Những điều cần biết trước khi mang thai

Mang thai là một điều thiêng liêng và cao cả đối với phụ nữ. Để sinh con và con được phát triển toàn diện thì ngay từ lúc có ý định mang thai, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị về mọi mặt từ vật chất cho đến tinh thần đặc biệt là chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể chuẩn bị tốt ở giai đoạn khởi đầu này. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ giúp cho bạn trang bị cho bản thân những thông tin có ích, những điều cần biết trước khi mang thai.

1. Chuẩn bị sức khỏe tốt

Đây là một việc làm quan trọng đối với tất cả các cặp vợ chồng nếu như có ý định có thai, việc kiểm tra sức khỏe sẽ giúp các cặp vợ chồng sớm phát hiện ra những bất thường trong cơ thể như các bệnh lý di truyền, bệnh lây qua đường tình dục, thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình có bệnh lý di truyền hoặc rối loạn nhiễm sắc thể (hội chứng down...), bệnh máu khó đông, thiếu máu hồng cầu liềm, xơ nang, bệnh tim, khuyết tật ống thần kinh... để sớm khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó sức khỏe của vợ chồng trước khi mang thai cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi sau này.

Nên đi khám bác sĩ nếu muốn có thai

Đối với nữ: Thời gian khám tốt nhất là sau khi hết kỳ kinh nguyệt từ 3-7 ngày, trong thời gian này tuyệt đối không nên quan hệ tình dục. Nếu đi khám thì nên đi vào buổi sáng và lưu ý khi đi khám không nên ăn sáng, vì trong khi khám sẽ có những xét nghiệm yêu cầu, làm như vậy sẽ có kết quả khám chuẩn hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, phụ nữ khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Vì vậy nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên. Chính vì thế tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ chị em khỏi những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng vì cân nặng ở mức trung bình sẽ giúp dễ thụ thai hơn, không để béo phì quá mức.

Nên đi kiểm tra răng, nếu chưa làm trong 6 tháng qua. Và dành khoảng 30 phút tập thể dục hàng ngày.

Đối với nam: Cũng giống nữ giới không nên ăn uống trước khi đi khám và không được quan hệ tình dục trước khi kiểm tra 3 ngày.

2. Chế độ dinh dưỡng

Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trước và trong khi mang thai

Với người chồng

  • Người chồng là người trực tiếp giúp vợ mang thai, chính vì vậy chế độ dinh dưỡng của chồng cũng cần phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất và an toàn giúp cơ thể và tinh trùng luôn được khỏe mạnh. Nên tăng cường trong khẩu phần ăn hằng ngày những thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C, ngũ cốc, rau xanh, hải sản, trứng và trái cây tươi.
  • Không nên mặc quần áo quá chật, làm việc trong môi trường nóng bức, ngâm mình trong nước nóng quá lâu, dùng các chất kích thích như rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá quá nhiều, ăn nhiều dầu mỡ và uống nhiều nước ngọt có ga... đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và số lượng tinh trùng.

Với người vợ

  • Cần tăng cường ăn nhiều các thực phẩm giàu axit folic, protein, sắt, kẽm, canxi cùng các vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin C và vitamin D.
  • Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm ra, mẹ nên chú ý bổ sung axit folic bằng viên uống từ 400 mcg mỗi ngày trước 1-3 tháng trước khi muốn có con. Đối với sắt, mẹ cũng nên uống ngay từ khi chưa bước vào thai kỳ. Thịt sẽ là nguồn thực thẩm giúp mẹ hấp thu sắt hiệu quả hơn.
  • Nếu chọn cá để bổ sung dinh dưỡng, mẹ nên chọn các loại cá nhỏ để đảm bảo an toàn vì trong các loại cá lớn như cá ngừ, cá thu, cá kiếm... ít nhiều đều chứa thủy ngân có thể gây hại cho não bộ cũng như sự phát triển thể chất của thai nhi.
  • Những sản phẩm lên men chưa tiệt trùng như nem chua, phô mai, cá sống, trứng trần, thịt nấu chưa chín... nên hạn chế trong khẩu phần ăn của mẹ hằng ngày vì nó có thể dẫn đến nhiễm trùng bào thai, sảy thai, lưu thai.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi và bảo quản thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
  • Trong khoảng thời gian vàng quan hệ, để trứng thụ tinh làm tổ an toàn, mẹ nên tránh những thực phẩm có khả năng làm tăng các hoạt động co thắt tử cung dẫn đến sẩy thai như: táo mèo, rau ngót, rau sam, long nhãn...

3. Chế độ làm việc

Lựa chọn công việc phù hợp khi mang thai

  • Đối với cả vợ và chồng nếu môi trường làm việc có tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, chất phóng xạ... thì nên thay đổi công việc hoặc có biện pháp giảm thiểu tối đa rủi ro từ môi trường nếu không những hóa chất đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bào thai.
  • Nếu những công việc có tính chất căng thẳng, phải đối mặt với nhiều áp lực triền miên, bạn nên có kế hoạch phân công công việc cụ thể cho bản thân nếu muốn có con. Những điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho chất lượng tinh trùng của người bố cũng như quá trình thụ thai của người mẹ.
  • Môi trường sống như chất tẩy rửa, dung môi, chì trong nước uống... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi chính vì vậy những việc này bạn nên nhờ chồng hoặc người giúp việc làm thay.

4. Chuẩn bị tâm lý và tài chính tốt

Chuẩn bị tâm lý và tài chính tốt

  • Có con đồng nghĩa với việc chúng ta cần có trách nhiệm suốt đời với con. Đa số các cặp vợ chồng trẻ đều gặp phải những vấn đề xung đột trong gia đình khi có con, bởi lẽ họ chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi có con.
  • Khi có thêm một thành viên mới, gánh nặng về kinh tế chắc chắn sẽ khiến hai vợ chồng càng trở nên bất ổn. Vì vậy ngay từ trước khi mang thai, bạn nên cân nhắc xem tình hình tài chính hiện nay của cả hai vợ chồng như thế nào để có quyết định đúng đắn nhất.
  • Người chồng cần phải tìm hiểu tâm lý của người vợ khi mang thai để có thể giúp vợ, chăm sóc và động viên vợ đúng lúc. Tốt nhất là người chồng nên tham gia một khóa học tiền sản, chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Với người vợ cũng phải biết thông cảm và hiểu được tâm lý của chồng khi vợ mang thai để biết chừng mực trong lối hành xử nói chung và chuyện phòng the nói riêng. Có như vậy, sự hòa hợp của cả hai mới mang lại điều tốt nhất cho con.

5. Chăm sóc mẹ và thai nhi trong thai kỳ

Chăm sóc mẹ và thai nhi trong thai kỳ

Trong quá trình mang thai, việc đi khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên là rất cần thiết để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường và theo dõi, điều trị đúng cách.

Thai kỳ được tính từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối tới thời điểm dự sinh là khoảng 40 tuần. Khám lần đầu sau trễ kinh 2-3 tuần. Khám lần 2 lúc thai 11-13 tuần 6 ngày. Trong 3 tháng giữa, nên thực hiện mỗi tháng khám một lần. Ở 3 tháng cuối, 2-3 tuần khám một lần. Với tháng cuối, nên một tuần khám một lần.

Khi có thai, cần sắp xếp thời gian làm việc, sinh hoạt khoa học và hợp lý. Mẹ bầu không nên cố gắng làm việc quá sức và phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Tránh bưng bê vật nặng, di chuyển quãng đường xa hay có va chạm mạnh. Ngoài tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cần chú ý cả tới trang phục, không nên đi giày cao gót, mặc quần áo bó chặt, bức bí... mà nên mặc quần áo rộng rãi thoải mái, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt. Đặc biệt nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...

Nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra khi có các dấu hiệu bất thường như:

  • Đau bụng dưới, ra huyết âm đạo hoặc chảy máu bất thường.
  • Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ hoặc đau đầu nhiều.
  • Sốt.
  • Có cơn ngất hoặc co giật.
  • Mệt mỏi và nôn ói quá nhiều.
  • Đau rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều và tiểu ra máu.
  • Không thấy cử động thai sau tháng thứ 4, hoặc cử động thai yếu đi.
  • Da xanh, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở...
  • Ra nước âm đạo khi chưa chuyển dạ.
  • Đến ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ.
Thứ Sáu, 24/02/2017 17:04
41 👨 741
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Sức khỏe gia đình