Tại sao nên gỡ cài đặt phần mềm diệt virus trên thiết bị Android

Phần mềm độc hại Android là một mối đe dọa tiềm tàng. Nếu bất kỳ biến thể nguy hiểm nào tìm thấy đường vào điện thoại thông minh của bạn, chúng có thể gây ra thiệt hại lớn. Phần mềm độc hại có thể lấy cắp thông tin cá nhân, cung cấp cho bạn một lượng quảng cáo khó chịu và tiêu tốn nhiều tài nguyên của điện thoại thông minh.

Cách ngăn chặn phần mềm độc hại Android phổ biến nhất là sử dụng một ứng dụng diệt virus. Nhưng các ứng dụng diệt virus có thực sự cần thiết? Chúng có bảo vệ thiết bị Android của bạn khỏi phần mềm độc hại không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây của Quantrimang.com.

Cách hầu hết các ứng dụng diệt virus Android hoạt động

Hầu hết các ứng dụng diệt virus Android không thực sự quét thiết bị để tìm phần mềm độc hại
Hầu hết các ứng dụng diệt virus Android không thực sự quét thiết bị để tìm phần mềm độc hại

Để biết liệu bạn có cần một ứng dụng diệt virus hay không, điều quan trọng là phải hiểu cách hoạt động của hầu hết các ứng dụng diệt virus. Đáng ngạc nhiên, mọi thứ không phức tạp như bạn nghĩ.

Trong một báo cáo năm 2019 của AV comparatives, công ty nghiên cứu bảo mật này đã điều tra chi tiết về một số ứng dụng diệt virus Android phổ biến nhất. Kết luận là giống như điều mà rất nhiều chuyên gia bảo mật đã nghi ngờ - một số lượng lớn ứng dụng diệt virus phổ biến cho Android hoàn toàn không làm gì để quét các ứng dụng và tìm hành vi độc hại.

Phần lớn các ứng dụng diệt virus chỉ cần sử dụng danh sách trắng (whitelist) để so sánh với các ứng dụng bạn đã cài đặt trên điện thoại thông minh của mình. Mọi ứng dụng không phải từ một nhà cung cấp trong danh sách trắng sẽ bị gắn cờ là có khả năng độc hại.

Những công cụ khác sử dụng danh sách đen (blacklist). Chúng quét điện thoại để xem liệu bạn có cài đặt bất kỳ ứng dụng nào trong danh sách này hay không. Sau khi tìm thấy bất kỳ phần mềm nào, chúng sẽ được gắn cờ đề xuất gỡ cài đặt.

Mặc dù điều này nghe có vẻ hữu ích, nhưng từ quan điểm thực tế, nó cung cấp rất ít hoặc không có khả năng bảo vệ. Danh sách mà hầu hết các ứng dụng được gọi là diệt virus này sử dụng để quét điện thoại thông minh thường không đủ tốt. Vì các ứng dụng độc hại mới liên tục mọc lên, danh sách các ứng dụng độc hại được tổng hợp trước đó không phải là giải pháp hiệu quả.

Theo báo cáo của Statista từ tháng 3 năm 2020, khoảng 482.579 mẫu phần mềm độc hại Android đã được đưa lên Internet mỗi tháng. Vậy con số trung bình là 16.000 phần mềm độc hại mỗi ngày - một con số quá phi thực tế để theo dõi.

Đây là lý do tại sao ngay cả khi các nhà cung cấp ứng dụng diệt virus này cập nhật danh sách, nó vẫn không đủ toàn diện. Theo các số liệu thống kê, có thể có hàng nghìn ứng dụng độc hại chưa được phát hiện vào bất kỳ thời điểm nào.

Các ứng dụng này có thể tàn phá điện thoại của bạn, trong khi phần mềm diệt virus không hề hay biết. Cuối cùng, chúng mang lại cho bạn cảm giác an toàn giả, gây mất cảnh giác.

Ứng dụng diệt virus có thể gây hại cho điện thoại thông minh Android

Ứng dụng diệt virus có thể gây hại cho điện thoại thông minh Android
Ứng dụng diệt virus có thể gây hại cho điện thoại thông minh Android

Nếu bạn đã cài đặt ứng dụng diệt virus trên điện thoại thông minh Android của mình, cảm giác an toàn không chính xác có thể là điều bạn ít phải lo lắng nhất. Hầu hết các ứng dụng diệt virus sẽ chỉ nằm trên điện thoại của bạn, không làm gì khác ngoài việc ngốn hết tài nguyên của điện thoại và tác động tiêu cực đến hiệu suất thiết bị theo nhiều cách.

Do việc sử dụng các hoạt ảnh lạ mắt, chạy trong nền và triển khai các thành phần thời gian thực, những ứng dụng diệt virus có thể làm hao pin của thiết bị. Tất nhiên, vì phải liên tục chạy nên chúng cũng sẽ liên tục cạnh tranh RAM với các ứng dụng đang chạy khác.

Tùy thuộc vào ứng dụng diệt virus bạn sử dụng, lượng tài nguyên bị tiêu tốn có thể tăng theo cấp số nhân, thậm chí đủ để làm chậm điện thoại.

Tiếp đến là tình trạng cảnh báo không chính xác. Nhiều ứng dụng chống phần mềm độc hại đôi khi gắn cờ các ứng dụng hợp pháp là phần mềm độc hại. Một số công cụ thậm chí còn thực hiện hành động trên các ứng dụng được cho là độc hại này để "bảo vệ người dùng".

Nếu tải xuống các ứng dụng diệt virus phổ biến do những nhà cung cấp kém uy tín tạo ra, bạn có thể trao cho phần mềm độc hại chìa khóa để mở cánh cửa tấn công. Phần mềm độc hại được ngụy trang dưới dạng phần mềm diệt virus thường là một trong những loại phần mềm độc hại nguy hiểm nhất. Bạn có thể trở thành con mồi béo bở, do đã cấp cho nó tất cả các quyền và đặc quyền admin.

Điều này cho phép chúng bỏ qua yêu cầu người dùng nhấp vào OK, do đó, ứng dụng diệt virus giả mạo liên tục chạy trong nền, thực hiện các hành động độc hại và thậm chí phân phối quảng cáo. Thay vì thực hiện công việc của mình, một số ứng dụng diệt virus trên thị trường lại gây hại cho thiết bị.

Các nhà cung cấp phần mềm diệt virus Android thường thổi phồng sự thật về phần mềm độc hại

Theo Statista, cho đến nay Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới. Với 73% thị phần, thậm chí cả iOS của Apple cũng bị lép vế. Việc trở thành nền tảng điện toán di động phổ biến nhất cũng có cái giá nhất định. Tháng nào cũng có một số tin tức về việc phần mềm độc hại Android chắc chắn sẽ phá hủy điện thoại thông minh của bạn.

Mặc dù hầu hết các báo cáo này đều dựa trên sự thật, nhưng chúng lại nhấn mạnh quá mức đến nguy cơ thực sự của việc nhiễm phần mềm độc hại. Các nhà cung cấp ứng dụng diệt virus thường phóng đại tin tức này, khiến việc nhiễm phần mềm độc hại có vẻ giống như đại dịch.

Trên thực tế, mặc dù phần mềm độc hại Android vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng, nhưng miễn là cài đặt bảo mật của bạn được cập nhật, khả năng bị nhiễm phần mềm độc hại thường thấp hơn bạn nghĩ. Nếu bạn đang làm đúng, các biện pháp bảo mật của Android sẽ vô hiệu hóa nhu cầu sử dụng ứng dụng chống phần mềm độc hại của bên thứ ba.

Hệ điều hành Android đã trải qua một chặng đường phát triển dài kể từ những ngày đầu dễ bị tấn công. Mặc dù vẫn là mục tiêu ưa thích của các ứng dụng độc hại, nhưng về bản chất, Android đủ khả năng để giúp bạn an toàn trước phần lớn các ứng dụng độc hại.

Các tính năng chống phần mềm độc hại sẵn có của Android

Android có sẵn các tính năng chống phần mềm độc hại
Android có sẵn các tính năng chống phần mềm độc hại

Một trong những rủi ro về phần mềm độc hại đáng kể nhất đối với điện thoại thông minh Android là việc người dùng đang loay hoay với các quy tắc bảo mật mặc định trên thiết bị của mình. Khá nhiều người dùng Android thay đổi cài đặt bảo mật, vô tình tạo khoảng trống cho các ứng dụng độc hại xâm nhập.

Đa số phần mềm độc hại trên Android xâm nhập vào điện thoại thông minh thông qua các ứng dụng đáng ngờ. Mặc dù một số ứng dụng trong số này đôi khi bị lén đưa vào Play Store trước khi kiểm tra, nhưng Google có một hệ thống mạnh mẽ để xác định và loại bỏ những loại ứng dụng này.

Theo mặc định, Android không cho phép người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn khác. Nếu chỉ cài đặt ứng dụng từ Play Store, bạn đã có một lớp bảo mật mạnh mẽ chống lại phần mềm độc hại.

Thật không may, nhiều người chọn cài đặt ứng dụng từ các nguồn khác. Công bằng mà nói, có rất nhiều lý do chính đáng mà bạn có thể muốn cài đặt ứng dụng từ những nguồn khác. Tuy nhiên, chỉ gắn bó với các ứng dụng trên Play Store sẽ giúp bạn hưởng lợi từ hoạt động kiểm tra bảo mật mạnh mẽ của Google đối với các ứng dụng.

Phần mềm độc hại có sức tàn phá lớn không thể tồn tại lâu trên Google Play Store. Google thường xuyên quét các ứng dụng để tìm phần mềm độc hại bất cứ khi nào chúng được upload. Ngoài ra còn có một quy trình đánh giá nghiêm ngặt do con người thực hiện để xem xét kỹ lưỡng bất kỳ ứng dụng nào có vẻ có vấn đề.

Đôi khi, bạn có thể nghe nói về một số phần mềm trong Play Store đang thu thập thông tin của người dùng hoặc tràn ngập quảng cáo. Google có các công cụ tinh vi để phát hiện và đối phó với những mối đe dọa này một cách nhanh chóng.

Lý tưởng nhất là một ứng dụng chống phần mềm độc hại hiệu quả có thể quét điện thoại để tìm hành vi độc hại, tăng tốc độ điện thoại, cải thiện các biện pháp bảo mật và bảo vệ dữ liệu. Phần lớn những gì đang được rao bán dưới dạng các ứng dụng chống phần mềm độc hại không làm được điều này. Mặt khác, hệ điều hành Android, được hỗ trợ bởi các công cụ bảo mật như Play Protect, vượt trội về mặt này.

Hãy để Play Protect giữ an toàn cho bạn!

Hãy để Play Protect giữ an toàn cho bạn!
Hãy để Play Protect giữ an toàn cho bạn!

Play Protect được xây dựng để chống lại phần mềm độc hại mới nhất một cách hiệu quả, bằng cách sử dụng các thuật toán phức tạp có thể học hỏi và thích ứng với những mối đe dọa mới. Nhờ quyền truy cập đang sở hữu, Play Protect có thể đi sâu vào điện thoại thông minh của bạn để phát hiện hành vi độc hại và thực hiện các hành động cần thiết.

Các ứng dụng độc hại thậm chí sẽ bị gỡ cài đặt khỏi thiết bị của bạn mà không cần bạn cho phép một cách rõ ràng.

Đó chưa phải là tất cả! Play Protect của Google còn có thể giám sát các kết nối mạng và những URL bạn tải xuống, sau đó đưa ra cảnh báo bất cứ khi nào trang web hoặc đường truyền mạng không an toàn.

Không có ứng dụng chống phần mềm độc hại Android của bên thứ ba nào có nhiều quyền truy cập và tài nguyên như Play Protect. Theo công ty nghiên cứu bảo mật kỹ thuật số XYPRO, Play Protect của Google có lẽ là ứng dụng "quét hành vi độc hại" hiệu quả nhất hiện có trên Android.

Bạn có cần phần mềm diệt virus không?

Câu hỏi lớn là: Nếu hệ điều hành Android có hầu hết những gì cần thiết để bảo vệ điện thoại thông minh của bạn, thì liệu có đáng để mạo hiểm đánh đổi bảo mật thiết bị để lấy những thứ mà các nhà cung cấp phần mềm chống phần mềm độc hại bên thứ ba hứa hẹn không?

Mặc dù thực sự có một số ứng dụng chống phần mềm độc hại chất lượng trên thị trường từ các công ty có uy tín, nhưng hệ điều hành Android được trang bị hầu hết những gì bạn cần để giữ an toàn. Nếu bạn có ứng dụng diệt virus Android trên thiết bị ngay bây giờ, hãy xóa chúng nếu bạn nghi ngờ.

Chủ Nhật, 31/10/2021 09:31
3,812 👨 10.903
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phát Châu Hồng
    Phát Châu Hồng

    Tôi xóa ngay và luôn

    Thích Phản hồi 10/02/23
    ❖ Bảo mật & Diệt Virus