khác khác nữa.

Thứ Năm, 26/11/2020 23:00
52 👨 226
0 Bình luận
Sắp xếp theo