Kính viễn vọng Không gian Hubble vừa chụp lại được "khoảnh khắc vỡ vụn của sao chổi Comet Atlas"

Comet Atlas đã từng được nhận định là sao chổi sáng nhất mà con người có thể nhìn thấy được từ bán cầu bắc, trước khi bị soán ngôi bởi 2 sao chổi trẻ khác là Hale-Bopp và Hyakutake kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Giờ đây, Comet Atlas đã hoàn toàn vỡ vụn thành hàng chục mảnh lớn, kết thúc cuộc đời nổi tiếng của mình.

Trong giây phút ấy, kính viễn vọng không gian Hubble (Hubble Space Telescope) đã xuất sắc chụp lại được 2 khoảnh khắc nổ tung của sao chổi này vào các ngày 20 tháng 4 và ngày 23 tháng 4 vừa qua. 2 bức ảnh này đã lập tức trở thành "báu vật" nhận được rất nhiều sự chú ý từ các nhà khoa học vũ trụ cũng như cộng đồng yêu thiên văn trên toàn thế giới.

Hình ảnh đầu tiên cho thấy tổng cộng 30 mảnh vỡ lớn lớn nhỏ, cho thấy rõ phần hạt nhân (phần chính) của sao chổi. Trong khi đó ở bức ảnh thứ 2, có tất cả 25 mảnh băng và đá đã được chụp lại, mỗi mảnh vỡ này sở hữu kích thước tương đương với một ngôi nhà thông thường hoặc lớn hơn đôi chút.

"Ngoại hình của Comet Atlas thay đổi đáng kể sau 2 ngày, đến nỗi rất khó để nhận diện và kết nối các mảnh vỡ (dấu chấm) mà bạn nhìn thấy trên ảnh. Chúng có thể phát sáng được chính là nhờ sự phản chiếu ánh sáng mặt trời", David Jewitt, giáo sư ngành khoa học hành tinh và thiên văn học tại UCLA, cho biết.

Trước khi chính thức tan vỡ và biến mất, sao chổi này (tên chính thức: C/2019 Y4 (ATLAS)) được cho là có đường kính lên tới 200 mét (660 feet).

Đây là một quan sát thú vị và cực kỳ hữu ích với giới thiên văn học, bởi những sự kiện như vậy không thường xuyên xảy ra và rất có giá trị nghiên cứu. "Khoảnh khắc vỡ vụn của sao chổi thường rất khó quan sát bởi chúng quá mờ, nhưng trường hợp của Comet Atlas là ngoại lệ. Sự kiện ở quy mô như vậy chỉ xảy ra 1 hoặc hai lần trong một thập kỷ", Quan Chi Ye, nhà thiên văn học tại Đại học Maryland, College Park, nhận định.

Hiện tại, các nhà thiên văn học vẫn chưa thể chỉ ra chính xác điều gì khiến Comet Atlas vỡ ra thành nhiều mảnh - rất có thể là do sự giải phóng khí đột ngột xảy ra khi nó tiếp cận Mặt Trời, từ đó gây ra sự nứt, vỡ và nổ tung. Những nghiên cứu sâu hơn về các quan sát của Hubble có thể tiết lộ chi tiết về cách thức sao chổi kết thúc cuộc đời của chúng.

Theo tính toán, những mảnh vỡ còn sót lại của Comet Atlas sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần nhất (116 triệu km) vào ngày 23/5 tới đây. 8 ngày sau đó, chúng sẽ tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách 40 triệu km và "hóa tro".

Thứ Năm, 21/05/2020 23:29
31 👨 674
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ