Nhựa sinh học tự phân hủy trong môi trường tự nhiên làm từ vỏ tôm

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Wyss của Đại học Harvard đang nghiên cứu phương pháp chế tạo nhựa sinh học tự phân hủy trong môi trường tự nhiên làm từ vỏ tôm nhằm giảm thiểu rác thải nhựa plastic, khó phân hủy đang gây ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới.

Nhựa sinh học được chế tạo từ vỏ tôm có chi phí sản xuất rẻ và thân thiện với môi trường
Nhựa sinh học được chế tạo từ vỏ tôm có chi phí sản xuất rẻ và thân thiện với môi trường.

Các nhà khoa học đã sử dụng một loại chất có tên gọi là chitosan để chế tạo ra loại nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy. Chất chitosan này có nhiều trong vỏ tôm, côn trùng, tế bào nấm và cánh bướm. Trong đó, vỏ tôm là chất thải sẵn có trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản nên họ sẽ tập trung chiết xuất chitosan từ nguồn nguyên liệu này.

Việc sản xuất nhựa sinh học làm từ vỏ tôm có chi phí rất rẻ do chi chỉ sử dụng kỹ thuật sản xuất thông thường. Các nhà khoa học đã kết hợp chitosan từ vỏ tôm và protein từ tơ lụa ở mức nano để tạo ra một loại nhựa sinh học được gọi là nhựa Shrilk.

Sau khi hoàn thiện, nhựa Shrilk sẽ trong suốt giống như vỏ tôm tự nhiên, rất chắc và dẻo. Nhựa Shrilk có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện thoại di động hay thậm chí là quân cờ.

Sau khi thải ra môi trường tự nhiên, nhựa Shrilk không chỉ có thể phân hủy hoàn toàn chỉ trong vài tuần mà chitosan và protein có trong loại nhựa hữu cơ đặc biệt này khi phân hủy trong đất sẽ tạo ra nguồn dinh dưỡng cung cấp cho thực vật.

Cây nảy mầm trong cốc chứa các mảnh vụn của vật liệu Shrilk
Cây nảy mầm trong cốc chứa các mảnh vụn của vật liệu Shrilk.

Mỗi năm, Mỹ thải ra môi trường 34 tấn rác thải nhựa các loại, phần lớn là nhựa plastic khó phân hủy nhưng chỉ 7% được tái chế. Trong số đó, rất nhiều rác thải nhựa plastic trôi ra đại dương, tạo thành các đảo rác trôi nổi trên mặt nước, đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật biển. Nhựa Shrilk là bước đi tích cực đầu tiên giúp chúng ta tìm ra loại vật liệu thay thế cho nhựa trong tương lai.

Thứ Năm, 17/08/2017 08:56
42 👨 522
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học