Sau khi được gửi lên Trạm vũ trụ quốc tế trong 5 tuần, trong điều kiện không trọng lực và chịu ảnh hưởng của lĩnh vực địa từ loài giun Dugesia japonica đã phân chia vô tính, thậm chí một con trong số đó đã biến thành phiên bản hai đầu.
- Tại sao SpaceX lại gửi siêu vi khuẩn chết người lên Trạm vũ trụ Quốc tế?
- Các đột biến gene đặc biệt biến con người thành "siêu nhân"
Đây là kết quả thu được của các nhà sinh học từ trường Đại học tổng hợp nghiên cứu tư nhân Tufts (Mỹ) được công bố trên tờ tạp chí Regeneration.
Hình ảnh giun hai đầu. (Nguồn: sputniknews.com)
Giun Dugesia japonica là một chi giun dẹp, thường được tìm thấy trong môi trường nước ngọt ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc và Trung Đông. Chúng nổi tiếng với khả năng tự tái tạo khi một phần trên cơ thể chúng bị cắt bỏ.
Các nhà khoa học đã gửi loài giun Dugesia japonica vào không gian vào ngày 10/01/2015 trong vòng 5 tuần. Tại đó, chúng được giữ trong ống nghiệm chứa đầy nước và không khí. Các ống nghiệm này được đặt hoàn toàn trong bóng tối. Mẫu thí nghiệm bao gồm cả những con còn nguyên vẹn và một số con đã bị cắt bỏ đầu, đuôi.
Sau khi nhóm giun ngoài vũ trụ được gửi về Trái đất, các nhà khoa học đã vô cùng kinh ngạc khi thấy những con giun không nguyên vẹn được đưa vào không gian đã tái sinh thành những con giun "hai đầu". Đặc biệt, có tới 2 cái đầu xuất hiện ở vị trí đầu và đuôi đã bị cắt chứ không phải là một đầu và một đuôi.
Toàn bộ số giun được đưa vào không gian đều trải qua sự phân chia tự phát của cơ thể, chúng tách thành hai hoặc nhiều cá thể giống hệt nhau - trong khi con giun ở trên Trái Đất thì không có khả năng như vậy. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân gây ra điều này có thể là do biến đổi nhiệt độ đột ngột khi giun di chuyển từ Trái Đất ra ngoài không gian.
Trong lần thực hiện thí nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học dự định sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp đầu và đuôi của giun Dugesia japonica trên trạm vũ trụ quốc tế ISS để giám sát quá trình tái tạo trong không gian từ đầu đến cuối.