Màn hình LCD: Hàng "nghĩa địa" lắm rủi ro

Chỉ cần bỏ ra hơn 100 USD và chấp nhận xài đồ cũ, bạn có thể có được một màn hình LCD hàng hiệu cho bộ vi tính của mình. Tuy nhiên, bạn phải cân nhắc NÊN HAY KHÔNG NÊN thật kỹ trước khi mua, để khỏi phải rước của nợ về nhà.

Màn hình LCD cũ. Ảnh: SGTT

Hầu hết các loại màn hình đã qua sử dụng đang được tiêu thụ tại Việt Nam đều là hàng của các hãng lớn như Dell, IBM, HP... Nguồn cung cấp chính từ hai nơi, ở Mỹ với loại màn hình dùng điện thế Autovolt và từ Nhật nếu đó là loại màn hình dùng điện 110V. Theo kinh nghiệm từ những sản phẩm vi tính, sản phẩm điện tử khác cũng như từ khẳng định của những người rành về linh kiện máy tính thì các sản phẩm vi tính nói chung có nguồn gốc từ các nước nói trên là những sản phẩm được cân chỉnh chuẩn, chất lượng ổn định.

Giá của các loại màn hình cũ chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba so với các màn hình LCD mới cùng kích thước của các hãng Hàn Quốc đang bày bán tại Việt Nam. Chỉ cần bỏ ra khoảng 120 đến 150 USD là đã có được một chiếc màn hình LCD 15inch gần như mới.

Theo ông Trịnh Tiến Dũng, bộ phận kỹ thuật của công ty Compuland, một đơn vị trước đây chuyên kinh doanh màn hình LCD cũ thì so với các loại máy móc dùng rồi khác, màn hình LCD đã qua sử dụng sản phẩm ít bị can thiệp bởi người bán nhất. Khi lấy hàng từ nhà nhập khẩu về bán, người bán lẻ phải thử từng chiếc chứ không thể mua bao nguyên lô như màn hình CRT hoặc như các thiết bị điện tử khác. Lý do đơn giản là với màn hình LCD cũ hiện tại, chiếc nào hư là bỏ luôn vì không có nhiều nơi chuyên sửa. Hoạ hoằn lắm mới có thể gom linh kiện từ vài ba cái có hư hỏng khác nhau để ráp lại được một cái.

Không nên

Hầu hết các màn hình LCD dùng rồi đều chỉ được người bán bảo hành có 1 tháng. Vì chưa có nhiều nơi chuyên sửa, nên người mua gặp khó khăn khi có sự cố. Trong trường hợp sửa được thì giá thay linh kiện có khi bằng, thậm chí cao hơn giá của cả một chiếc màn hình. Do vậy, trong thời gian bảo hành, nếu sản phẩm bị hỏng thì người bán chấp nhận đổi nguyên chiếc màn hình mới. Còn hết bảo hành thì người mua chấp nhận "quăng" nguyên thiết bị.

Hầu hết các màn hình LCD đã qua sử dụng hiện đều đã có thời gian sử dụng khá dài, do vậy tuổi thọ của chúng còn lại không nhiều. Theo giới chuyên môn thì khó có chiếc nào có thể sử dụng được thêm hơn một hai năm nữa. Bên cạnh đó, đây là những màn hình được sản xuất cách đây một vài năm nên chưa có những cải tiến về công nghệ để khắc phục các khuyết điểm. Do vậy những màn hình này thường có góc nhìn khá hẹp, chỉ cần ngồi lệch một chút là khó thấy rõ. Bên cạnh đó, màn hình của các LCD này thường dễ bị các lỗi về màu sắc, bị các điểm chết tạo thành những điểm đen, điểm trắng, thậm chí có khi xuất hiện từng cụm vệt trên màn hình làm chất lượng hình ảnh bị giảm.

Một yếu tố quan trọng của màn hình LCD là thời gian đáp ứng. Hiện tại, đã có một số màn hình LCD có thời gian đáp ứng lên tới 2miligiây thì với nhiều loại màn hình LCD đời cũ, thời gian đáp ứng trung bình chỉ mới đạt 14miligiây. Do thời gian đáp ứng chậm, khi hiển thị những hình chuyển động nhanh như xem phim, chơi game hình dễ bị giật. Ngoài ra độ tương phản, độ sáng của các loại màn hình LCD đời cũ cũng không bằng các thế hệ mới sau này.

Cách mua

Trong trường hợp chọn mua màn hình LCD cũ, hãy chú ý một số điều sau:

Nên coi date (ngày sản xuất) phía sau màn hình để chọn loại có thời gian sản xuất gần nhất nhằm chọn được loại có tuổi thọ màn hình còn dài.

Theo lời khuyên của những kỹ thuật viên máy tính, khi mua nên chọn sản phẩm đang chạy demo (chạy thử) để trưng bày, vì người bán luôn chọn những sản phẩm có hiển thị hình ảnh đẹp để mở cho khách xem.

Đối với chất lượng màn hình, có thể mang theo một phần mềm xác định các điểm chết trên màn hình, gọi là phần mềm Deal fixel Locator (Phần mềm miễn phí, có thể vào trang http://www.astris.com để tải về) để thử. Với phần mềm này, bạn có thể đặt màn hình ở các chế độ toàn đen, toàn trắng hoặc bất kỳ màu nào để xem các ô lưới phát sáng của màn hình có bị lỗi nhiều hay không.

Vĩnh Phương

Chủ Nhật, 14/05/2006 06:33
21 👨 1.171
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản