Nhà thiên văn nghiệp dư phát hiện ra tiểu hành tinh khổng lồ sắp lướt qua Trái đất

Một nhà nghiên cứu thiên văn nghiệp dư mới đây đã phát hiện ra một tiểu hành tinh khổng lồ có chiều dài hơn nửa dặm (khoảng 900m) và nó đang hướng đến gần Trái đất với vận tốc “chết người”. Tuy nhiên, cũng không có gì phải lo lắng bởi tiểu hành tinh có tên gọi 2020 QU6 này sẽ chỉ lướt qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách hơn 40 triệu km.

Mặc dù vậy, khoảng cách này vẫn là đủ gần để 2020 QU6 được phân loại là vật thể gần Trái đất (near-Earth object - NEO), được định nghĩa là những vật thể có quỹ đạo nằm trong 1,3 đơn vị thiên văn của mặt trời (đơn vị thiên văn là khoảng cách giữa mặt trời và Trái đất).

Trên thực tế, vấn đề đáng lo ngại hơn cả nằm ở chỗ không có bất cứ cơ quan nghiên cứu vũ trụ chính thức nào trên thế giới phát hiện ra tiểu hành tinh này trước khi nhà thiên văn nghiệp dư Leonardo Amaral quan sát thấy nó cách đây ít lâu. Lý do được đưa ra là bởi hầu hết các cuộc khảo sát bầu trời lớn đang triển khai hiện nay đều được thực hiện ở khu vực Bắc bán cầu, nên rất khó phát hiện các vật thể đang tiến đến từ phía Nam bán cầu như 2020 QU6. Amaral phát hiện ra tiểu hành tinh này khi đang thực hiện các quan sát từ một đài thiên văn ở Brazil.

Qũy đạo ước tính của 2020 QU6
Qũy đạo ước tính của 2020 QU6

Nhà nghiên cứu thiên văn nghiệp dư Amaral đã tìm thấy 2020 QU6 bằng cách sử dụng hệ thống gương phản xạ 0,3 mét tại đài quan sát Campo dos Amarais. Đài quan sát này mới được nâng cấp gần đây nhờ khoản tài trợ từ Hiệp hội các Nhà thiên văn Nghiệp dư nhằm hỗ trợ theo dõi các vật thể không gian chứa nguy hiểm tiềm tàng. Trên thực tế, các hoạt động nghiên cứu độc lập từ giới quan sát thiên văn nghiệp dư đã, đang và sẽ có đóng góp rất lớn đối với công việc của các cơ quan vũ trụ liên quan đến sứ mệnh bảo vệ Trái đất trước những mối nguy từ không gian, chẳng hạn như nhiệm vụ Giám sát Vật thể gần Trái đất (Near-Earth Object Surveillance Mission - NEOSM) sắp tới của NASA, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2025.

Tiểu hành tinh (Asteroid) là một nhóm các thiên thể nhỏ trôi nổi trong hoặc ngoài hệ mặt trời. Đôi khi bị nhầm lẫn với sao chổi nhưng về bản chất, chúng hoàn toàn khác biệt. Các tiểu hành tinh thường được cấu thành bởi đá và các vật liệu kim loại, trong khi sao chổi thường nhỏ hơn với thành phần gồm băng, bụi và đất đá. Các tiểu hành tinh vẫn thường di chuyển gần Trái Đất với khoảng cách khá gần và chuyện này xảy ra gần như một lẽ tự nhiên.

Tính đến nay, đã có hàng trăm nghìn tiểu hành tinh được khám phá bên trong hệ mặt trời, với tỷ lệ rơi vào khoảng 5000 tiểu hành tinh/tháng. Con số này dự kiến sẽ không ngừng tăng lên bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại khiến việc phát hiện tiểu hành tinh lướt qua Trái đất đang trở nên ngày càng đơn giản hơn, thậm chí có thể được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu không chuyên như trường hợp nêu trên.

Thứ Năm, 24/09/2020 23:19
31 👨 162
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ