Những “sự thật một nửa” trong công nghệ (Phần 1)

Hãy đừng vội tin nếu ai đó khuyên rằng: Cáp tín hiệu đắt tiền sẽ tốt hơn; Chống phân mảnh ổ cứng làm máy tính chạy nhanh hơn hay sử dụng mực in “đổ lại” sẽ làm hại máy in…

Thế giới Internet đã mang lại cho mọi người một sự hiểu biết ngày càng bao quát và rộng lớn hơn về lĩnh vực công nghệ - nơi trước kia chỉ dành cho các chuyên gia hay những người có túi tiền “rủng rỉnh”. Nhưng cũng chính Internet là thủ phạm khiến cho những quan niệm sai lầm, “mập mờ” về công nghệ lan rộng hơn đến mức ngày nay gần như tất cả đều mặc nhiên coi đó là đúng.

Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại một số điều “mặc nhiên đúng” nhưng thực tế lại… không hẳn thế.

Windows 7 nhanh hơn Vista

Có thể nói Windows Vista là một “cú vấp công nghệ” của Microsoft bởi ngay từ khi ra đời nó đã bị giới công nghệ gán cho những tiếng xấu như chậm chạp, phức tạp và ngốn nhiều tài nguyên không cần thiết.

Khi Windows 7 ra đời, mọi chuyện lại ngược lại hoàn toàn. Người ta hết lời ca tụng nó và nhanh chóng tin tưởng, sử dụng nó. Nhưng các thử nghiệm bằng máy móc đã cho ra những kết quả khác hẳn.

Trong “cuộc sát hạch” có tên WorldBench, Windows 7 tỏ ra khá vượt trội trong các tác vụ liên quan đến hoạt động của ổ đĩa ví dụ như tốc độ ghi bằng phần mềm Nero nhanh gấp 2 đến 2,5 lần so với khi thực hiện trên hệ điều hành Windows Vista (với cùng cấu hình hệ thống). Hay các laptop sử dụng Windows 7 có thời gian sử dụng pin lâu hơn một chút.

Tuy nhiên, khi làm việc với các ứng dụng, nhiều khi Windows 7 tỏ ra chậm chạp hơn hẳn các “đàn anh” của nó. Ví dụ, khi khởi động chương trình Photoshop CS4, Windows Vista chỉ mất 2,7 giây nhưng Windows lại cần tới 9,6 giây…

Xét một cách tổng thể, Windows 7 đúng là có nhanh hơn Vista nhưng sự khác biệt không quá lớn như chúng ta vẫn tưởng.

Mọi smartphone đều có thể mất sóng như iPhone 4

Apple và Tổng giám đốc Steve Jobs đã cố chứng minh rằng các smartphone khác đều có thể bị mất sóng khi người dùng nắm chặt và bịt kín điểm đặt ăng-ten trên thân máy. Nhưng thực tế là các mẫu điện thoại khác cũng có ảnh hưởng (giảm cường độ sóng, tốc độ truy cập dữ liệu giảm, chất lượng cuộc gọi thấp hơn) nhưng không có mẫu nào bị mất sóng hoàn toàn như iPhone 4.

Kết luận là: Nếu bạn không có iPhone 4, bạn chẳng cần phải lo lắng về vấn đề ăng-ten.

Máy tính để bàn đang chết?

Không ai có thể phủ nhận ngày nay laptop đã trở nên rất rẻ và mạnh mẽ không kém gì những cỗ máy để bàn cồng kềnh. Nhưn nếu nói là thế hệ của máy tính để bàn đang chết là hoàn toàn sai lầm bởi với máy tính để bàn, người dùng có thể nâng cấp từng phần mà không quá lo lắng về chi phí bởi họ chỉ cần bỏ ra số tiền cho linh kiện ấy thay vì cả chiếc máy như laptop. Ví dụ, bạn muốn có ổ đĩa Blu-ray, muốn có một bộ xử lý đồ họa mạnh mẽ hơn hay một chiếc màn hình 3D… bạn sẽ không cần phải “thanh lý” toàn bộ chiếc máy tính.

Cáp HDMI đắt tiền hơn thì tốt hơn?

Khi bạn đã chấp nhận bỏ ra vài chục triệu để mua một chiếc màn hình TV HD, thêm vài triệu nữa để tậu chiếc đầu phát Blu-ray… người bán hàng sẽ rất dễ dàng thuyết phục được bạn mua thêm một đoạn dây cáp tín hiệu HDMI với giá tiền triệu nữa và bạn tin tưởng rằng phải có đoạn dây đó, hình ảnh trên chiếc TV nhà bạn mới “đẹp như tranh”. Nếu như thế, xin chia buồn vì bạn đã tốn một khoản tiền vô ích bởi trên thực tế, một đoạn dây cáp tín hiệu có giá 150 USD không hề khác gì một chiếc có giá 30 USD.

Trong công nghệ, nếu tín hiệu âm thanh và hình ảnh di chuyển từ một thiết bị này sang thiết bị khác theo chuẩn tương tự (analog), sẽ có một sự “thất thoát” tín hiệu xảy ra và điều đó làm giảm chất lượng khi chúng được tái tạo lại ở thiết bị hiển thị (màn hình TV). Để giảm sự thất thoát này, các nhà sản xuất đã cho ra đời những loại dây truyền tín hiệu có chất liệu và công nghệ được cải tiến.

Nhưng với các thiết bị hiện đại ngày nay sử dụng công nghệ kỹ thuật số (digital) như TV HD, đầu đĩa DVD, Blu-ray… tín hiệu được mã hóa dưới dạng chỉ bao gồm các ký tự 0 và 1 (hệ nhị phân, sử dụng phổ biến trong công nghệ vi tính) và khi đến thiết bị hiển thị, tất cả các tín hiệu này được tái tạo lại một cách đầy đủ, y nguyên như ở đầu phát. Sự thất thoát không thể xảy ra vì nếu thiếu dù chỉ một “đoạn nhỏ” mã 0 và 1, tín hiệu không thể tái tạo được. Đây chính là lý do vì sao một đoạn cáp HDMI có giá 150 USD không khác gì so với chiếc cáp 30 USD vì chúng chỉ có 1 nhiệm vụ duy nhất là truyền tải tín hiệu.

Tuy nhiên, với khoảng cách từ thiết bị phát đến thiết bị hiển thị trên 8 mét, hiện tượng mất tín hiệu lại có nguy cơ xảy ra và lúc này, chất lượng dây dẫn lại phát huy vai trò của mình.

Kết luận: Nếu bạn có ý định thiết lập một hệ thống rạp hát gia đình và khoảng cách từ đầu phát đến màn hình TV, loa… dưới 8 mét, hãy chọn mua một loại cáp tín hiệu rẻ tiền.

Nguồn: PCW (còn nữa)

Thứ Tư, 01/09/2010 08:23
31 👨 399
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản