Lần đầu tiên phát hiện hành tinh khí độc khiến giới thiên văn bối rối

Một hành tinh cách Trái Đất 325 năm ánh sáng, có kích thước lớn gấp 10 lần sao Mộc, không có nước nhưng có nhiệt độ cực cao và quanh năm bao phủ carbon monoxide, một chất khí nguy hiểm chết người. Hành tinh cực kỳ nguy hiểm đó có tên gọi là WASP-18b.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện thấy một hành tinh có tầng thượng quyển chứa carbon monoxide như vậy.

Mô phỏng ngoại hành tinh WASP-18b
Mô phỏng ngoại hành tinh WASP-18b. (Ảnh: NASA.)

Kyle Sheppard ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tác giả chính của nghiên cứu này cho biết, WASP-18b có thành phần cấu tạo vượt ngoài sự hiểu biết của các nhà khoa học.

Phát hiện này có thể làm thay đổi hiểu biết của giới nghiên cứu về quá trình hình thành khí quyển hình bao quanh các hành tinh, mở ra cánh cửa mới trong hiểu biết của chúng ta về các quá trình vật lý và hóa học trong khí quyển ngoại hành tinh.

WASP-18b là một "sao Mộc nóng", những hành tinh khí khổng lồ quay rất gần sao chủ nên có nhiệt độ cực cao. Nó chỉ cần 23 tiếng để hoàn thành một vòng quay quanh sao chủ.

Các nhà khoa học phát hiện ra WASP-18b khi phân tích các dữ liệu có được dựa trên các quan sát của kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer. Họ cho rằng, lượng kim loại (các nguyên tố nặng hơn hydro và heli) trong khí quyển của WASP-18b nhiều khả năng lớn gấp 300 lần so với bất kỳ hành tinh "sao Mộc nóng" nào khác.

Khi kính viễn vọng James Webb được phóng vào không gian năm 2019, các nhà khoa học sẽ có cơ hôi nghiên cứu sâu hơn WASP-18b và nhiều ngoại hành tinh khác.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters vào ngày 1/12.

Thứ Hai, 04/12/2017 09:02
51 👨 457
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ