Những vấn đề xung quanh sự kiện FPT và CMS trở thành đối tác OEM của Intel

Mới đây, FPT và CMS - hai trong số những công ty tin học hàng đầu ở Việt Nam được Intel công nhận là đối tác OEM của mình tại Việt Nam. Điều đó sẽ tạo nên một số chuyển biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thế nhưng OEM là gì và sự kiện đó có mang lại người dùng máy tính có lợi gì không ? OEM là thế nào ? OEM là cách gọi tắt cụm từ Original Equipment Manufacturer. Cung cấp hàng theo dạng OEM có nghĩa là nhà sản xuất A sản xuất một loại linh kiện nào đó (chẳng hạn như Intel sản xuất CPU) để cung cấp cho nhà sản xuất B tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của B (như FPT sản xuất - lắp ráp máy tính Elead). Hiện nay, khi lên kế hoạch lắp ráp máy tính mang thương hiệu của mình, các doanh nghiệp lắp ráp máy tính ở Việt Nam đều mua sỉ linh kiện theo món, chứ không phải OEM trong khi đúng ra, máy tính có thương hiệu (COMPAQ, IBM...) phải sử dụng linh kiện được mua với dạng OEM, có như vậy mới là sản xuất. Thông thường, giá hàng hóa cung cấp theo dạng OEM thấp hơn giá sỉ và ở vị trí đối tác OEM của nhà sản xuất A, nhà sản xuất B phải bảo đảm hai yêu cầu: Thứ nhất, phải báo trước số lượng cho A để A lập kế hoạch sản xuất, số lượng hàng được đặt phải đủ lớn (trong một số trường hợp, nhà sản xuất A có thể sản xuất riêng cho B một loại linh kiện - in brand name của nhà sản xuất B lên sản phẩm mình làm). Thứ hai, chỉ lắp ráp và bán dưới dạng một sản phẩm hoàn chỉnh về tổng thể, không được bán hàng OEM ra thị trường dưới dạng sản phẩm riêng lẻ. Đây là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp ơ Việt Nam chú trọng việc lắp ráp máy tính mang thương hiệu riêng, bởi có như vậy thì mới có thể thương lượng với nhà sản xuất linh kiện bán linh kiện dưới dạng OEM, giúp sản phẩm đủ sức cạnh tranh về gia. OEM mang lại lợi gì ? Sự kiện này mang lại lợi ích cho cả ba bên. Về phía Intel, họ sẽ có lượng khách hàng ổn định (các OEM), bớt phải bận tâm đến việc phân phối lẻ sản phẩm thông qua các nhà phân phối, các đại lý… Về phía nhà sản xuất máy tính được công nhận là đối tác OEM, ngoài những lợi ích do việc cung cấp linh kiện ổn định cả về giá lẫn chất lượng, do giá sản phẩm OEM rẻ hơn, họ sẽ giảm được chi phí. Về phía người dùng, khi mua máy tính mang các thương hiệu, có thể yên tâm về xuất xứ hàng hóa và tùy lòng... từ bi của nhà sản xuất máy tính, có thể giá sẽ rẻ hơn. Nếu OEM có lợi ích nhiều mặt như thế thì tại sao đến giờ ở Việt Nam mới có đối tác OEM của Intel ? OEM - Cần những nhà sản suất tài đức vẹn toàn Có thể xem lại hai yêu cầu chính để được công là đối tác OEM khi bàn về mặt trái của OEM. Với yêu cầu thứ nhất, rõ ràng tầm vóc phải lớn mới được công nhận là đối tác OEM và sau đó phải đảm bảo hoạt động sản xuất – kinh doanh luôn luôn tốt. Điều đó không đơn giản, Ai cũng biết, phần lớn linh kiện máy tính (trong đó có CPU) thường xuyên giảm giá. Nhà sản xuất nhỏ do lúc cần mới mua chứ không dự trữ vật tư nên ít lao đao vì linh kiện giảm giá. Ngược lại, các nhà sản xuất là đối tác OEM sản xuất trên quy mô lớn (thường là theo kế hoạch vạch sẵn), nhận hàng OEM mà không triển khai được các phương án kinh doanh, chắc chắn phải “ngậm” sản phẩm khi giá giảm. Nói cách khác, muốn làm đối tác OEM phải có TA Với yêu cầu thứ hai, giả sử nhà sản xuất là đối tác OEM lập kế hoạch sản xuất 10.000 máy tính và nhập về 10.000 CPU Intel với giá OEM (rẻ hơn nhiều so với giá sỉ). Thế nhưng, sau đó họ chỉ dùng 5.000 con CPU để sản xuất 5.000 máy tính và lén tung 5.000 con CPU còn lại ra ngoài với giá rẻ hơn ? Chắc chắn thị trường sẽ rối loạn, ngay cả Intel cũng khó mà làm gì ! Vì thế, làm đối tác OEM phải có ĐỨC Đó là lý do tại sao đến giờ Intel mới chọn được đối tác OEM của mình tại Việt Nam. Hy vọng Intel đã chọn đúng những nhà sản xuất tài đức vẹn toàn.
Thứ Hai, 10/11/2003 09:43
31 👨 439
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp