Lịch sử ‘công nghệ bỏ phiếu’ của nước Mỹ qua từng thời kỳ: Từ lời nói đến màn hình cảm ứng

Có thể nói hoạt động bỏ phiếu là một trong những yếu tố chính tạo nên nền dân chủ Hoa Kỳ đã và đang tồn tại qua hàng trăm năm. Tuy nhiên, hiến pháp của quốc gia này trên thực tế lại không hề quy định chính xác cách thức người dân phải bỏ phiếu như thế nào trong các cuộc bầu cử. Điều 1, khoản 4 chỉ đơn giản nói rằng các tiểu bang sẽ căn cứ vào điều luật và tình hình thực tế để tự xác định “Thời gian, Địa điểm và Cách thức tổ chức Bầu cử”.

Trong hơn 200 năm qua, cơ chế bỏ phiếu của Hoa Kỳ đã trải qua nhiều cột mốc phát triển đáng chú ý, từ “bỏ phiếu bằng giọng nói” tại các địa điểm ngoài trời đến thao tác trên màn hình cảm ứng kỹ thuật số tại các địa điểm bầu cử trong nhà.

Vậy có gì đặc biệt trong “công nghệ bỏ phiếu” của người dân Mỹ qua từng thời kỳ? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.

Bỏ phiếu bằng lời nói

Trong 50 năm đầu tiên hoạt động bầu cử được tổ chức tại Hoa Kỳ, hầu hết các cuộc bỏ phiếu đều không được thực hiện theo cách đảm bảo tối đa sự riêng tư như hiện nay, và cử tri thậm chí còn không đưa ra lựa chọn của họ trên lá phiếu bằng giấy. Thay vào đó, những người có quyền bầu cử (chỉ đàn ông da trắng vào thời điểm đó) sẽ đến tòa án địa phương và tiến hành bỏ phiếu công khai bằng cách đọc tên ứng cử viên mà họ chọn.

Được gọi là “viva voce”, hình thức bỏ phiếu công khai bằng lời nói này là phương thức phổ biến được áp dụng ở hầu hết các bang tại xứ cờ hoa cho đến đầu thế kỷ 19, cá biệt vùng Kentucky thậm chí còn duy trì hình thức bỏ phiếu này cho đến cuối năm 1891. Khi cử tri đến tòa án, thẩm phán sẽ yêu cầu họ đặt tay trên một cuốn Kinh thánh và tự giới thiệu về bản thân. Sau đó, cử tri sẽ nói to, rõ ràng họ tên đầy đủ của ứng cử viên mà anh ta muốn bầu để thư ký ghi danh.

Một địa điểm bỏ phiếu ngoài trời tại Mỹ vào thế kỷ 18
Một địa điểm bỏ phiếu ngoài trời tại Mỹ vào thế kỷ 18

Các chiến dịch vận động của các ứng cử viên sẽ được phép diễn ra ngay tại địa điểm bỏ phiếu. Thường sẽ là bầu không khí lễ hội lan tỏa tại khắp các địa điểm bỏ phiếu ngoài trời, nơi các cử tri thoải mái ca hát và thậm chí say sỉn sau khi đã thực hiện quyền lợi công dân của mình. Đây có thể là lý do giải thích tại sao các cuộc bầu cử trong thời đại bỏ phiếu lời giọng nói tại Mỹ lại thu hút tỷ lệ cử tri đi bầu cao “khó tin”, lên tới 85%.

Những lá phiếu giấy đầu tiên

Hình thức bầu cử thông qua những lá phiếu bằng giấy bắt  đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên những tờ phiếu này lại không được tiêu chuẩn hóa hoặc thậm chí không được in bởi cơ quan phụ trách bầu cử quốc gia. Ban đầu, lá phiếu giấy chỉ là những mảnh giấy vụn mà trên đó, tên của các ứng cử viên được viết nguệch ngoạc trước khi bỏ vào thùng phiếu. Một vài tòa soạn lúc bấy giờ lại đưa ra phương thức “văn minh” hơn, đó là in những lá phiếu trống với tiêu đề rõ ràng trên chính tờ báo để độc giả có thể xé ra và điền tên các ứng cử viên mà họ chọn.

Đến giữa thế kỷ 19, các quan chức đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ của các bang bắt đầu có kế hoạch phân phát tờ phiếu mẫu in sẵn cho các cử tri, trong đó liệt kê các ứng cử viên của đảng mình và chức vụ chức vụ cụ thể của những ứng cử viên đó trong đảng. Chúng được gọi là "vé" của Đảng Cộng hòa và Dân chủ vì có chữ nhật nhỏ bằng giấy giống như vé tàu vào thế kỷ 19. Các cử tri có thể sử dụng tấm vé in sẵn làm lá phiếu thực tế của họ một cách hoàn toàn hợp pháp.

Lá phiếu kiểu Úc

Những cuộc bỏ phiếu bằng giấy in được phát bởi chính các đảng phái chính trị nửa sau của thế kỷ 19 thường xuyên bị cáo buộc có gian lận. Các cử tri trên toàn quốc kêu gọi cải cách bầu cử và giải pháp được chọn đến từ một quốc gia cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất: Úc - đất nước đi tiên phong đối với hình thức bầu cử bằng những lá phiếu được chính phủ tiêu chuẩn hóa và in đại trà, bắt đầu từ năm 1858.

“Lá phiếu kiểu Úc” này sẽ in tên của tất cả các ứng cử viên và chỉ được trao cho cử tri tại chính phòng bỏ phiếu. New York và Massachusetts là hai bang đầu tiên chấp thuận lá phiếu kiểu mới này vào năm 1888.

Máy bỏ phiếu đầu tiên xuất hiện

Vào cuối thế kỷ 19, Jacob H. Myers đã phát minh ra chiếc máy bỏ phiếu đầu tiên với tên gọi “Automatic Booth” - một kỳ công kỹ thuật (phức tạp cả những chiếc ô tô thời bấy giờ) mà sau đó đã thống trị các cuộc bầu cử ở Mỹ từ năm 1910 đến năm 1980.

Những chiếc máy bỏ phiếu ban đầu này vô cùng cồng kềnh. Chúng nặng tới hàng trăm kg và có giá trị hàng nghìn đô la. Những chiếc Automatic Booth thường được lắp đặt cố định ở góc của tòa thị chính địa phương từ năm này qua năm khác chứ không chỉ trong thời gian diễn ra bầu cử.

Máy bỏ phiếu những năm 50 thế kỷ 19
Máy bỏ phiếu những năm 50 thế kỷ 19

Tuy cồng kềnh là thế nhưng chiếc máy bỏ phiếu này khá dễ sử dụng. Sẽ có một thanh đòn bẩy nhỏ đặt cạnh tên của mỗi ứng cử viên, Nếu muốn chọn ai, cử tri chỉ cần dùng tay kéo đòn bẩy tương ứng của người đó xuống, tương tự như đóng cầu giao điện.

Bỏ phiếu bằng thẻ đục lỗ

Hệ thống bỏ phiếu bằng thẻ đục lỗ đầu tiên ra đời vào những năm 1960, khi các công ty như IBM bắt đầu sản xuất những chiếc thẻ đục lỗ có thể được đếm bằng máy, và thống kê kết quả lập tức vào đêm bầu cử - điều mà nhiều người cho là đương nhiên hiện nay.

Nhưng hệ thống lá phiếu kiểu này cũng có những hạn chế nhất định, điển hình là bê bối trong trong cuộc cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 tại Florida, khiến toàn bộ số phiếu của tiếu bang nắm giữ 29 phiếu đại cử tri này buộc phải được đếm lại hoàn toàn thủ công.

Bỏ phiếu bằng màn hình ảm ứng

Sau “thảm họa” ở Florida, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Bỏ phiếu Help America năm 2002. Đạo luật này quy định các tiêu chuẩn cao hơn cần được áp dụng đối thiết bị bỏ phiếu sử dụng trong các cuộc bầu cử liên bang.

Công nghệ màn hình cảm ứng khi đó còn khá mới mẻ và được coi là tương lai của các cuộc bỏ phiếu. Vào đầu những năm 2000, đã có một làn sóng lớn áp dụng máy bỏ phiếu màn hình cảm ứng trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Máy bỏ phiếu có màn hình ảm ứng
Máy bỏ phiếu có màn hình ảm ứng

Các bang và thành phố trên toàn quốc sau đó đã chi hàng triệu đô la để nâng cấp thiết bị bỏ phiếu của mình, nhưng không phải tất cả các máy bỏ phiếu bằng màn hình cảm ứng mới đều được tạo ra như nhau, và trục trặc phần mềm đã dẫn đến một số sự cố nghiêm trọng trong lá phiếu cử tri. Đỉnh điểm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi các hệ thống máy bỏ phiếu điện tử ở 21 bang được cho là đã trở thành mục tiêu tấn công của hacker Nga.

Sau sự việc trên, một số tiểu bang đã loại bỏ các hệ thống máy bỏ phiếu màn hình cảm ứng đắt tiền và quay trở lại hình thức bỏ phiếu trên giấy - thậm chí gián tiếp qua thư như chúng ta vừa được chứng kiến tại cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020.

Thứ Năm, 26/11/2020 22:36
53 👨 207
0 Bình luận
Sắp xếp theo