LCD vẫn chưa qua mặt được Plasma

Kể cả đang trong thời kỳ thoái trào, thử nghiệm cho thấy hình ảnh trên màn Plasma vẫn đẹp hơn nhiều so với trên LCD.

Khó có thể cân xứng giữa LCD và Plasma vì công nghệ Plasma thì ngày càng biến mất. Ảnh: Reuters.


Theo thử nghiệm của trang công nghệ chuyên đánh giá chất lượng hình ảnh DisplayMate.com và Insight Media, màn Plasma luôn đạt được điểm số vượt trội so với màn LCD. Thử nghiệm của các trang này cũng cho thấy thông số kỹ thuật của màn LCD thực chất là quá phóng đại.

Vậy LCD và Plasma, loại nào tốt hơn?

Trận chiến thật khó có thể cân xứng bởi có vẻ như công nghệ Plasma đang ngày càng biến mất trên thị trường. Với những cải tiến công nghệ hiện tại, chất lượng hình ảnh giữa LCD và Plasma đang dần thu hẹp. LCD giờ đây không bị chê cười vì tốc độ quá chậm chạp với sự ra đời của các phiên bản 120 Hz. Ngay cả độ đen và độ tương phản cũng đang dần đuổi kịp tiêu chuẩn Plasma. Người bán hàng cũng chẳng còn "ngại ngùng" khi cường điệu rằng chất lượng hình ảnh trên LCD rất tốt hay thậm chí tốt hơn so với màn Plasma. Tuy nhiên, theo các thử nghiệm của trang DisplayMate, thực tế chưa hẳn đã đạt tới như vậy.

LCD so găng cùng Plasma. Ảnh: Blogcdn.

Thử nghiệm của trang DisplayMate thu thập 11 phiên bản HDTV thông dụng nhất của năm 2008, bao gồm 8 màn LCD, 2 màn Plasma và một màn tham chiếu CRT, từ các đời trung cấp tới cao cấp của những tên tuổi hàng đầu như LG, Panasonic, Samsung, Sharp và Sony. Phiên bản cao cấp nhất của mỗi dòng được đem ra so sánh trực tiếp như với LCD là Sony KDL-52XBR4, Samsung LN-T5281F và Sharp LC-52D92U, còn với Plasma là Panasonic Professional TH-50PF10UK để từ đó có thể suy ra các phiên bản thấp cấp hơn.

Công nghệ thử nghiệm của DisplayMate đảm bảo độ chính xác tối đa và được thực hiện với những phương pháp khoa học thận trọng. Màn hình CRT tham chiếu tiêu chuẩn là Sony professional HD Trinitron Studio Monitor. Tất cả các màn hình đều được căn chỉnh chính xác và được thử nghiệm với các phương pháp đo phổ bức xạ. Thêm vào đó là sự đánh giá khách quan của các thẩm định viên, từ các chuyên gia công nghiệp, đại diện nhà sản xuất, kỹ sư, bình luận viên, nhà báo… Tất cả cùng xem xét bảng mẫu thử, ảnh và tất nhiên là hàng loạt video độ phân giải cao trên các màn hình này.

Thông số kỹ thuật được quảng bá trên LCD không chính xác. Ảnh: Soundandvisionmag.


Kết quả có được từ thử nghiệm màn LCD cho thấy rằng thông số kỹ thuật được quảng bá không hẳn chính xác. Ví dụ, góc nhìn 176 độ (mỗi bên 88 độ) vốn thường được coi là tiêu chuẩn của LCD, thực chất con số này là góc nhìn tối đa của màn hình mà hình ảnh hiển thị vẫn ở mức có thể chấp nhận được. Thử nghiệm cho thấy chất lượng trên các màn LCD bắt đầu giảm thấy rõ khi nhìn lệch 10 độ, còn khi ngồi lệch đến 45 độ thì giảm đi tới 50%. Trong khi đó, ở cùng góc 45 độ này, chất lượng hình ảnh trên màn Plasma thử nghiệm của Panasonic hầu như không bị suy giảm.

Độ tương phản cũng là một thông số khá quan trọng, đáng tiếc là thông số này cũng thường được thổi phồng trên các màn LCD. Độ tương phản được xác định bằng tỷ lệ khả năng hiển thị độ sáng màn hình giữa điểm trắng nhất và điểm đen nhất. Các nhà tiếp thị màn LCD ngày nay công bố các mức độ tương phản rất ấn tượng như 1.000.000:1 hay thậm chí 2.000.000:1. Nhưng trong thực tế, độ tương phản cao nhất trên các màn LCD chỉ đạt chừng 2.000:1. Còn màn Plasma Panasonic có khả năng hiển thị độ tương phản 3.842:1. Vì vậy, đừng vội tin những gì được công bố thông qua các thông số kỹ thuật khi đi mua HDTV. Hãy tin vào chính mắt bạn thay vì các con số vô nghĩa.

Bảng đo sáng và đo màu

Mặc dù thực tế đúng là công nghệ Plasma đang ở giai đoạn thoái trào với sự lạnh nhạt dần của hầu hết các nhà sản xuất. Tuy nhiên, thử nghiệm và thực tế cho thấy màn Plasma vẫn đem lại chất lượng hình ảnh hoàn hảo nhất xứng đáng với từng đồng bỏ ra so với bất kỳ công nghệ hình ảnh phổ biến trên thị trường nào. Vì vậy, hãy tận hưởng giá trị khi nó vẫn còn đang tồn tại, vì biết đâu đây sẽ là những thế hệ Plasma cuối cùng.

Thứ Ba, 04/08/2009 10:19
31 👨 258
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp