Xây dựng liên minh bảo vệ Trái đất khỏi mối đe dọa từ không gian

Đối với hầu hết chúng ta, ý tưởng về một sáng kiến ​​bảo vệ hành tinh trước thảm họa diệt vong có thể gây ra bởi hiện tượng thiên thạch va vào Trái đất điều dường như chỉ diễn ra trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Điều này không hoàn toàn sai bởi hiện tại, có nhiều mối đe dọa khác đáng lo ngại hơn xuất trên ngay dưới mặt đất thay vì sự va chạm tiềm tàng của những tảng đá khổng lồ ngoài không gian. Tuy nhiên dù gì đi nữa, đây vẫn là một rủi ro tiềm ẩn, và việc ngăn chặn nó từ sớm là điều mà các nghiên cứu thiên văn đến từ NASA, ESA, cũng như nhiều cơ quan hàng không vũ trụ khác trên toàn thế giới đang đặc biệt quan tâm.

Trong vài năm tới, một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học đến từ tổ chức Đánh giá Tác động và Độ lệch của Tiểu hành tinh (Asteroid Impact and Deflection Assessment - AIDA) sẽ tiến hành đánh giá chi tiết về chủ đề này. Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ không gian tiên phong để xác định xem liệu trình độ khoa học công nghệ hiện nay có thực sự mang đến cho nhân loại khả năng dịch chuyển một tiểu hành tinh khi nó hướng đến trái đất với tốc độ cực lớn hay không.

Thiên thạch từ không gian luôn là mối đe dọa tiềm tàng với Trái đất
Thiên thạch từ không gian luôn là mối đe dọa tiềm tàng với Trái đất

Nhìn chung, xây dự hệ thống phòng thủ hành tinh trước tác động từ không gian về bản chất là một vấn đề toàn cầu, vì vậy việc giám sát các tiểu hành tinh có nguy cơ cao va chạm với Trái đất phải được thực hiện trong bối cảnh hợp tác quốc tế là điều đương nhiên. Để khởi động chương trình, trong năm 2021, NASA sẽ bắt tay triển khai một sứ mệnh gọi là DART (Double Asteroid Redirection Test) với mục tiêu là để tên lửa không người lái lao trực tiếp vào một tiểu hành tinh ở vận tốc 13.320 dặm một giờ. Do khoảng cách mà tàu vũ trụ phải di chuyển tương đối xa, vụ va chạm này dự kiến sẽ chỉ diễn ra vào năm 2022.

Sau đó vào năm 2024, ESA sẽ khởi động sứ mệnh Hera tiếp theo của mình, dự kiến đến năm 2026 sẽ tiếp cận một tiểu hành tinh và thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau để đo lường mức độ thành công của DART. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì vào cuối thập kỷ này, thế giới sẽ có một số ý tưởng về mức độ cũng như phương pháp có thể được sử dụng để thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm tàng. Tại thời điểm đó, công việc sẽ bắt đầu trên một giải pháp lâu dài hơn.

Hợp tác quốc tế - yếu tố then chốt

Thế giới đã từng chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai siêu cường Liên Xô - Hoa Kỳ ở lĩnh vực chinh phục không gian trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Điều này dẫn đến những bước phát triển vượt bậc nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Hiện tại, ý tưởng về không gian như một thiên đường cạnh tranh vẫn tồn tại, với sự trỗi dậy trong vài năm trở lại đây của các công ty vũ trụ tư nhân như SpaceX, Blue Origin, và cơn sốt tìm kiếm tài nguyên không gian ngày càng tăng. Về phần mình, AIDA hướng đến sự hợp tác.

Sứ mệnh DART sẽ có sự tham gia của số lượng chưa từng có các cơ quan hàng không vũ trụ quốc tế. Bên cạnh NASA và ESA giữ vai trò chủ chốt, sẽ có sự góp mặt của Cơ quan Vũ trụ Ý, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản, cũng như các viện nghiên cứu thiên văn độc lập đến từ Bồ Đào Nha, Romania, Latvia, Phần Lan và Cộng hòa Séc. Mỗi bên đảm nhiệm từng khía cạnh cụ thể trong toàn bộ quá trình.

Hợp tác quốc tế sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề chung của nhân loại
Hợp tác quốc tế sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề chung của nhân loại

Bất kỳ phát hiện nào thu thập được từ các dự án như DART và HERA cuối cùng cũng sẽ giúp tạo thành nền tảng của một hệ thống phòng thủ trên quy mô toàn cầu trong tương lai - sự hợp tác trên tinh thần quốc tế vì một mục tiêu chung: Bảo vệ cuộc sống của loài người. Các dự án như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã cho thấy những thành tựu lớn lao có thể đạt được khi các cơ quan vũ trụ trên toàn thế giới cùng nau hợp tác với danh nghĩa khoa học. Giờ đây, việc bắt tay bảo vệ Trái đất trước mối đe dọa tiềm tàng từ thiên thạch có thể sẽ là câu chuyện mang tính thời đại tiếp theo.

Thứ Hai, 30/11/2020 23:22
32 👨 262
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ