So sánh LXDE, XFCE và MATE

Đôi khi bạn cần tận dụng tối đa PC cũ hoặc có một hệ thống hiệu suất cao và muốn dành toàn bộ sức mạnh đó cho nhiệm vụ trong tay. Dù bằng cách nào, giữ cho mọi thứ gọn gàng nhất luôn là một yếu tố quan trọng. Khi cài đặt Linux, không có nhiều thứ bạn có thể dễ dàng sửa đổi, ngoại trừ một điều, đó chính là môi trường desktop.

Nếu bạn muốn một desktop Linux gọn nhẹ, bạn cần chọn đúng môi trường.

Môi trường desktop là gì?

Môi trường desktop là gì?

Môi trường desktop là giao diện bạn nhìn thấy trên màn hình. Nó xử lý cách bạn chuyển đổi giữa những ứng dụng và quản lý các cửa sổ.

Một số môi trường desktop đi kèm với các chi tiết đặc biệt, yêu cầu nhiều tài nguyên hệ thống hơn, chẳng hạn như hình động và cửa sổ trong suốt. Những tùy chọn khác cố gắng cung cấp một desktop Linux gọn nhẹ với ít tác động đến tài nguyên hệ thống nhất có thể.

Các môi trường desktop Linux nhẹ tốt nhất

Có một số môi trường desktop không đòi hỏi nhiều tài nguyên để chạy. Hãy xem xét một số lựa chọn tốt nhất mà bài viết gợi ý sau đây.

Xfce

Xfce

Xfce là môi trường desktop Linux nhẹ, phổ biến và lâu đời nhất. Nó sử dụng bộ công cụ GTK+, giống như giao diện GNOME phổ biến xuất hiện mặc định trên Ubuntu và Fedora (hai trong số các desktop dựa trên Linux lớn nhất hiện có).

Xfce là một môi trường bạn có thể mở rộng hoặc thu gọn để phù hợp với sở thích của mình. Bạn sẽ không tìm thấy các hình động ở đây, nhưng nếu bạn thích cửa sổ trong suốt và các chi tiết tương tự, có tùy chọn để thêm những thứ này.

Xfce đã không thay đổi nhiều trong những năm qua, do đó, yêu cầu hệ thống tăng lên, thường là do kích thước của các ứng dụng mặc định (Mozilla Firefox "cồng kềnh" hơn so với trước đây). Tuy nhiên, điều này luôn đúng bất kể bạn chọn môi trường desktop Linux nào.

Tìm hiểu kỹ hơn về Xfce qua bài viết: Giới thiệu tổng quát về XFCE.

MATE

MATE

MATE là một nhánh của GNOME 2, được hình thành khi GNOME đang chuyển sang phiên bản 3.0. Nếu bạn đã từng sử dụng một phiên bản của GNOME từ trước năm 2011, thì về cơ bản, bạn đã sử dụng MATE. Một số điều đã thay đổi, nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn được giữ nguyên.

MATE “bóng bẩy” hơn một chút so với Xfce. So với thời kỳ của GNOME 2, Xfce được coi là một sự thay thế gọn nhẹ. GNOME 3 đã thay đổi và bổ sung rất nhiều thứ kể từ đó, khoảng cách giữa Xfce và Gnome 2 dường như đã được thu nhỏ hơn nhiều.

LXQt (trước đây là LXDE)

LXQt

Vài năm trước, LXDE được coi là môi trường desktop đồ họa nhẹ nhất. Việc cài đặt diễn ra trong vài giây và chỉ sử dụng vài trăm megabyte RAM. Bạn có thể hồi sinh một máy tính Windows XP với giao diện tương tự.

LXDE nhẹ đến nỗi các nhà sản xuất Raspberry Pi đã sử dụng code này để tạo Raspbian, hệ điều hành chính thức của thiết bị.

LXDE sử dụng GTK+ 2, hiện là code rất cũ. Nhà phát triển chính đã gặp sự cố với GTK+ 3 và quyết định chuyển sang Qt thay thế. Ông đã kết hợp những nỗ lực của mình với nhóm RazorQt để tạo ra LXQt, để thay thế LXDE đang bị ngừng lại.

LXDE và LXQt sử dụng các thành phần có thể hoán đổi cho nhau với rất ít dependency (các component background cần thiết để phần mềm hoạt động). Một ứng dụng nhẹ với nhiều dependency vẫn có thể làm chậm hệ thống của bạn. Đây là lý do tại sao các ứng dụng bạn chạy cũng đóng vai trò quan trọng như việc lựa chọn môi trường desktop vậy.

Tham khảo bài viết: Tìm hiểu về môi trường desktop LXQt để biết thêm chi tiết.

So sánh LXDE, Xfce và MATE

Rất khó để đưa quyết định lựa chọn môi trường desktop nào trong số những tùy chọn ở trên, đúng không? Nếu bạn muốn desktop nhẹ nhất, khó có thể tùy chọn nào đánh bại được LXQt hay LXDE. Nhưng có nhiều lý do khiến mọi người thích một trong những lựa chọn thay thế. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi so sánh trực tiếp hai tùy chọn bất kỳ trong số các giao diện này.

LXQt/LXDE so với Xfce

LXQt và LXDE nhẹ hơn Xfce, nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Nói thẳng ra, LXDE nhìn quá cơ bản. Với một chút nỗ lực, Xfce có thể mang lại cảm giác của một môi trường desktop hiện đại hơn. Sự khác biệt chính giữa LXQt và Xfce là LXQt sử dụng Qt thay vì GTK+. Nếu bạn thích GTK+, bạn nên sử dụng Xfce.

Cài đặt ứng dụng GTK+ trên LXQt sẽ yêu cầu tải xuống một số dependency đi kèm như một phần của Xfce, còn LXQt thì không.

Hiệu suất

Về mặt hiệu suất, cả hai môi trường desktop này đều xuất sắc như nhau. Các chương trình mở ngay lập tức, mọi cửa sổ được kéo xung quanh màn hình mà không gặp hiện tượng drop frame, việc tương tác với các phần của màn hình, như menu và biểu tượng trong khay hệ thống, thực sự rất linh hoạt. Nhưng mọi thứ trở nên thú vị khi bạn bắt đầu xem xét kỹ hơn.

Hiệu quả tài nguyên hệ thống

Đây là điểm bạn thực sự bắt đầu thấy sự khác biệt giữa hai môi trường desktop này. Trong một quá trình fresh boot, mức sử dụng CPU của chúng giống nhau, ở mức khoảng 1%, nhưng LXDE chỉ sử dụng lượng RAM nhỏ xíu 219MB, trong khi XFCE cần lượng RAM lên tới 465MB. Đây là một điểm cần lưu ý đối với những người dùng có RAM rất hạn chế. Laptop cũ có RAM 2 hoặc 4GB cần phải tính toán từng MB RAM và nếu có một hệ thống đặc biệt hạn chế như thế, bạn nên chọn LXDE.

Mức độ thân thiện với người dùng

Cả hai môi trường desktop đều tốt khi bạn đã quen với chúng, nhưng đối với một số người, bắt đầu với XFCE dễ dàng hơn so với LXDE. Điều này rõ ràng phụ thuộc vào việc triển khai, nhưng đối với hai tùy chọn được đề cập ở đây, XFCE bỏ xa đối thủ về độ thân thiện với người dùng. XFCE là một hệ thống được thiết kế tốt hơn và mọi thứ tích hợp chặt chẽ với nhau. Các ứng dụng được phát triển đặc biệt cho XFCE, trong khi LXDE dựa trên nhiều ứng dụng từ những môi trường desktop khác. Điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn.

XFCE bỏ xa đối thủ về độ thân thiện với người dùng
XFCE bỏ xa đối thủ về độ thân thiện với người dùng

Hơn nữa, người dùng thường cảm thấy quen thuộc hơn với XFCE. LXDE tạo cảm giác hơi rời rạc, do tất cả các thành phần được cung cấp riêng biệt và điều đó khiến nhiều người cảm thấy cần phải thay đổi điều gì đó để tận dụng tối đa trải nghiệm. XFCE có chiều sâu và “chất” hơn LXDE. Nó thân thiện hơn và cho bạn thấy một môi trường desktop hoàn chỉnh, đầy đủ tính năng vẫn có thể trở gọn nhẹ như thế nào.

Khả năng tùy biến

Đây là một khía cạnh mà cả hai môi trường desktop đều tốt như nhau. Đối với LXDE, mọi phần đều có thể hoán đổi cho nhau. Nếu bạn muốn một bảng điều khiển, trình quản lý cửa sổ hoặc trình quản lý terminal khác, bạn có quyền lựa chọn bất kỳ thứ gì mình muốn. Không có dependency nào cần phải lo lắng cả. Điều này có thể tuyệt vời cho những người dùng nâng cao, với đủ kinh nghiệm và kiến ​​thức hoặc những người đang tìm kiếm khả năng tùy chỉnh cao.

Vì XFCE khá phổ biến nên có rất nhiều cách khác nhau để bạn có thể tùy chỉnh nó. Xubuntu đặc biệt đẹp và có nhiều cách để làm cho bất kỳ hệ thống XFCE nào trông giống như cách bạn muốn.

LXQt/LXDE so với MATE

LXDE nhẹ hơn MATE, nhưng MATE là một desktop hoàn chỉnh hơn. Những người mới có thể thấy rằng MATE dễ nắm bắt hơn. Mặc dù không có desktop nào khó sử dụng, nhưng MATE giúp người dùng dễ tiếp cận các ứng dụng và thông tin, mà không cần những kiến thức cao siêu liên quan đến kỹ thuật.

Một lần nữa, khi so sánh LXQt và MATE, sự khác biệt chính lại nằm ở Qt và GTK+. Nếu bạn thích phần mềm Qt và muốn một desktop gọn nhẹ hơn, thì LXQt là một ý kiến hay.

Xfce so với MATE

MATE có một vài ưu điểm so với Xfce, nhưng nó cũng ít khả năng tùy biến hơn một chút. Xfce sử dụng ít tài nguyên hơn, nhưng lợi thế này bắt đầu biến mất khi bạn cài đặt và chạy các ứng dụng phụ thuộc vào thư viện GNOME.

Nếu biết cách làm việc với Linux, bạn có thể tự build hệ thống của riêng mình với bất kỳ thành phần nào bạn muốn. Thay vì cài đặt một môi trường desktop đầy đủ, bạn có thể chọn trình quản lý cửa sổ. Openboxfluxbox là hai tùy chọn đáng xem xét. Nếu bạn muốn thử một trình quản lý cửa sổ dạng tiling (xếp lớp), hãy xem xét i3 hay Xmonad. Có rất nhiều thứ bạn có thể làm.

LXQt sử dụng Openbox và bạn sẽ khó có thể tìm thấy các background component nhẹ hơn so với những gì LXQt cung cấp. Vì vậy, máy tính của bạn sẽ không thể nhẹ hơn nhiều, trừ khi bạn hoàn toàn gắn bó với terminal. Tùy chọn đơn giản nhất cho người dùng không hiểu biết nhiều về kỹ thuật hoặc là cài đặt một bản phân phối desktop Linux nhẹ.

Chúc bạn có được lựa chọn phù hợp!

Thứ Năm, 10/09/2020 16:57
4,58 👨 5.360
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Linux