Những ông bố tuyệt vời nhất trong thế giới tự nhiên mà có thể bạn không biết

Trong các phóng sự, phim tài liệu về thế giới động vật, chúng ta thường chỉ thấy tình mẫu tử thiêng liêng của muôn loài chứ hiếm khi nào được nghe một câu chuyện hay về những ông bố tuyệt vời trong môi trường hoang dã.

Không thể phủ nhận việc các ông bố động vật đa số khá vô trách nhiệm trong chuyện gia đình chứ chưa cần nói đến việc chăm sóc hay bảo vệ con cái. Trong thế giới động vật, việc mang thai, sinh nở và nuôi nấng con non thường được phân công hoàn toàn cho con cái, trong khi con đực sẽ chỉ giúp sức ở khâu đầu tiên và sau đó “cao chạy xa bay” luôn!

Trong thế giới tự nhiên, phần lớn các sinh vật làm cha được lập trình để tuân theo một nghi thức khá “thiếu đạo đức”: Anh chàng chiến đấu hoặc phô diễn toàn bộ những gì mình có, không từ cả các thủ đoạn “mồi chài” để được làm quen với các cô nàng. Sau đó, khi đã đạt được mục đích cao cả nhất là duy trì nòi giống, anh chàng sẽ ngay lập tức bỏ mặc cô gái với những đứa con để lao vào các cuộc chiến duy trì nòi giống khác. Điều này nghe có vẻ khá hài hước nhưng suy cho cùng đó lại là phương thức hợp lý để duy trì giống nòi, tạo ra những cá thể tốt nhất, đủ sức chống chọi với sự khắc nghiệt của môi trường tự nhiên.

Những ông bố tuyệt vời trong thế giới tự nhiênNhững ông bố tuyệt vời trong thế giới tự nhiên

Thế nhưng môi trường tự nhiên luôn ẩn chứa đầy rẫy những điều bất ngờ, những “ngoại lệ”. Ở một số loài, người cha tự hào đóng vai trò không thể thiếu trong việc nuôi dạy con non cùng với - hoặc đôi khi thay thế luôn cả người mẹ.

Để lấy lại hình ảnh cho “cánh đàn ông” trong thế giới động vật, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những ông bố tuyệt vời nhất, luôn hy sinh và yêu thương con hết mực không thua kém gì bất cứ người mẹ nào. Hãy cùng đến với danh sách những ông bố đáng ngưỡng mộ trong thế giới động vật ngay sau đây.

Cá ngựa (seahorse)

Nói đến danh sách những ông bố mẫn cán nhất thế giới tự nhiên, hay thậm chí so sánh với cả con người, chắc hiếm có ông bố nào có thể vượt qua được cá ngựa bởi đơn giản, chúng là loài động vật duy nhất mà con đực sẽ không chỉ nuôi dưỡng các con non mà còn mang thai luôn “hộ” con cái.

Một chú cá ngựa đực đang mang thaiMột chú cá ngựa đực đang mang thai

Cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus, chúng sinh sống ở những vùng biển nông và phân bố rộng rãi trên khắp thế giới. Cá ngựa đực sở hữu một chiếc “túi thần kỳ” nhỏ trước bụng và chiếc túi này có nhiệm vụ thu nhận những quả trứng mà con cái gửi gắm. Sau khi quá trình “ký kết hợp đồng mang thai hộ” được hoàn tất, con đực sẽ bắt đầu thụ tinh cho trứng và ấp chúng bằng chính chiếc túi của mình trong khoảng thời gian lên tới 45 ngày.

Trứng sẽ được thụ tinh và nuôi dưỡng cho đến khi cá ngựa con phát triển hoàn toàn. Đáng nói hơn, quá trình “vượt cạn” của cá ngựa đực cũng không hề êm đềm chút nào. Chúng phải trải qua những cơn co thắt dữ dội trong suốt quá trình sinh con. Mỗi túi ấp có khả năng chứa được khoảng từ 10 cho đến 300 con non tùy theo từng loài cá ngựa.

Cận cảnh cá ngựa đực sinh con

Khỉ đuôi sóc (Marmoset)

Khỉ đuôi sóc hay còn gọi là Khỉ Marmoset là các loài khỉ nhỏ thuộc bộ linh trưởng và nằm trong số 22 loài khỉ Tân Thế giới, sinh sống hầu hết ở khu vực Nam Mỹ. Không chỉ sở hữu bộ lông tuyệt đẹp và dáng vẻ nhỏ nhắn, dễ thương, khỉ đuôi sóc còn được biết đến với tư cách là những ông bố mẫn cán bậc nhất của thế giới tự nhiên.

Khỉ đuôi sócKhỉ đuôi sóc ẵm con trên lưng

Khỉ đuôi sóc đực cực kỳ coi trọng vai trò làm cha của mình. Với sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình, bao gồm cả các anh chị em trong đàn, những ông bố khỉ đuôi sóc điển hình có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ chăm sóc các con non của mình như cho ăn, bắt chấy, rận, làm sạch bộ lông và luôn ẵm theo theo lũ trẻ khi di chuyển đến bất cứ đâu cho đến đến khi chúng đủ cứng cáp đê tự đi.

Những chú khỉ đuôi sóc cha thường sẽ kiêm luôn cả vai trò là “bà đỡ” chu đáo trong suốt khoảng thời gian người phụ nữ của mình “vượt cạn”. Chúng sẽ dọn dẹp mọi thứ sau khi con cái sinh xong và kiêm luôn cả nhiệm vụ cắn đứt dây rốn cho con non.

Jeff French, nhà nguyên thủy học tại Sở thú tự nhiên Đại học Nebraska, đã từng chia sẻ trên kênh truyền hình National Geographic rằng một trong những lý do khiến các chú khỉ đuôi sóc cha đặc biệt quan tâm đến quá trình sinh nở của con cái xuất phát từ sự căng thẳng về thể chất rất lớn mà những con khỉ đuôi sóc mẹ phải chịu đựng trong suốt quá trình mang thai và thậm chí cả sau khi sinh. “Nó giống như việc một người phụ nữ nặng chừng 55kg nhưng hạ sinh một em bé nặng tới 14kg, sự ảnh hưởng về mặt thể chất lên người mẹ ở đây là rất khủng khiếp", nhà khoa học người Pháp giải thích.

Thông tin thêm đến bạn: Khỉ đuôi sóc cũng được cho là loài linh trưởng sở hữu những cử chỉ, hành động giống với loài người nhất trong giới động vật, chúng có một đặc tính giao tiếp vô cùng độc đáo. Chúng biết phân chia lượt nói để tránh chen ngang, cướp lời. Đặc tính này đậm chất giao tiếp của con người, luôn thân thiện, hoạt ngôn, và giúp cả đàn lĩnh hội được thông tin một cách hiệu quả nhất.

Chim nước Jacana

Jacana là một loài chim nước thường chỉ được tìm thấy ở châu Mỹ, có tên khoa học là Irediparra Gallinacea. Chim nước Jacana còn sở hữu một tên gọi khác cũng được biết đến khá rộng rãi là chim Jesus thông qua khả năng đi lại trên mặt nước tuyệt vời của chúng.

Một chú chú chim Jacana đực Một chú chú chim Jacana đực

Vậy thì điều gì giúp những chú chim Jacana đực lọt vào danh sách các ông bố mẫn cán nhất thế giới tự nhiên? Hóa ra những con Jacana đực là người đảm nhiệm các công việc nặng nhọc đúng nghĩa dành cho người đàn ông “trụ cột” trong gia đình, đó là làm tổ, ấp trứng và chăm sóc những chú chim non. Trong khi các cô nàng Jacana thường chỉ có “biệt tài” trong hoạt động giao phối với càng nhiều con đực càng tốt, thì những chú Jacana đực lại chọn cách tự biến mình trở thành những người nội trợ trung thành nhất thế giới. Chúng thậm chí chọn ở lại tổ một thời gian rất lâu sau khi người phụ nữ của mình đã bỏ đi tìm cuộc tình mới.

Những quý ông này còn “trung thành” đến nỗi chấp nhận cả việc chăm sóc trứng được thụ tinh bởi những con đực khác bằng cả “tấm lòng nhiệt huyết” nhất có thể. Có thể nói, ở loài chim nước Jacana, vai trò của con đực và con cái đã bị hoán đổi. Chúng chính là những người đàn ông si tình và vị tha nhất thế giới tự nhiên.

Chim nước Jacana đang chăm con

Cá rồng châu Á (Arowana)

Cá rồng châu Á là một loài cá nước ngọt thường được tìm thấy phổ biến tại các con sông nhiệt đới, Đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cá rồng châu Á chủ yếu được biết đến với tên gọi cá rồng, chúng thường được nuôi làm cảnh, trang trí, hoặc theo mục đích phong thủy với giá trị dao động từ vài trăm ngàn cho tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu tùy theo chủng loại, kích cỡ và mức độ quý hiếm. Cá rồng là tượng trưng cho sự may mắn, phát tài lộc, đem lại hạnh phúc và xua đuổi tà ma làm cho phong thủy được tốt hơn.

Cá rồng "huyết long"Cá rồng "huyết long"

Quay trở lại với danh sách những ông bố vĩ đại của chúng ta. Cá rồng đực thực sự là những “người đàn ông của gia đình”. Bên cạnh việc xây dựng tổ cho con non và bảo vệ tuyệt đối sau khi chúng nở, cá rồng cũng nổi tiếng là loài “nuôi con bằng miệng”. Trứng cá rồng có kích thước khá to và số lượng ít (so với đa số các loài cá nước ngọt khác), được ấp trong miệng cá bố cho tới khi trứng nở.

Ngay cả khi trứng cá đã nở và những chú cá con ra đời, chiếc miệng của cá rồng bố vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất cho lũ trẻ. Cá rồng bố thường giữ thức ăn trong miệng và cho các con ăn chính phần thức ăn đó. Đồng thời, người cha mẫn cán này cũng luôn quan tâm đặc biệt, để mắt đến từng chú cá con và sẽ nhanh chóng ngậm chúng lại vào miệng để bảo vệ an toàn trước những kẻ săn mồi.

Mời bạn xem video ghi lại cảnh một con cá rồng đực đang ngậm các con trong khoang miệng để giữ an toàn cho chúng:

Cá rồng đực ngậm con non trong miệng để bảo vệ

Đà điểu Nam Mỹ (Rhea)

Đà điểu Nam Mỹ hay đà điểu châu Mỹ (tên khoa học: Rhea) là loài đà điểu thường được tìm thấy tại các hoang mạc, vùng đồng cỏ tự nhiên thuộc khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là ở các trảng cỏ Argentina, Brazil, và Bolivia. Đà điểu Nam Mỹ có kích thước trung bình, nhỏ hơn một chút so với đà điểu châu Phi nhưng lại lớn hơn so với đà điểu Úc.

Đà điểu Nam Mỹ bố cùng đàn con

Phần nào đó giống như chim cánh cụt hoàng đế, đà điểu Nam Mỹ là một loài chim trên cạn cỡ lớn, tức là chúng không biết bay. Đối với loài này, con đực mới là người nhận nhiệm vụ cao cả - ấp trứng cho đến khi những chú đà điểu non ra đời. Ngoài việc phải ấp tới 50 quả trứng cùng một lúc trong vòng 6 tuần ròng rã, những con đà điểu Nam Mỹ bố còn phải chịu trách nhiệm xây dựng tổ cũng như nuôi nấng và bảo vệ đàn con trong suốt 6 tháng đầu đời mà không cần có bất cứ sự trợ giúp nào từ các bà mẹ (nói vậy có vẻ hơi oan cho đà điểu mẹ bởi thực ra thì sau khi đà điểu cái đẻ trứng xong, các ông bố đà điểu này sẽ ngay lập tức đuổi bà vợ đi rồi tự mình ấp trứng và chăm sóc con non).

Không chỉ là những ông bố khéo léo trong lúc ấp trứng, đà điểu Nam Mỹ đực còn là những gã gan dạ bậc nhất tại các vùng đồng cỏ Nam Mỹ. Dù là con người, hổ, báo, hay bất cứ loài động vật nào có kích thước lớn hơn, chỉ cần đà điểu bố cho rằng đó là mối đe dọa với các con của mình, chúng sẽ chiến đấu đến cùng mà không hề run sợ.

Có một đặc điểm khác khá thú vị, đó là việc đà điểu Nam Mỹ là loài sống trong chế độ đa thê “chính hiệu”. Mỗi con đực thường sở hữu một “hậu cung” của riêng mình với từ 2 đến 12 bà vợ, phi tần các loại, đủ cả. Như vậy, chỉ tính riêng việc dám nhận trách nhiệm nuôi con và “làm tròn bổn phận làm chồng” với 12 bà vợ của đà điểu Nam Mỹ đực có lẽ đã là quá đủ để nhiều người đàn ông trong số chúng ta phải nể phục. Đây thực sự là những người đàn ông của gia đình trong thế giới hoang dã.

Cá bướu

Cá Lumpsucker (cá bướu) hay còn được gọi là lumpfish, là một loài cá nước mặn nhỏ được tìm thấy phổ biến ở vùng biển nước lạnh thuộc Bắc Băng Dương, Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương. Số lượng lớn nhất của loài cá này được tìm thấy ở Bắc Thái Bình Dương. Sở dĩ gọi là cá bướu bởi trên cơ thể loài cá này chứa rất nhiều giác hút nhỏ như những chiếc bướu mini, cho phép chúng dễ dàng bám vào các cục đá hay các rạn san hô dưới đáy biển để kiếm thức ăn.

Cá bướuCá bướu đang canh trứng

Tuy không phải là một trong những loài cá xinh xắn nhất đại dương, thế nhưng cá bướu lại chính là người cha tuyệt vời nhất của biển cả. Mùa sinh sản của cá bướu thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm, và đây chính là lúc những ông bố cần mẫn chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Chỉ cần mới chớm bước vào mùa sinh sản, những chú cá bướu đực đã tất bật chuẩn bị làm tổ. Tổ của loài cá này thường nằm giữa các hốc đá hẹp thuộc khu vực nước nông. Những con cá bướu đực sẽ phải dồn toàn bộ tâm huyết vào “công trình vĩ đại” của đời mình bởi cá cái sẽ chỉ quyết định đẻ trứng vào chiếc tổ mà chúng cảm thấy “ưng cái bụng” nhất.

Mỗi con cái có thể đẻ từ 100.000 đến 350.000 trứng. Con số này tuy nhiều nhưng thực chất số lượng trứng có thể nở thành cả con sẽ không được như vậy. Sau khi xong nhiệm vụ, cá mẹ sẽ bỏ đi và để mặc ông bố cần mẫn với đàn con nheo nhóc. Cá bướu bố sẽ thụ tinh cho trứng rồi ở lì tại chỗ mà không đi đâu hết. Chúng sẽ sử dụng các giác hút ở phần bụng để bám chặt mình vào mỏm đá. Ở đó, các ông bố sẽ ngồi và quan sát sự của phát triển của những quả trứng cho đến khi chúng nở. Tuy nhiên không chỉ đơn giản là ngồi im quan sát, cá bố sẽ còn phải liên tục dùng vây gạt nước vào tổ để tạo oxi cung cấp cho trứng, đồng thời chúng cũng sẽ chiến đấu tới chết để bảo vệ tổ. Chỉ cần có bóng dáng của bất kỳ loài săn mồi nào, cá bướu bố sẽ ngay lập tức đánh đuổi từ xa.

Thật là những ông bố tuyệt vời với lòng gan dạ và sự kiên nhẫn đáng khâm phục.

Cá bướu cũng có thể được nuôi làm cảnh

Ếch và cóc

Ếch và cóc là những loài lưỡng cư có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên trái đất. Thế nhưng có lẽ nhiều người không hề biết rằng chúng cũng là những ông bố tuyệt vời nhất thế giới tự nhiên.

Cóc đực mang trứng trên lưngCóc đực mang trứng trên lưng

Có lẽ không có nhóm, loài động vật nào trên hành tinh sở hữu nhiều người cha tận tụy như ếch và cóc. Có những người cha ếch mang nòng nọc trong miệng trong suốt nhiều tháng để bảo vệ an toàn cho chúng và sẽ không chịu ăn cho đến khi những chú nòng nọc đủ lớn để tự mình kiếm ăn và sống sót trong môi trường bên ngoài. Trong khi nhiều ông bố cóc khác lại cho con cái đẻ trứng ngay trong các hốc nhỏ bên trong da của mình, thường là ở trên lưng hoặc chân, và sẽ mang số chứng này theo bên mình, bảo vệ chúng cho đến khi những chú ếch con ra đời. Điển hình của phương pháp “ấp trứng” độc đáo này chính là loài cóc hộ sinh mà bạn nhìn thấy trong hình ảnh minh họa phía trên.

Một loài ếch khá hiếm gặp, được gọi là ếch túi, hay ếch Darwin lại có cách bảo vệ con khá độc đáo. Đúng như tên gọi, ếch túi đực sở hữu một chiếc túi da chuyên dụng để mang con non cho đến khi chúng đủ lớn, cũng tương tự như cách loài Kangaroo nuôi dưỡng và bảo vệ con. Đến giai đoạn sinh sản, ếch cái sẽ đẻ trung bình khoảng 40 trứng xuống các khu vực ẩm thấp, nhiều lá cây trong các khu rừng và sau đó bỏ đi. Nhiệm vụ của ếch đực sẽ là ở bên canh gác cho đến khi phôi thai thành hình, tức là khoảng 3 đến 4 tuần. Sau đó ếch bố sẽ nuốt phôi thai vào 1 chiếc túi đặc biệt nằm trong miệng. Nòng nọc sẽ được nuôi lớn bằng chất dịch dưỡng được tiết ra từ thành túi và bắt đầu cuộc sống tự lập khi những chú ếch bố cho rằng chúng đã đủ cứng cáp.

Ếch Darwin nuôi con trong một chiếc túi đặc biệtẾch Darwin nuôi con trong một chiếc túi đặc biệt

Có lẽ không nhiều người biết rằng động vật lưỡng cư đã trở thành những người cha đáng kính đến như vậy!

Chim cánh cụt hoàng đế

Chim cánh cụt hoàng đế (tên khoa học Aptenodytes forsteri) là loại chim lớn nhất và nặng nhất trong số tất cả những loài chim cánh cụt sống ở Châu Nam Cực. Chúng có thể đạt tới chiều cao 122cm (48in) và cân nặng từ 22 đến 45kg.

Chim cánh cụt hoàng đế và các conChim cánh cụt hoàng đế và các con

Các loài cánh cụt chỉ sinh sản duy nhất vào mùa đông ở những hòn đảo thuộc Nam Cực, và chúng phải di chuyển quãng đường dài khoảng từ 50 cho đến 120km trên băng để tới được khu vực sinh sản, nơi có hàng ngàn cá thể. Thế nhưng đó chưa phải là thử thách nổi tiếng nhất của loài động vật này. Hiếm có thể tìm thấy được người cha nào tận tụy hơn chim cánh cụt hoàng đế trong thế giới tự nhiên. Sau khi kết đôi và giao phối, con mái sẽ đẻ ra một quả trứng duy nhất, sau đó con trống sẽ lo việc ấp trứng, Khoan hãy vội trách móc những con cánh cụt hoàng đế mẹ bởi sau khi đẻ trứng, nguồn dự trữ dinh dưỡng của chim mái sẽ cạn kiệt hoàn toàn và nó phải quay trở lại đại dương để kiếm ăn trong 2 tháng (vì quãng đường đi rất xa), đồng thời mang thức ăn về khi chim non ra đời.

Ở nhà, những ông bố sẽ phải có trách nhiệm giữ ấm cho trứng qua mùa đông lạnh giá ở Nam Cực, và điều này không hề đơn giản chút nào. Không chỉ phải chịu đói, rét, chúng còn phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm khác để bảo vệ trứng trước kẻ săn mồi, đặc biệt là gấu Bắc Cực. Chim cánh cụt hoàng đế bố cũng sẽ dành khoảng 2 tháng để giữ chặt quả trứng giữa hai chân và túi ấp của mình, chúng hoàn toàn không ăn gì, và cứ đứng như vậy, trong suốt mùa đông tàn khốc, chống chọi kiên cường trước những trận bão tuyết và những cơn gió có sức mạnh ngang với được tìm thấy trong các trận siêu bão nhiệt đới (gió lạnh mùa đông tại Nam Cực có thể đạt tới 220km/h).

Chim trống buộc phải đứng yên hoặc di chuyển thật cẩn thận bởi nếu nó di chuyển quá đột ngột hoặc để trứng tiếp xúc với nhiệt độ đóng băng, con non bên trong sẽ chết. Sau khi chim non nở ra mà chim mẹ vẫn chưa kịp quay về, hoặc tệ hơn là đã chết trong chuyến hành trình săn mồi đầy rẫy rủi ro, chim trống sẽ tiết một chất dịch chứa đầy dinh dưỡng từ thực quản để nuôi sống chim non và tiếp tục chăm sóc nó.

Chim cánh cụt hoàng đế đang bảo vệ con non

Tuy nhiên lối sống quần thể của chim cánh cụt hoàng đế cũng là một đặc tính thú vị trong tự nhiên. Trong suốt 2 tháng trời chờ đợi chim mái mang thức ăn về, các ông bố ở nhà sẽ thành lập một “tổ xa vợ”. Chúng sẽ đứng quây quần lại với nhau thành từng cụm để giữ ấm và chống đỡ lại các cơn gió cũng như kẻ thù. Trung bình sau mỗi một mùa ấp trứng, cánh cụt hoàng đế bố có thể mất tới 20kg trọng lượng cơ thể. Sau khi chim mái quay trở về, chúng sẽ thay phiên nhau trông con và kiếm ăn.

Sự hy sinh của cánh cụt hoàng đế trống ở đây đã quá rõ ràng, thế nhưng chúng ta cũng nên dành cả sự ngưỡng mộ cho những chú chim mẹ. Chúng phải vượt qua hàng trăm km với đầy rẫy rủi ro để tìm mồi về cho chim non. Thật là những bậc phụ huynh tuyệt vời của thế giới tự nhiên!

Bọ nước khổng lồ

Bọ nước khổng lồ (tên khoa học: Belostomatidae) hay còn được gọi là bọ Chân bơi, là loài côn trùng thủy sinh sống rải rác trên toàn thế giới. Chúng có kích thước khá lớn trong họ nhà côn trùng, con đực có thể dài tới 12cm. Có thể nói kích thước của bọ nước khổng lồ tỷ lệ thuận với trách nhiệm và sự tận tụy mà chúng dành cho con mình.

Bọ nước khổng lồ mang trứng trên lưngBọ nước khổng lồ mang trứng trên lưng

Trong ảnh minh họa, bạn có thể thấy vô số cục u trên lưng bọ nước khổng lồ đực, không phải đâu, đó chính là những quả trứng của chúng! Đến mùa sinh sản, bọ nước khổng lồ cái sẽ đẻ khoảng 40 đến 100 trứng trên lưng con đực. Sau đó, con đực sẽ mang trứng trên lưng, bảo vệ chúng cho đến khi những chú bọ con ra đời.

Việc mang trứng như vậy tuy giúp đảm bảo an toàn hơn cho trứng so với phương thức đẻ trong tổ của nhiều loài côn trùng khác, nhưng lại vô tình khiến bọ nước bố gặp nhiều nguy hiểm bởi chúng sẽ không thể bay được và chỉ còn cách chiến đấu với kẻ thù. Thật may là không có nhiều loài động vật dám làm phiền đến một con bọ nước khổng lồ đực bởi nó có thể gây ra một trong những vết cắn đau đớn nhất trong thế giới các loài côn trùng.

Bọ nước bố không chỉ đơn giản là cõng theo những quả trứng trên lưng, mà còn hết mình chăm chút cho chúng. Các nhà sinh vật học đã ghi lại được không ít video về cảnh bọ nước bố cố gắng làm sạch trứng bằng nước hay loại bỏ các loài ký sinh trên trứng. Đối với chúng, những quả trứng trên lưng chính là báu vật.

Trứng bọ nước khổng lồ nở

Chó sói

Chắc hẳn bạn đã không còn xa lạ gì với loài động vật này. Chó sói là loài chó hoang dã lớn nhất trong họ chó và cũng là loài chó nổi tiếng nhất. Chiều cao tính đến vai của nó dao động trong khoảng từ 0.6m đến 0.9m và sở hữu trọng lượng trung bình từ 32kg đến 62kg.

Chó soi bố chính là người thầy gần gũi của các con nóChó soi bố chính là người thầy gần gũi của các con nó

Mặc dù nổi tiếng là kẻ săn mồi ranh mãnh, và tàn độc, nhưng chó sói đực lại là một trong những người cha chu đáo nhất trong thế giới động vật có vú. Chó sói thường sống chung thủy theo “chế độ một vợ một chồng” suốt đời và không “ngán” bất cứ đối thủ nào để bảo vệ đàn con của mình. Bầy sói mà bạn bắt gặp thực chất là một gia đình hạt nhân cổ điển bao gồm mẹ, bố và các con.

Sau khi sói cái sinh con, nó sẽ bám sát những con chó con non nớt của mình 24/24 và không rời khỏi hang trong vài tuần cho đến khi những chú sói con đủ cứng cáp. Trong khoảng thời gian khó khăn đó, sói bố sẽ đứng ra bảo vệ gia đình và đi tìm kiếm thức ăn thức ăn cho cả sói mẹ lẫn sói con. Khi những chú sói con lớn thêm một chút và bắt đầu khám phá thế giới bên ngoài, sói bố cũng chính là người có nhiệm vụ dạy con cách săn mồi, đồng thời sắm vai một người cố vấn nghiêm khắc, đôi khi lại vui tươi, giúp những chú sói con có thể sớm hòa nhập với cả đàn.

Trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt và sói đực không thể kiếm đủ lượng thức ăn cho cả gia đình, nó sẽ nhường toàn bộ phần thịt mà mình kiếm được cho vợ con (chó con có thể bắt đầu ăn thịt sau 3 tuần).

Lại thêm một cặp vợ chồng “kiểu mẫu” trong thế giới động vật!

Gà cát Namaqua

Gà cát Namaqua (tên khoa học: Pterocles Namaqua) là một loài gà sinh sống phổ biến ở khu vực khô cằn phía tây nam châu Phi. Tuy gọi là gà nhưng thực tế chúng lại giống chim hơn. Gà cát Namaqua có kích thước chỉ to hơn chim bồ câu đôi chút và cũng có thể bay khá tốt.

Gà cát NamaquaGà cát Namaqua thuộc họ bồ câu

Nói về các ông bố tận tụy trong thế giới động vật mà bỏ qua gà cát Namaqua thì quả là một thiếu sót lớn. Vì cần có nước để nuôi dưỡng con non, do đó mùa sinh sản của gà cát Namaqua cũng không hẳn là cố định mà tùy thuộc vào lượng mưa của từng tháng trong năm. Trong giai đoạn sinh sản, gà cát Namaqua trống sẽ tự xây dựng một chiếc tổ thật đẹp bằng lá cây khô hoặc cỏ khô trong các hố đất sau đó mới đi tán tỉnh các con mái. Khi “kết hôn” và “động phòng” xong mỗi con mái sẽ đẻ được khoảng 2 đến 3 trứng. Thời gian ấp trứng của gà cát Namaqua không quá dài chỉ khoảng 22 ngày, nhưng không hề “nhẹ nhàng” chút nào.

Trong thời gian gà mẹ ấp trứng trong tổ, gà cát Namaqua bố sẽ có nhiệm vụ cung cấp nước cho vợ con ở nhà. Ngày nào cũng vậy, trong suốt 22 hôm, những ông bố Namaqua sẽ bay đi tìm các hồ nước, đắm mình trong đó để cho nước thấm sâu vào nhúm lông đặc biệt trước ngực và mang lượng nước đó về tổ cho vợ con. Như đã nói, khu vực sinh sống chủ yếu của gà cát Namaqua là những vùng đất khô cằn phía tây nam châu Phi, do đó nguồn nước sẽ vô cùng khan hiếm, và việc các ông bố Namaqua phải bay tới 100km mỗi ngày để tìm đủ lượng nước cần thiết không phải là hiếm.

Trên đây là danh sách 11 ông bố tuyệt vời nhất trong thế giới động vật, chúng tận tụy và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ con mình. Suy cho cùng thì dù thế nào đi chăng nữa, bằng cách này hay cách khác, các ông bố vẫn luôn là những người tuyệt vời theo cách của riêng mình. Hãy dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến bố và trở thành những người cha tuyệt vời trong trong tổ ấm của riêng mình nhé!

Thứ Tư, 19/06/2019 09:04
59 👨 1.980
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thế giới động vật