Mạng và Linux

PCWorld VN 10/99 Làm việc nhiều với mạng, chắc chắn bạn càng nghe nói nhiều về Linux - hệ điều hành trẻ trung đầy sinh lực mà thời gian gần đây đã được cho là đối thủ cân tài, cân sức với Microsoft Windows NT. Do là hệ điều hành cho nhiều người sử dụng, với phần nhân (kernel) được thiết kế chức năng mạng ngay từ ban đầu nên Linux là ứng cử viên hệ điều hành mạng sáng giá. Vì thế hãy xem xét Linux khi bạn đang dự định thiết lập một mạng máy tính nghiêm túc, đó là chưa kể chi phí cho mạng này rất thấp. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Linux cho X Windows cho phép bạn sử dụng được hầu hết những ứng dụng X có trên Internet: trình duyệt Netscape như Navigator và Communicator, hoặc X11amp MP3. Đúng vậy, bạn có thể đã có những ứng dụng này trên Windows, nhưng kinh nghiệm Internet của bạn sẽ tiến nhanh hơn bằng con đường Linux. Tính ổn định và sức đề kháng tốt cũng là hai yếu tố khiến Linux trở thành hệ điều hành cao cấp dành cho những tác vụ quan trọng - vượt hơn hẳn Windows. Thoạt đầu Linux làm bạn ái ngại, nhất là khi so sánh với vẻ thân thiện, khả ái, cắm-là-chạy (plug and play) của môi trường Windows 95/98. Cần khẳng định là cài đặt và sử dụng Linux không dễ dàng song cũng không quá khó như một số người thường nghĩ. Hơn nữa, yếu tố miễn phí cũng đáng quan tâm đấy chứ! Và chưa hết, nếu đang làm việc trong môi trường mạng, sự hiểu biết về Unix sẽ giúp ích cho công việc của bạn, và nhờ Linux, việc tìm hiểu về một hệ điều hành thông dụng sẽ đỡ nhọc công hơn. Linux - hệ điều hành linh hoạt Linux có đáp ứng được những tiêu chuẩn CNTT về mặt thương mại? Nó có đủ sức mạnh và tính linh hoạt cần thiết? Hiển nhiên, khả năng tính toán xí nghiệp với Linux là một chủ đề lớn, trong khuôn khổ giới hạn của bài báo này thì chỉ xin nêu một vài điểm nổi bật mà thôi. Đầu tiên, Linux là hệ điều hành thích hợp cho máy trạm và tùy thuộc vào cách thức xác lập cấu hình, Linux thỏa mãn được những yêu cầu chuyên biệt cho thương mại. Linux có thể sử dụng làm môi trường phát triển, hub truyền thông, và với những ứng dụng chạy trên X Windows, nó có thể đảm nhận cả vai trò một máy để bàn truyền thống. Hai là, có một thứ mà Linux có thể thực hiện tốt hơn những hệ thống khác, đó là khả năng phục vụ. Với những tính năng truyền thông và mạng cực mạnh, Linux là hệ điều hành server lý tưởng cho môi trường tính toán xí nghiệp. Linux - server quản lý tập tin và in ấn Linux được phân phối cùng với SAMBA - bộ giao thức SMB miễn phí - cho phép truy cập tập tin và máy in trên máy Linux từ máy trạm DOS, Win95, Win98 và Windows NT trên mạng cục bộ. Điều này có nghĩa là Linux hoạt động như một file server. Một tính năng tuyệt vời khác là có thể cấu hình SAMBA để quản trị bảo mật: hoặc thông qua những chức năng gốc của Unix, hoặc bằng server password (Windows NT). SAMBA còn cung cấp phần mềm cho client, cho phép máy trạm Linux truy cập tập tin trên máy Windows. Linux - server thư điện tử Ngay cả khi bạn không muốn kết nối mạng LAN với Internet, đây cũng vẫn là lựa chọn thú vị do Linux có nhiều phần mềm về truyền thông thích hợp để bạn xây dựng mạng Intranet cộng tác mà không phải mất thêm phí tổn phần mềm. Dịch vụ đơn giản nhất có lẽ là sendmail - chương trình phục vụ mail truyền thống của Unix, cho phép gửi email trên mạng cộng tác hoặc Internet. Với hệ thống mail cho xí nghiệp, bạn chỉ cần tạo lập các tài khoản người dùng và chương trình nhận mail cho những máy trên mạng LAN. Trong mạng Intranet phức tạp hơn, có lẽ bạn còn muốn triển khai những dịch vụ ftp, Usenet và Web server. Có rất nhiều phần mềm Web server miễn phí, và còn kèm theo ngay trong bản Linux của bạn (có thể là httpd). Một Web server thông dụng nữa là Apache, bạn có thể tải chương trình này tại địa chỉ http://www.apache.org/. Linux - server cho WAN hoặc gateway Thông thường, mọi sự trở nên phức tạp và tốn kém hơn nếu bạn đi quá giới hạn của LAN. Tuy nhiên, việc kết nối mạng diện rộng (WAN) với Linux chỉ là một sự mở rộng chức năng LAN. Thông thường, bạn có thể triển khai PPP bằng kết nối thông qua modem hay tân tiến hơn thì bằng đường dây thuê bao và kết nối ISDN. Linux có cả PPP và SLIP, hỗ trợ bức tường lửa, che chắn IP (IP masquerading), giấu password (nhằm tăng cường chống bẻ khóa, tập tin lưu trữ password sẽ được đặt tại /etc/shadow thay vì /etc/passwd), NFS và NIS - là những điểm bắt đầu khá tốt với WAN. Nếu say mê Internet, hẳn bạn đã nghe nói đến TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol), bộ giao thức này cung cấp nền tảng phần mềm cho các hệ thống mạng máy tính liên kết với nhau trên khắp Internet. Linux sử dụng bộ giao thức chuẩn TCP/IP, bộ giao thức truyền thông Unix-Unix, thường được gọi là UUCP (Unix to Unix Copy Protocol) - và nhiều phương thức truyền thông qua cổng tuần tự khác. Tính năng mạng của Linux rất linh động, cho phép cấu hình hệ thống mạng với quy mô từ mạng SME LAN cho đến mạng cộng tác trải rộng khắp thế giới. Bạn cũng nên biết rằng TCP/IP đã được sử dụng gần 2 thập kỷ qua và có hàng triệu người dùng hiện còn tin tưởng vào bộ giao thức này. Vì thế, nó rất thích hợp với môi trường cộng tác và những ứng dụng then chốt. Hơn nữa, Linux hỗ trợ đầy đủ cho TCP/IP cùng với những tính năng cao cấp như bức tường lửa, che chắn địa chỉ IP. Trong môi trường quy mô trung bình, bước đầu đến với mạng có lẽ là kết nối một máy đơn Linux với Internet. Điều này thực hiện khá dễ dàng nếu bạn có modem và tài khoản dial-up tới một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) nào đó: xác lập dịch vụ PPP (Point-to-Point Protocol) và chọn tùy chọn TCP/IP trong khi cấu hình phần nhân Linux. Trong một số trường hợp, bộ giao thức cũ SLIP vẫn được sử dụng thay vì PPP, nhưng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ vẫn đưa ra loại tài khoản SLIP được triển khai trên nền phần mềm mô phỏng PPP, vì vậy, bạn vẫn có khả năng sử dụng PPP trên máy trạm. Phần khó khăn nhất có lẽ là xác lập PPP ở máy trạm kể cả sửa đổi lại một số tập tin cấu hình trong thư mục /etc/ppp. Còn một cách khác là sử dụng chương trình linuxconf để cấu hình tính năng dial-out của PPP hay SLIP. Chưa hết: bạn có thể cấu hình máy Linux thành trạm gateway Internet trong mạng LAN của bạn. Điều này có nghĩa là cho phép nhiều máy cùng sử dụng và chia sẻ một tài khoản Internet - một ý tưởng rất tuyệt nếu bạn dự định sử dụng chung truy cập Internet cho 2 hoặc 3 máy. Có thể cấu hình Linux thành một server SLIP hay PPP để truy cập bằng modem, hay thậm chí thành hẳn một nút Internet thực sự. Hầu hết người dùng cộng tác đều quan tâm đến việc có một mạng LAN, để tập trung và chia sẻ những dữ liệu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trong truyền thông nội bộ. Kết nối nhiều máy Linux thành một mạng LAN không khó khăn lắm: mỗi máy chỉ cần một card Ethernet, dây cáp thích hợp và một vài thiết bị mạng như hub Ethernet. Linux hỗ trợ nhiều card mạng Ethernet (như 3Com, D-Link,...), tự động nhận ra cấu hình của card LAN vào lúc khởi động để khởi tạo lớp phần mềm giao tiếp mạng theo đúng cấu hình này. Mỗi máy cần có một địa chỉ IP và tên máy chủ (host name) riêng để giao tiếp với nhau trên mạng (điều này cũng giống như kiểu cấu hình được sử dụng trên những mạng Windows). Sau khi đã thiết lập mạng xong, bạn có thể sử dụng rất nhiều ứng dụng mạng có sẵn như mail, chương trình đọc tin (elm, pine, rn, nn, và tin) được sử dụng với mail server (sendmail) và news server NNTP. Một số công cụ thông dụng khác như telnet hoặc rlogin cho phép bạn đăng nhập và thi hành các lệnh trên một máy khác; FTP (File Transfer Protocol) để truyền tập tin giữa các máy trên mạng; finger để tìm kiếm thông tin về người dùng trên mạng cục bộ hay Internet. Bạn sẽ kinh ngạc về khối lượng thông tin đồ sộ "nhặt" được chỉ bằng một lệnh finger đơn giản. Người dùng cộng tác cũng muốn có một cơ sở dữ liệu cho phép chia sẻ thông tin tập trung chẳng hạn như dữ liệu khách hàng, danh mục sản phẩm, đơn đặt hàng, hoá đơn, ... Linux cung cấp một hệ thống ổn định và đáng tin cậy cho loại ứng dụng này. Trong hệ thống client/server, máy trạm gửi yêu cầu về cơ sở dữ liệu đến server Linux và sẽ nhận được kết quả dưới dạng thức SQL. Kỹ thuật này làm giảm lưu lượng trên mạng xuống mức thấp nhất và phân bố tải một cách cân bằng giữa những máy trạm. Linux được phân phối cùng với NFS (Network File System), một hệ thống file phân bố cho phép chia sẻ tập tin trên toàn bộ mạng Linux, nghĩa là việc truy cập tập tin ở máy khác được thực hiện như thể chúng đang được lưu trữ trên đĩa cứng cục bộ. Ngoài ra còn có NIS (Network Information Service), cho phép hệ thống tự động thu thập thông tin về tài khoản người dùng, nhóm, đặc quyền truy cập, và thông tin từ những server khác trên mạng. Nói tóm lại, NFS và NIS cho phép nhiều server Linux, mạng LAN, WAN hoạt động như một hệ thống nhất. Cuối cùng, có nhiều bộ phần mềm gắn liền với Linux, được dùng để xây dựng các "mạng tạp chủng". Những bộ phần mềm này tích hợp server Linux trong một mạng gồm các client với nhiều hệ điều hành khác nhau như Windows 3.1, Windows 95, NT, Novell, và Macintosh. Với bộ giao thức SAMBA, Linux có thể cung cấp dịch vụ file và in ấn. SAMBA cho phép máy Windows tìm duyệt và truy cập tập tin thông qua Windows Explorer và File Manager. Chương trình Mars NetWare Emulator cung cấp những chức năng của một file server Netware cho máy trạm chạy DOS và Windows (bạn có thể tải xuống từ địa chỉ http://www.compu-art.de/mars_nwe). Và giờ đây là thời điểm đúng đắn nhất nếu bạn đang có một mạng Novell hoặc dự định cài đặt trong tương lai gần. Trần Đình Thắng PCW Singapore 8/1999
Thứ Năm, 06/11/2003 02:55
41 👨 3.739
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp