Lợi ích không ngờ của những con tàu đắm với hệ sinh thái biển

Khi các hệ sinh thái rạn san hô tự nhiên ở nhiều đại dương trên toàn thế giới đang tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và phần nào là sự khai thác của con người, các loài động vật sinh sống và săn mồi ở các rạn san hô buộc phải tìm kiếm môi trường sống khác để tiếp tục sinh tồn.

May thay, đôi khi chính những “phế thải” từ nền văn minh của con người lại mang đến lợi ích bất ngờ cho hệ sinh thái biển. Đó chính là trường hợp của các rạn san hô nhân tạo - bất kỳ các chất hay vật liệu nào được con người thả xuống đáy biển làm thay đổi địa hình, môi trường… theo hướng thuận lợi cho các loại động vật thủy sinh cư trú, phát triển - mà điển hình nhất chính là những con tàu đắm nhưng không được trục vớt và vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.

Sau nhiều năm, chính những con tàu này đã trở thành nơi cư trú lý tưởng của các loài động vật thủy sinh như ấu trùng và sinh vật biển trưởng thành. Đồng thời cũng là điểm tập trung, nơi kiếm ăn và bãi đẻ của nhiều loài hải sản, đóng vai trò đẩy mạnh việc phục hồi các rạn san hô tự nhiên và sự đa dạng cho nhiều nhóm sinh vật khác.

Những con tàu đắm trở thành nơi cư trú tuyệt vời cho nhiều loài thủy sinh
Những con tàu đắm trở thành nơi cư trú tuyệt vời cho nhiều loài thủy sinh

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khu vực những con tàu đắm chính là nơi tập trung ưa thích của vô số loài động vật săn mồi dưới đáy biển. Các nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng mật độ động vật săn mồi ở các rạn san hô nhân tạo nói chung nhiều hơn gấp 5 lần so với những rạn san hô tự nhiên gần đó.

Về kết cấu, các loại rạn có cấu trúc phức tạp và đồ sộ có khả năng thu hút được nhiều loài sinh vật biển đến sinh sống; ngược lại, các loại rạn có kết cấu đơn điệu, độ che phủ nhỏ sẽ ít hấp dẫn các loài thủy sinh. Đáng chú ý, nhiều loài sinh vật biệt, đặc biệt là loài săn mồi, rất thích những con tàu có chiều cao từ 4 đến 10 mét. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở một số khu vực, những con tàu đắm là nơi tập chung của các loài săn mồi với mật độ lớn hơn 11 lần so với những rạn san hô tự nhiên hoặc rạn san hô nhân tạo có bề mặt thấp hơn.

Các rạn san hô nhân tạo bắt nguồn từ tàu đắm tạo ra cấu trúc rạn san hô cao, thoáng, vô tình trở thành nơi sinh sống lý tưởng có vô số loài thủy sinh và do đó cũng trở thành địa điểm lui tới thường xuyên của nhiều loài săn mồi, trong đó có cả những loài lớn như cá mập, cá thu và cá chẽm...

Để đi tới kết luận này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện 108 chuyến khảo sát dọc theo những rạn san hô nhân tạo và 127 chuyến kiểm tra đối với những rạn san hô tự nhiên với mật độ bốn lần mỗi năm để theo dõi các thông tin như sự thay đổi theo mùa trong quần thể cá và các loại loài quan sát được.

Họ phát hiện ra rằng các rạn nhân tạo cao, với cấu trúc phức tạp như xác tàu đắm, thu hút nhiều động vật săn mồi hơn vì kích thước lớn của các rạn này chúng giúp chúng dễ dàng nhìn thấy từ xa hơn. Ngoài ra khi những kẻ săn mồi tiến đến các rạn san hô nhân tạo, cấu trúc cao, thoáng của những con tàu đắm sẽ giúp việc săn mồi trở nên dễ dàng hơn.

Toa tàu cũ được đẩy xuống biển làm rạn san hô nhân tạo
Toa tàu cũ được đẩy xuống biển làm rạn san hô nhân tạo

Bên cạnh đó, các rạn san hô nhân tạo làm từ xác tàu đắm (hoặc có cấu trúc tương tự) có thể được đặt gần các rạn san hô tự nhiên bị suy thoái và dọc theo các tuyến đường di cư giữa những rạn san hô đó để “đóng vai trò như những khu vực “tái định cư” tuyệt vời cho các loài thủy sinh trong trường hợp biến đổi khí hậu hoặc những thay đổi khác khiến môi trường sống tự nhiên của chúng bị hủy hoại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng rạn nhân tạo bằng bê tông đạt kết quả cao nhất, không tác động tiêu cực lên môi trường sống, độ bền cao, dễ xây dựng và lắp đặt theo nhiều dạng hình thể, kích thước và khối lượng theo mong muốn cũng như có khả năng thu hút các các loài thủy sinh cao.

Việc tạo ra những rạn san hô nhân tạo hoàn toàn có thể mang lại lợi ích lớn không chỉ cho môi trường tự nhiên, mà còn đối với các nền kinh tế ven biển.

Thứ Hai, 30/11/2020 22:26
31 👨 293
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Đại dương học