Mạng cộng đồng nào thích hợp cho bạn?

Bạn đang tìm việc, sự kiện nào đó hay bạn bè mất liên lạc đã lâu? Đã có một nơi trên mạng dành sẵn cho bạn. Hãy cùng tìm nơi đó nhé!

Với hàng trăm triệu tài khoản, MySpace là mạng cộng đồng (mạng cộng đồng) nổi tiếng nhất (và bị chỉ trích nhiều nhất!). Dù già hay trẻ, dường như ai cũng có một trang mạng riêng. Tuy vậy, thế lực của ông vua trực tuyến Rupert Murdoch chưa hẳn thỏa được nhu cầu giao tiếp Web của bạn. Nhiều công ty tiên phong đã nhanh nhẹn nhảy lên con tàu này và đưa ra nhiều dịch vụ từ dạng phổ thông cho đến chuyên biệt (tất cả đều miễn phí), giúp bạn kiếm việc, hẹn hò và giữ liên lạc với những bạn cũ, bạn mới và giúp cuộc sống của bạn luôn tươi đẹp.

Dù có nhiều mạng cộng đồng rải rác khắp Internet nhưng rất khó biết được mạng cộng đồng nào “đáng” để bỏ thời gian và đường truyền. Để làm rõ điều này, ta cùng khảo sát một số mạng cộng đồng theo 5 mảng chính: phổ thông, chuyên biệt, theo sở thích, di động và chia sẻ nhạc phim. Trong các khảo sát này, có một số mẹo giúp bạn an toàn, đảm bảo tính riêng tư, cách tìm bạn bè trực tuyến và sử dụng triệt để chức năng dịch vụ.

Mạng cộng đồng phổ thông

MySpace (www.myspace.com): Năm 2003, MySpace (thuộc hãng truyền thông News của Mỹ) ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn cho mạng cộng đồng với số lượng người truy cập còn đông hơn cả Google. MySpace liên tục phát triển và lớn mạnh không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Hiện mạng cộng đồng này là một trong những “điểm đến” được quan tâm nhất nhờ những dịch vụ phong phú mà nó mang lại cho người dùng. Trong MySpace, người dùng có thể tự thiết kế profile của mình để giới thiệu về bản thân, bạn bè, chơi game hay thậm chí quảng cáo những bài thơ, bài hát hay đoạn phim mình sáng tác. Khả năng tùy biến cao chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của MySpace. Người dùng có thể tự viết (hay lấy từ nơi khác) mã lập trình HTML hay Java Script để thiết kế giao diện riêng cho profile của mình với những hình ảnh, âm thanh và kết cấu riêng trên nền hình tĩnh, động, cuộn... Nếu là “tay mơ” thì bạn có thể vào pimp_my_profile.com để chọn những thiết kế sẵn có.

Những gương mặt hiện tại, xa xưa, gần cũng như xa đều ở đây, khỏe mạnh trên Facebook, nơi bạn có thể liên lạc với họ chỉ bằng vài cú nhấn chuột.

Facebook (www.facebook.com): Xuất hiện từ năm 2004 dưới dạng niên giám trực tuyến dành cho sinh viên đại học Harvard, sau đó Facebook nhanh chóng mở rộng cho sinh viên các trường đại học khác, rồi tới trường trung học và cuối cùng là cho tất cả mọi người. Bạn có thể tìm bạn bè theo trường, thành phố hay công việc và bạn có thể tham gia vào một hay nhiều mạng như vậy; do đó, bạn có thể giữ liên lạc với bạn học cũ, láng giềng và đồng nghiệp. Nhờ phương thức tiếp cận này mà Facebook có xấp xỉ 60 triệu thành viên. Các chức năng chính của Facebook (chia sẻ hình ảnh và video, gửi tin nhắn, bảng tin nhắn công cộng) đều tương tự MySpace nhưng lại không chấp nhận màn hình nền kiểu gây sốc và không tương thích với một số chương trình nghe nhạc từ MySpace.

Không may là phía sau vẻ ngoài sạch sẽ với 2 màu trắng – xanh của Facebook là những nguy cơ tiềm ẩn. Năm ngoái, kế hoạch quảng cáo Beacon của Facebook (các thành viên biết được giao dịch trực tuyến của nhau, xem thêm tại ID: A0802_20) gây xôn xao dư luận vì các thành viên phản đối chuyện riêng của họ bị công khai mà họ lại không biết (và cũng không được bồi thường). Nếu bạn lo sợ (có lý do chính đáng) tính riêng tư đó lại tái diễn thì bạn có thể thiết lập bảo mật ở mức chi tiết phù hợp cho mình.

LinkedIn (www.linkedin.com): Không giống Facebook và MySpace (chuyên về bạn bè và giải trí), LinkedIn chú trọng về nghề nghiệp và kinh doanh. LinkedIn trở thành một trong những mạng cộng đồng được nhắc đến nhiều nhất và nhanh chóng gần đạt được con số 20 triệu tài khoản.

Đó là người bạn biết trên LinkedIn, nơi bạn có thể tìm họ theo công việc, và là người có thể giúp bạn tìm việc mà bạn mơ ước.

Cũng giống như những mạng cộng đồng khác, LinkedIn cũng xoay quanh những thông tin cá nhân của bạn. Tuy nhiên, thay vì hiển thị danh sách sở thích và hình ảnh thì LinkedIn lại hiển thị quá trình làm việc, kỹ năng chuyên môn, trình độ học vấn, các giải thưởng và giải thích lý do và cách thức bạn muốn người khác liên lạc với mình. Để tận dụng hết lợi thế của LinkedIn, bạn nên viết ngắn gọn, hoàn chỉnh và sắc sảo giống khi bạn viết sơ yếu lí lịch hoặc CV. Tuy vậy, điều quan trọng nhất trong “lý lịch” của bạn lại chính là nhận xét của đồng nghiệp và sếp (cũ và hiện nay) về những vị trí bạn đảm nhận. Khi có nhiều lời nhận xét về bạn thì bạn có quyền thêm hoặc không thêm chúng vào thông tin cá nhân. Càng có nhiều nhận xét tốt thì bạn càng có ấn tượng tốt trước các công ty tiềm năng trong mục Jobs& Hiring của LinkedIn và cả trước những khách hàng tương lai trong mục Services nữa. Để tăng cơ hội nhận được những nhận xét tốt, bạn hãy viết nhận xét cho các thành viên khác trước, đừng để khi họ yêu cầu rồi mới viết.

Twitter (www.twitter.com): Twitter có thật sự là một mạng cộng đồng không? Phải, nhưng không giống như Facebook và MySpace. Nội dung xuyên suốt trong Twitter là hàng loạt thông báo tình trạng hiện thời của các thành viên (gọi là tweet), mỗi thông báo tối đa 140 ký tự. Trang Twitter có những thông báo giống với những câu status mà bạn thường thấy trong danh sách bạn bè Yahoo Messenger của mình khi họ online... để biết được bạn bè của mình đang làm gì hay đang càu nhàu chuyện gì. Đó chẳng phải là một thú vui sao!

Sau khi đăng ký, bạn nên theo dõi trang cập nhật cộng đồng luôn có thay đổi để biết cách người khác dùng Twitter như thế nào và tìm ra người dùng Twitter thú vị liên lạc với họ. Bạn cũng có thể cho Twitter tìm trong sổ địa chỉ e-mail của bạn để xem có ai trong danh sách địa chỉ có tài khoản Twitter hay không. Đồng thời, những người khác cũng có thể theo dõi thông tin từ bạn. Nếu bạn không thích để thông báo của mình nơi công cộng thì có thể chọn “Protect my Updates” trong phần cài đặt Twitter để không đăng tải công khai tweet của bạn, chỉ những ai bạn mời thì mới xem được. Thậm chí nếu lâu rồi bạn quên không đăng tin thì bạn có thể cài đặt để Twitter nhắc nhở qua e-mail. Khi bạn không dùng máy tính thì Twitter có thể giúp bạn nhận và gửi tin tweet qua điện thoại di động hay trên trang web di động của Twitter.

Mạng cộng đồng chuyên biệt

Cyvee giúp bạn tìm việc dễ dàng.

Vấn đề với những mạng cộng đồng phổ thông chính là không ai dùng mạng cộng đồng nữa vì có quá nhiều người sử dụng rồi. Làm sao ai đó có thể tìm thấy profile của bạn trong số 400 triệu trang MySpace? Tuy nhiên, hiện có hàng ngàn mạng cộng đồng hướng đến những hoạt động, ý tưởng hay sở thích riêng biệt.

Vài ví dụ: Nhờ iMedix giúp đỡ, bạn có thể kiếm thông tin trên web về một loại bệnh cụ thể nào đó và trò chuyện, e-mail với người cùng quan tâm. Trong trang BlackPlanet.com, người Mỹ gốc Phi có thể bàn nhiều chủ đề hay giữ liên lạc với nhau từ khắp nơi; trang MiGente cũng tương tự nhưng dành cho cộng đồng người Mỹ gốc La-tin và AsianAve.com dành cho người châu Á. Người dùng lớn tuổi có thể đến TeeBeeDee.com (thành viên có độ tuổi từ 40 trở lên).

Cyvee (www.cyvee.com): Nếu bạn đang tìm việc làm (nhất là sinh viên mới ra trường) hoặc bạn là nhà tuyển dụng thì Cyvee (viết tắt của từ sơ yếu lí lịch Curriculum Vitae) là mạng cộng đồng bạn nên ghé mắt qua. mạng cộng đồng này yêu cầu bạn khai báo cụ thể nơi ăn chốn ở, trường bạn học... để móc nối với các nhà tuyển dụng dễ dàng hơn. Cyvee cũng tự đưa ra những bạn bè học cùng trường, cùng niên khóa với bạn. Ngoài các tab chức năng Hội Nhóm, Việc Làm & Cơ hội, Hỏi Đáp, Sự kiện như thường thấy ở các trang mạng cộng đồng khác, Cyvee còn đưa ra một hệ thống tiền tệ riêng tên là Cyvee Dollars (CVD) dùng để chi trả cho các dịch vụ như đăng tin dự tuyển, tin nhắn... nhằm tạo cho mạng cộng đồng này “sạch” hơn và tránh những tin “gây rối”. Lúc khởi tạo tài khoản, bạn được cấp 5 CVD và nếu hồ sơ khởi tạo của bạn hoàn chỉnh, bạn sẽ nhận được 8 CVD miễn phí. mạng cộng đồng này cũng đưa ra những tin tức rất hữu ích về thị trường, kinh tế... Đến nay Cyvee có hơn 30.000 thành viên.

Hãy tạo một trang web cho riêng mình tại Ning.com hay tìm và gia nhập một trong hàng ngàn nhóm thảo luận theo chủ đề có sẵn.

Ning (www.ning.com): Nếu bạn vẫn chưa tìm được mạng cộng đồng nào thích hợp thì bạn có thể tự tạo riêng cho mình. Tại Ning, bạn có thể tạo một mạng cộng đồng tùy biến với tên miền riêng, hình trang chủ riêng, các trang profile thành viên, chia sẻ hình ảnh và video, chia nhóm theo chủ đề và diễn đàn thảo luận riêng. Một khi bạn đã tùy biến xong thì bất cứ ai (không chỉ dành riêng cho người đăng ký) đều có thể dễ dàng tìm thấy bạn trong niên giám của Ning hay qua hệ thống từ khóa trong trang của bạn. Bạn chỉ mất vài phút để tạo một mạng Ning: chỉ cần chọn tên và tên miền (ở cuối sẽ thêm đuôi “ning.com”), miêu tả chi tiết cho mạng, đưa vào một vài khóa tag và chèn thêm biểu tượng hình ảnh là xong. Để tăng độ an toàn và bảo mật cho những người dùng, bạn có thể thiết lập chỉ cho phép thành viên mới có quyền vào và để được làm thành viên trong mạng của bạn thì phải được mời từ một thành viên khác.

Mạng cộng đồng theo sở thích

LibraryThing (www.librarything.com): Dù gần đây cha đẻ Apple, Steve Jobs, từng xác nhận rằng mọi người không còn hứng thú đọc sách nữa nhưng ngày càng xuất hiện nhiều trang tập trung vào những vấn đề thân thuộc xung quanh mọi người như: trên bàn cạnh giường ngủ của bạn có thứ gì? LibraryThing giúp bạn lập danh mục nội dung thư viện, chia sẽ tựa sách hay với thành viên khác hoặc khám phá những tựa sách hay tác giả mà bạn vô tình bỏ qua. Rất nhiều (đến mức bất ngờ) thành viên LibraryThing có cùng sở thích này với bạn và lại sẵn sàng cùng bạn thảo luận. Hiện có khoảng 330.000 người sử dụng dịch vụ của LibraryThing.

Bạn bắt đầu nhập từng cuốn sách vào danh mục sách của mình, bằng cách đánh mã sách ISBN hoặc sao chép thông tin cuốn sách từ danh mục của thành viên khác. Bạn có thể tìm và nhập nhiều sách vào danh mục theo cách tìm số ISBN theo nhà xuất bản, nhà phân phối sách hay mục điểm sách trên các trang web.

Một khi bạn lập ra thư viện cho mình thì LibraryThing có thể đề nghị bạn đọc một số tựa sách khác dựa trên danh mục của những thành viên cùng sở thích. Các trang liệt kê dựa trên thẻ (tag) về tác giả và chủ đề cho bạn xem lướt qua người khác đang đọc sách gì. Thành viên miễn phí có thể lập danh mục đến 200 tựa sách yêu thích; tài khoản không giới hạn danh mục sách giá 10USD/năm và tài khoản vô thời hạn 25 USD.

Last.fm (www.last.fm): Bạn mệt mỏi vì phải nghe đi nghe lại các bài hát cũ? Bạn ước có thể tìm được nhiều nhạc cùng thể loại khác và nhất là... miễn phí? Một công cụ plug-in của Last.fm “nghe” những gì PC hay iPod của bạn đang phát, so sánh với giai điệu đó với các thành viên Last.fm khác có cùng sở thích rồi đề nghị những bài nhạc mới cho bạn. Khi bạn nhấn chuột vào nút “Love” và “Ban” để trả lời cho đề xuất của Last.fm thì trang web sẽ biết được nhiều hơn ý thích của bạn và tiếp tục đưa ra cho bạn nhiều bài nhạc mới nữa và vẫn có cùng phong cách.

Chọn ra cho mình giai điệu yêu thích tại dịch vụ kho nhạc vô hạn của Pandora và trang web sẽ nhanh chóng đưa ra cho bạn những bài hát khác (cùng ca sĩ).

Như trong thế giới thực, bạn bè trong Last.fm là những người chỉ cho bạn những bài nhạc cực hay mà có thể bạn chẳng hề biết, nhưng nếu bạn không thích kết bạn thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bạn vẫn có thể lướt qua các profile của người dùng có sở thích âm nhạc giống mình để tìm nhạc.

Pandora (www.pandora.com): Mặc dù có cùng mục đích như Last.fm (tìm bài nhạc bạn thích và phát trực tuyến) nhưng Pandora hoạt động hoàn toàn trong trình duyệt web và dựa trên những ý kiến của người khác để đề xuất nhạc cho bạn. Khi bạn vào nghe và bình chọn nhạc trong Pandora, trang web này sẽ cung cấp cho bạn những bài hát mới được các nhà phê bình đánh giá là cùng thể loại. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể tìm ca sĩ, bài hát hay thể loại cụ thể và Pandora sẽ tạo ra một “đài phát thanh” hoàn chỉnh cho bạn với đầy đủ bài hát cùng thể loại.

Các chức năng mạng cộng đồng của Pandora khá yếu. Phần lớn mục điền về profile là dạng không bắt buộc, profile chỉ đủ để giới thiệu sơ lược về bạn; và bạn có thể tùy chọn ẩn để không ai thấy được. Bạn khó lòng mà tìm được người quen trên mạng này và Pandora không có chức năng tìm kiếm thành viên. Tuy nhiên, bạn lại tìm được người hâm mộ của ca sĩ hay nhạc sĩ nào đó và có thể tạo bookmark họ cũng như biết được họ đang nghe gì.

iMeem (www.imeem.com): Chức năng chia sẻ hình ảnh của Facebook thật tuyệt và bạn có thể liệt kê những buổi trình diễn, tựa phim và nhạc sĩ bạn yêu thích trong profile nhưng... chỉ có thế thôi. iMeem còn tiến xa hơn nữa về tính năng chia sẻ sở thích phim và nhạc bằng cách kết hợp tính năng xã hội giống Facebook và những giao diện (theme) cho thông tin cá nhân, danh sách nhạc (playlist) và phần mềm nghe nhìn nhúng giống MySpace. Khi đăng ký, bạn có thể nhập nhiều hay ít thông tin về bản thân tùy thích trên iMeem gồm nơi ở, trường học, công ty, sở thích âm nhạc, phim ảnh, TV và những sở thích khác. Sau đó, bạn có thể liên kết để tạo một danh sách bạn bè cho riêng mình từ thành viên iMeem bằng cách tự thêm bạn bè mà bạn biết hoặc để iMeem tìm trong danh sách liên lạc e-mail của bạn. Bạn có thể tìm nhạc hay phim mình thích rồi thêm vào playlist, nghe nhạc trong playlist của người khác, tham gia hay tạo nhóm thảo luận dành riêng cho từng sở thích, ca sĩ hay thể loại cụ thể.

Phần lớn nhạc và phim có trên iMeem là những đoạn clip ngắn (liên kết đến trang iTunes hay Amazon nơi bạn có thể mua bằng cách tải về) nhưng bạn cũng có thể tải toàn bài hát lên để nghe riêng mình bạn. Nhạc sĩ và đạo diễn có thể nâng cấp tài khoản của họ lên phiên bản chuyên nghiệp miễn phí, hiển thị tác phẩm của họ và chứa tên miền con iMeem (chẳng hạn như elvispresley.imeem.com). Những người thật sự “ghiền” phim và tìm kiếm một cộng đồng mạng dành riêng cho xem và thảo luận phim có thể sẽ thích dùng Flixster.com hơn là dùng iMeem.

Mạng cộng đồng di động

Dodgeball (www.dodgeball.com): Nhiều mạng cộng đồng có tính năng di động và một nhóm các mạng cộng đồng rộ lên gần đây được thiết kế riêng cho ĐTDĐ và hoạt động như một trạm hub kết nối các ĐTDĐ với nhau. Ưng dụng thực tế nhất của những dịch vụ này là giúp người dùng giữ liên lạc với nhau qua tin nhắn SMS hay qua trình duyệt trên ĐTDĐ.

MySpace cho ĐTDĐ là cách miêu tả tốt nhất về Dada.net, giúp bạn truy cập được hình ảnh, video và cả bạn bè của mình ngay trong chiếc ĐTDĐ.

Dịch vụ Dodgeball (của 2 cựu sinh viên đại học New York) cung cấp dịch vụ xác định vị trí địa lý dựa trên ĐTDĐ như thế. Sau khi tạo một tài khoản trong Dodgeball (bằng cách cung cấp tên, thành phố, số điện thoại và nhà cung cấp dịch vụ không dây), bạn bắt đầu thêm bạn bè: Dodgeball tìm và gửi thư mời đến những địa chỉ liên lạc bằng hộp thư Gmail của bạn hay bạn có thể tìm trong danh bạ của các thành viên Dodgeball khác. Khi bạn gặp được phòng bạn thích và muốn bạn thân của mình ghé chơi, bạn chỉ cần gửi một tin nhắn đến mã SMS của Dodgeball có chứa ký hiệu @ cộng với nơi hẹn hò cùng với chữ “check-in”, đây là cách thường dùng trong “văn phong” của dân mạng cộng đồng. Sau đó, Dodgeball phát ra tin nhắn văn bản đến danh sách bạn bè của bạn với cùng nội dung (thường dùng dạng tin nhắn không giới hạn). Các tin nhắn vắn tắt khác gửi thông báo (ví dụ “shout-out” khi bạn muốn thông báo việc gì) hay bạn sẽ nhận được thông tin địa điểm chỗ hội họp từ dịch vụ bản đồ Google Maps. Điều hạn chế chính của Dodgeball là hiện chỉ phủ sóng trên 22 thành phố lớn của Mỹ. Hy vọng rằng Google (mới vừa mua lại Dodgeball) sẽ tiến hành mở rộng vùng phủ sóng dịch vụ này.

Dada.net (www.dada.net): Dù được thiết kế cho người dùng ĐTDĐ nhưng Dada.net đi theo một hướng hoàn toàn khác so với Dodgeball. Là một loại MySpace di động, Dada.net cho bạn tạo và tùy biến trang chủ cá nhân, và quan trọng hơn là cho bạn tải nhạc, video, hình ảnh và blog. Bạn có thể làm tất cả mọi việc kể trên bằng trình duyệt trên ĐTDĐ (hay từ PC).

Dịch vụ này cũng sinh lợi qua dịch vụ quảng cáo Google Ads. Bạn cũng có thể có được một phần lợi nhuận nếu bạn có tài khoản Google AdSense: càng có nhiều người xem profile của bạn và những mẩu quảng cáo trong đó thì bạn và Data.net càng kiếm được nhiều tiền. Chính vì thế, bạn sẽ nhận được nhiều yêu cầu kết bạn từ nhiều thành viên lạ; tuy nhiên cài đặt bảo mật của trang web cho bạn loại bỏ phần lớn những yêu cầu không mong đợi này.

Dada.net tự động tạo một profile “Love” riêng biệt dựa trên profile “Friendship” của bạn. Nhiều dịch vụ di động của Data.net đều miễn phí nhưng một vài dịch vụ khác bao gồm trò chuyện tình yêu, tải nhạc chuông ĐTDĐ và hình nền yêu cầu người dùng phải thuê bao dịch vụ với mức phí có thể lên đến 10 USD/tháng; nên bạn hãy thận trọng khi nhấn chuột.

Mạng cộng đồng chia sẻ nhạc, phim

eSnips giúp bạn tải tranh ảnh, thơ, video và những sáng tạo nghệ thuật khác của bạn rồi chia sẻ chúng với những người có cùng sở thích.

eSnips (www.esnips.com): Một số bạn bè thường đính kèm thơ, hay những đoạn văn theo định dạng Microsoft Word vào e-mail và hy vọng ai đó sẽ đọc. Không có gì lạ khi phần lớn người nhận đều xóa bỏ những tin nhắn loại này bởi vì e-mail không phải là cách chia sẻ tập tin thuận tiện. Những năm gần đây bùng nổ phong trào lưu trữ tập tin trực tuyến. eSnips không chỉ đơn thuần là lưu trữ mà kết hợp lưu trữ mạng với việc tạo ra các cộng đồng trực tuyến theo dạng phân loại nội dung như phong cách âm nhạc, hội họa, thơ ca, nhiếp ảnh, hoạt hình và hài hước. Sau khi bạn đã tải văn bản, âm thanh, hình ảnh, video hay các định dạng tập tin khác lên eSnips (có thể dùng thanh công cụ trình duyệt) thì bạn có thể chia sẻ tập tin đó với bất cứ ai hay chỉ với một nhóm nào đó được mời qua e-mail. Thậm chí, bạn còn có thể bán tác phẩm của mình qua eSnips Marketplace. eSnips giúp bạn tìm được người có cùng sở thích trong số hơn 4 triệu thuê bao của trang này bằng cách tạo ra một bảng phân tích thống kê nội dung bạn đã tải lên (gọi là “SocialDNA”) rồi kết hợp với SocialDNA của thành viên khác. Mỗi tài khoản được 5GB lưu trữ miễn phí, hiện không có lựa chọn để tăng lưu trữ.

Scribd (www.scribd.com): Dịch vụ này khác với đối thủ eSnips ở một điểm quan trọng: không giới hạn lưu trữ. Thật ra, thậm chí bạn cũng không cần phải đăng ký tài khoản để có thể tải tập tin mà chỉ cần chỉ đường dẫn vào tập tin đó rồi chọn mũi tên màu xanh lá cây lớn để nhấn tải lên. Chỉ khi bạn cần giữ những tập tin bạn tải lên thì mới cần phải đăng ký. Tuy nhiên sau khi đăng ký, bạn phải chỉ định những ai được quyền xem và xóa các tập tin của bạn. Hơn nữa, đăng nhập cho phép bạn quy định rõ ràng cho tập tin, thậm chí còn khiến người khác không thấy được cho đến khi bạn gửi e-mail mời, hay công bố cho tất cả mọi người cùng thấy.

Dùng kèm với công cụ tải tập tin dung lượng lớn của Scribd, dịch vụ này đóng vai trò như một công cụ sao lưu trực tuyến vô hạn tiện lợi hay như một dịch vụ thay thế cho tài khoản bị hạn chế của Flickr. Scribd sắp xếp tập tin bạn tải lên theo những nhóm chủ đề khác nhau (giống như eSnips) nhưng lại không đưa ra đề nghị tập tin mà bạn thích. Bạn có thể sẵn lòng từ bỏ chức năng này để đổi lấy bộ lưu trữ vô hạn.

Thuật ngữ Mạng cộng đồng?

Mỗi lĩnh vực riêng đều có những thuật ngữ riêng, và đối với dân cư mạng cũng vậy, có thể liệt kê những từ mới dưới đây chưa phải là tất cả, nhưng là những từ ngữ mà thế giới mạng cộng đồng thường dùng.

  • Add: (danh từ) là việc bạn kiếm thêm bạn bè mới bằng cách thêm (tên của) họ vào danh sách bạn bè của bạn. Thuật ngữ này hiện rất thông dụng trong giới mạng cộng đồng, ví dụ như “Ồ, cám ơn đã cho mình add”.
  • Block: (động từ) cài đặt lại thiết lập cho trang mạng cộng đồng của bạn để ngăn người khác liên lạc với bạn hay xem trang web cá nhân (profile) của bạn.
  • Check-in: (danh từ) trong giới mạng cộng đồng di động, đây là một tin nhắn điện tử thông báo cho nhóm biết bạn đã đến địa điểm họp mặt và sẵn sàng nhập tiệc.
  • Cyberbully: (động từ) tấn công, quấy rối hay châm chọc một thành viên cùng mạng bằng câu chữ hay video (được tải lên mạng) và các phương tiện điện tử khác.
  • Defriend: (động từ) hành động ngược lại với việc kiếm thêm bạn bè, có thể gọi là “trở mặt”. Việc này giống như bạn đối địch với người đó, không coi họ là bạn nữa.
  • Faceslam: (động từ) bỏ qua yêu cầu kết bạn (trên Facebook) của một thành viên bạn không quen và muốn “lờ” đi.
  • Facestalk: (động từ) dõi theo những profile và hình ảnh bạn bè trên Facebook mà họ đang hẹn hò, hoặc bạn đang có ý hẹn hò với họ.
  • Friend: (động từ) yêu cầu người nào đó thêm tên của bạn vào trong danh sách bạn bè của người đó. Thỉnh thoảng, điều này làm cho người khác khó xử.
  • MySpaceSuicide: (danh từ) hành động xóa bỏ vĩnh viễn một tài khoản trong MySpace.
  • Nudge: (động từ) trong Twitter, bạn gửi tin nhắn cho bạn bè mà bạn hay theo dõi để thông báo cho họ là họ ít đăng bài quá.
  • Poke: (danh từ) trong Facebook, từ này chỉ cho người khác biết bạn đang xem (và có thể sẽ thường xuyên vào xem) profile của họ.
  • RL: (danh từ) viết tắt của Real Life (cuộc sống thực), chỉ thế giới “bằng xương bằng thịt” và những cuộc gặp mặt ngoài đời.
  • Slurping: (danh từ) khả năng (của phần lớn các mạng cộng đồng) tìm bạn bè trong địa chỉ liên lạc của tài khoản e-mail của bạn xem ai đang là thành viên của mạng cộng đồng mà bạn đang sử dụng không. Hãy coi chừng những trang mạng “tham lam” luôn gửi thư rác mời gia nhập thành viên đến cho tất cả các liên lạc.
  • Twitterhea: (danh từ) tình trạng có quá nhiều tin trên Twitter. Xem bảng chú giải thuật ngữ của Twitter Fan Wiki để biết thêm các thuật ngữ trong Twitter.
Thứ Ba, 18/04/2017 14:35
31 👨 359
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản