9 kiểu tính cách con người mà các nhà quản lý, dân sale và marketer cần biết

Enneagram chính là công cụ giúp bạn "đọc vị" tính cách con người rất hiệu quả.

9 kiểu tính cách con người là gì? Nắm được 9 tính cách của con người rất có lợi cho việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm và phát triển doanh nghiệp.

Một nhà lãnh đạo giỏi là người có thể kết nối với những người khác, truyền cảm hứng cho họ để cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu, cung cấp định hướng rõ ràng về sự phát triển của tổ chức và giữ cho mọi thứ đi đúng tiến trình thông qua các phản hồi. Tuy nhiên, việc làm thế nào để kiểm soát được tất cả các thành viên trong nhóm là điều mà các nhà lãnh đạo, quản lý và leader luôn gặp khó, đặc biệt là khi một số người lại có một vài tính cách "không giống ai". Mâu thuẫn và thất bại trong công việc hoàn toàn có thể xảy ra nếu những người đứng đầu không thể nắm bắt được những sự khác biệt đó.

Trong bài viết này, Quản Trị Mạng sẽ giới thiệu đến các bạn công cụ Enneagram rất nổi tiếng và được ứng dụng rất hiệu quả trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tuyển dụng, quản trị nhân sự, kinh doanh, quản lý đội ngũ bán hàng và marketing, đào tạo và tư vấn phát triển nghề nghiệp, giáo dục, nghệ thuật, y tế, nuôi dạy con hay tâm lý trị liệu... Enneagram mô tả 9 kiểu tính cách, 9 mô hình phản ứng cảm xúc9 mẫu khuynh hướng hành vi khác nhau của con người.

Đọc vị tính cách

Enneagram là gì?

Enneagram là một hệ thống tính cách mô tả con người theo chín kiểu khác nhau, mỗi kiểu có động lực, nỗi sợ hãi và động lực cốt lõi riêng.

Enneagram là một hệ thống tập trung vào cảm xúc để hiểu mọi người — mài giũa những động lực và nỗi sợ hãi cốt lõi về cảm xúc của một người. Mỗi loại trong số chín loại tính cách đều có động lực riêng, xoay quanh một cảm xúc cụ thể.

Một số loại Enneagram trải qua những cảm xúc mạnh mẽ, trong khi những loại khác nhằm tránh những cảm xúc dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, dù chạy trốn khỏi cảm xúc hay lao vào chúng, mỗi loại đều mô tả một số khía cạnh của trải nghiệm cảm xúc.

9 nhóm tính cách của Enneagram được chia thành Heart Type, Head Type và Body Type.

  • Heart Type phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc để hiểu phản ứng của họ và kết nối với người khác.
  • Head Type phụ thuộc vào trí tuệ để hiểu mọi thứ và khám phá thế giới xung quanh.
  • Body Type dựa vào bản năng để phản ứng trước cơ hội và thách thức trong cuộc sống hàng ngày.

Enneagram nhấn mạnh mỗi kiểu tính cách đều có thể là nguồn sức mạnh để phát triển bản thân nhưng cũng có thể trở thành điểm yếu nếu bị sử dụng sai hoặc thiếu linh hoạt dẫn tới các xung đột hay thất bại không mong muốn. Những tình huống xấu này không hoàn toàn do năng lực con người mà chủ yếu đến từ sự khác biệt giữa các cá nhân về tính cách, sở thích và phương pháp giao tiếp. Thông qua Enneagram, chúng ta có thể tìm ra những góc khuất trong tính cách để xây dựng đội ngũ lãnh đạo, nhóm làm việc hiệu quả nhắm tối ưu khả năng hợp tác và góp phần thúc đẩy năng suất làm việc trong doanh nghiệp.

Cấu trúc của Enneagram

Cấu trúc của Enneagram dường như rất phức tạp mặc dù kỳ thực là mô hình này khá đơn giản.

Để có thể tự mình hiểu rõ công cụ này, bạn có thể phác thảo Enneagram bằng giấy và bút như sau: Vẽ một vòng tròn và đánh dấu 9 điểm nằm trên đường tròn sao cho chia hình thành 9 phần bằng nhau. Đánh dấu mỗi điểm bằng các con số từ 1 đến 9 với số 9 nằm trên đầu như hình ảnh dưới. Mỗi điểm này đại diện cho một tính cách cơ bản.

Enneagram

9 điểm trên đường tròn này cũng được kết nối với nhau thông qua các đường thẳng bên trong. Chú ý rằng các điểm 3, 6 và 9 tạo thành một tam giác đều. 6 điểm còn lại được kết nối với nhau theo thứ tự: 1 nối với 4, 4 nối với 2, 2 nối với 8, 8 nối với 5, 5 nối với 7 và 7 nối với 1, tạo thành một hình lục giác không đều.

Tại sao Enneagram lại quan trọng?

Như đã đề cập ở trên, Enneagram là một mô hình mô tả 9 tính cách khác biệt, 9 cách kiểu phản ứng cảm xúc và 9 mẫu khuynh hướng hành vi khác nhau. Mỗi tính cách này đều có những mặt trái mà có thể khiến mỗi người có thể rơi vào các tình huống không mong muốn nếu quá lạm dụng. Do vậy, sự cân bằng ở đây là phát huy tính cách nỗi bật của mình trong khi vẫn biết khai thác những điểm mạnh của các kiểu tính cách khác.

Enneagram là điểm khởi đầu của việc tự biết mình (Self-knowledge) bởi vì nó được sử dụng như là một "chiếc gương" tiết lộ những đặc điểm trong tính cách mà thường chúng ta không nhận ra được. Đa phần, con người hành động theo thói quen, giống như thể "một chiếc máy bay tự động", theo các khuôn mẫu tính cách cơ bản. Điều này cho phép bạn thích nghi đủ tốt với cuộc sống. Tuy nhiên, khi các thói quen thường ngày bị phá vỡ hoặc xảy ra căng thẳng quá nhiều thì cách xử sự quen thuộc đó sẽ không còn phát huy tác dụng.

Các kiểu tính cách cơ bản

Tính cách con người

Mỗi người từ lúc bé đã có một tính cách (nằm trong số 9 tính cách) chủ đạo chi phối với tính khí bẩm sinh và các yếu tố khác xuất hiện trước lúc được sinh ra có tính quyết định tới sự hình thành tính cách. Đây là điều mà đa phần, tất cả các tác giả nghiên cứu về Enneagram đều đồng ý – chúng ta khi ra đời đã có một tính cách chi phối (vượt trội hơn các tính cách khác). Sau đó, sự định hướng mang tính chất bẩm sinh này lại quyết định phần lớn cách mà chúng ta thích nghi với môi trường xung quanh. Điều này dường như cũng kéo theo một vài nhìn nhận không có ý thức về hình ảnh "bố mẹ lý tưởng" của mỗi người nhưng tại sao lại như vậy thì hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được. Trong mọi trường hợp, đến thời điểm 4 hoặc 5 tuổi, nhận thức của trẻ sẽ phát triển đủ để có một cảm giác riêng biệt về bản thân chúng. Mặc dù nhận dạng này nhiều khả năng thay đổi theo thời gian nhưng ở tuổi này, trẻ đã bắt đầu củng cố được vị trí của mình và tìm cách để tự hòa hợp với thế giới.

Những lưu ý khi sử dụng Enneagram để "đọc vị" tính cách con người

  • Con người không thay đổi từ kiểu tính cách cơ bản này sang kiểu tính cách cơ bản khác.
  • Mô tả về các kiểu tính cách rất rộng lớn và áp dụng như nhau cho cả nam lẫn nữ. Không hề có loại tính cách nào vốn đã thuộc về phái mạnh hay phái yếu.
  • Không phải tất cả mọi thứ trong mô tả về tính cách cơ bản sẽ đúng với bạn mọi lúc bởi vì sức khỏe, tiêu chuẩn và các đặc điểm không lành mạnh khác có thể khiến cho tính cách cơ bản khi áp dụng với từng người có sự điều chỉnh nhất định.
  • Enneagram sử dụng các con số để đặt tên cho mỗi kiểu tính cách bởi vì các con số là những giá trị trung lập – chúng ám chỉ một loạt các thái độ và hành vi của mỗi kiểu mà không chỉ rõ bất cứ thứ gì tiêu cực hay tích cực. Không giống như các nhãn (label) được sử dụng trong tâm thần học, các con số cung cấp một phương pháp nhanh chóng và không thiên vị để biểu lộ nhiều thứ về một con người mà không ngụ ý bất cứ điều gì xấu.
  • Thứ hạng của các con số không mang ý nghĩa gì cả. Số lớn không tốt hơn số bé, nghĩa là 9 không tốt hơn 2 chỉ vì giá trị của nó lớn hơn.
  • Không hề có tính cách nào tốt hay xấu hơn những tính cách còn lại. Trong khi tất cả các tính cách đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định thì một vài loại thường được xem như là đáng khao khát hơn những tính cách khác trong một vài nhóm người hay nền văn hóa. Hơn nữa, vì lý do này hay lý do khác, bạn có thể không vui khi sở hữu một tính cách đặc biệt nào đó và tự cho rằng bản thân mình không hoàn hảo.
  • Khi đã tìm hiểu nhiều hơn về tất cả các tính cách, bạn sẽ thấy rằng mỗi cái đều có các khả năng và đều có những giới hạn khác biệt. Nếu một tính cách được ngưỡng mộ nhiều hơn trong xã hội phương Tây thì đó là bởi vì các phẩm chất đó được xã hội tưởng tượng chứ không phải bởi vì nó có giá trị cao hơn so với những tính cách khác. Lý tưởng đó là trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn chứ đừng bắt chước bất cứ một ai cả.

9 kiểu tính cách con người theo mô hình Enneagram

9 kiểu tính cách con người

1. Người cầu toàn (The Reformer)

Nguyên tắc, có mục đích, tự chủ và luôn tìm kiếm sự hoàn hảo.

Họ là những người tận tâm, chu đáo, cẩn thận và sống dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức với một cảm giác mạnh mẽ về cái sai, cái đúng. Họ là các giáo viên, những người tham gia các cuộc cải cách, vận động và những người ủng hộ cho sự thay đổi: luôn luôn cố gắng để cải thiện mọi thứ nhưng lại sợ gây ra lỗi lầm.

Người cầu toàn

Có tổ chức, theo thứ tự và khó chiều. Họ nỗ lực để duy trì những tiêu chuẩn cao nhất nhưng điều này dễ khiến họ sa vào cầu toàn và chỉ trích.

Vấn đề họ thường gặp nhất là oán giận và mất kiên nhẫn.

Điểm mạnh: khôn ngoan, thực tế, sáng suốt và cao thượng. Thậm chí, họ có thể trở thành anh hùng.

Động lực cốt lõi: Muốn lẽ phải, cố gắng để vươn cao hơn, khiến mọi thứ tốt hơn, kiên định với lý tưởng của bản thân, bào chữa cho bản thân và cố gắng đạt được sự hoàn hảo để không bị phán xét bởi ai cả.

Những nhân vật điển hình: Khổng Tử, Plato, Nelson Mandela, Margaret Thatcher, Hoàng tử Charles, Kate Middleton, Michelle Obama, Al Gore, Hilary Clinton, Rudy Giuliani, Osama bin Laden, George Harrison, Joan Baez, Celine Dion, Ralph Nader, Noam Chomsky, Bill Moyers, George F. Will, William F. Buckley...

Bán hàng cho họ thế nào: Bạn nên đến đúng giờ, giới thiệu sản phẩm phải thực tế, nói chuyện trực tiếp, thẳng thắn, tránh vòng vo. Với người cầu toàn, tuyệt đối không được thể hiện hành vi không nhất quán hay vi phạm chuẩn mực đạo đức.

2. Người tình cảm (The Helper)

Rộng lượng, thích giãi bày tâm tư tình cảm, thỏa mãn nguyện vọng và hòa hợp với mọi người, luôn cố gắng làm hài lòng người khác nhưng không muốn bị coi thường. Họ luôn tìm kiếm sự trân trọng.

Họ là những người dễ cảm thông, thân thiện và có trái tim ấm áp. Họ gần gũi, hào phóng và sẵn sàng hy sinh bản thân mình nhưng cũng rất ủy mị, ưa nịnh và cố gắng làm hài lòng mọi người.

Người tình cảm

Họ có thiện chí và chủ động để hòa hợp với mọi người nhưng dễ bị sa vào hiện tượng sẵn sàng làm bất cứ thứ gì cho bất cứ ai chỉ để được công nhận.

Vấn đề của họ chính là thích được chiếm hữu và chỉ nhận thấy những nhu cầu của riêng mình.

Động lực cốt lõi: Muốn được yêu, được thể hiện cảm xúc với người khác, được cảm thấy cần thiết và được đánh giá cao, khiến người khác phải phản hồi với họ và xác nhận các yêu cầu, đòi hỏi của họ.

Những nhân vật điển hình: Eleanor Roosevelt, Nancy Reagan, Monica Lewinsky, Ann Landers, John Denver, Lionel Richie, Stevie Wonder, Barry Manilow, Dolly Parton, Josh Groban, Kenny G, Paula Abdul, Priscilla Presley, Elizabeth Taylor, Danny Thomas, Martin Sheen, Jennifer Tilly, Danny Glover...

Bán hàng cho họ thế nào: Trong khi với người nhóm 1, bạn cần nói chuyện thẳng thắn, trực tiếp, và có thể bỏ qua "màn khởi động" thì với người nhóm 2, bạn cần dành thời gian tìm hiểu họ. Hỏi han về nhà cửa, công việc... Việc quan tâm cả đến những chi tiết nhỏ sẽ là những yếu tố họ sẽ đánh giá cao bạn về sau.

  • Với người thuộc nhóm này, bạn nên làm những việc giúp đỡ họ nho nhỏ và cần tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với họ nhiều hơn, nồng nhiệt hơn.
  • Với nhóm này, đừng cố tăng tốc. Tuyệt đối không được nói bâng quơ, chung chung. Hãy bày tỏ lời cảm ơn họ một cách thường xuyên.

3. Người tham vọng (The Achiever)

Có thể thích nghi tốt, xuất sắc, luôn có mục tiêu, động lực, nhận thức được hình ảnh cá nhân, đồng thời luôn cố gắng thành công để giành được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của người khác.

Họ là những người dễ tạo sự tin tưởng, hấp dẫn và lôi cuốn. Sống có hoài bão, tài năng và tràn đầy năng lượng, nhóm 3 cũng muốn nhận được sự công nhận từ phía xã hội và có lực đẩy lớn vào sự cải tiến.

Người tham vọng

Họ có tài ngoại giao, đĩnh đạc nhưng đôi khi cũng quan tâm thái quá vào hình ảnh bên ngoài và điều người khác nghĩ về họ.

Vấn đề họ thường gặp là "nghiện việc" và thích cạnh tranh.

Động lực cốt lõi: Muốn được công nhận và khác biệt, để được chú ý, để được ngưỡng mộ và gây ấn tượng với những người khác.

Những nhân vật điển hình: Augustus Caesar, Bill Clinton, Tony Blair, hoàng tử William, Muhammed Ali, John Edwards, Mitt Romney, Oprah Winfrey, Deepak Chopra, Tony Robbins, Bernie Madoff, Bryant Gumbel, Michael Jordan, O.J. Simpson, Tiger Woods, Lance Armstrong, Elvis Presley, Paul McCartney, Madonna, Sting, Whitney Houston, Jon Bon Jovi, Lady Gaga, Taylor Swift, Justin Bieber, Will Smith...

Bán hàng cho họ thế nào: Hãy mở đầu bằng việc khen ngợi họ. Hãy nói họ tuyệt vời thế nào, thành đạt ra sao.

  • Sản phẩm bán cho họ phải dựa trên đặc tính hỗ trợ họ thành công và làm việc hiệu quả hơn. Keyword (từ khóa) bán hàng cho kiểu tính cách này là sản phẩm sẽ giúp anh/chị "làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, làm được nhiều việc hơn". Với những đặc tính này, việc chốt được deal khá chắc chắn.
  • Tuyệt đối không được nói đến thất bại của họ, ngay cả vẻ ngoài trông mệt mỏi của họ cũng không nên đề cập.
  • Nhóm 3 là nhóm khách hàng tiềm năng, nhưng cũng có thể "một đi không trở lại" nếu làm cho họ có cảm giác không được tôn trọng. Vậy nên, ngay cả khi bạn đang tiếp khách, nếu họ bước vào, cần xin lỗi khách và chuyển sang tiếp đón họ ngay.

4. Người cá tính (The Individualist)

Tính khí thất thường và thường chỉ quan tâm đến mình. Họ muốn kết nối sâu sắc với thế giới nội tâm và họ cảm thấy sức sống tràn trề nhất khi được thể hiện cảm xúc ra ngoài.

Người nhóm 4 hiểu về chính mình, nhạy cảm và dè dặt. Họ chân thành về cảm xúc của mình, sáng tạo, cá tính nhưng tâm trạng cũng hay thay đổi.

Người cá tính

Từ chối không giúp đỡ người khác vì cảm thấy bị tổn thương và bản thân yếu kém, họ sẽ bất cần và tách biệt khỏi cuộc sống bình thường.

Vấn đề họ thường gặp là tự hành hạ bản thân, u sầu và hay than vãn.

Động lực cốt lõi: Muốn thể hiện bản thân mình và cá tính của mình, tạo và tự bủa vây xung quanh với cái đẹp, duy trì tâm trạng và cảm xúc nào đó, chủ động rút lui để bảo vệ hình ảnh bản thân, chăm sóc các nhu cầu về cảm xúc trước khi tham dự vào bất cứ sự kiện gì và thường hấp dẫn những người cũng thích "được giải thoát" như họ.

Những nhân vật điển hình: Tchaikovsky, Gustav Mahler, Edgar Allen Poe, Yukio Mishima, Anne Frank, Bob Dylan, Paul Simon, Leonard Cohen, Angelina Jolie, Winona Ryder, Kate Winslet, Nicolas Cage, Johnny Depp...

Bán hàng cho họ thế nào: Khi bán hàng cho người nhóm 4, hãy làm cho họ cảm thấy khác biệt. Hãy khen cả style ăn mặc của họ dù cho bạn thấy phong cách đó khá... khác biệt. Khi đồng cảm, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ hơn.

Tránh tỏ ra nổi trội hơn họ. Người cá tính họ muốn nổi trội và là duy nhất.

5. Người lý trí (The Investigator)

Sâu sắc, thích đổi mới, hay giấu giếm và khá tách biệt. Họ thích thông tin, tri thức và không thích bày tỏ cảm xúc ra ngoài. Mục đích của họ là làm giàu kiến thức và vì như vậy nên họ rất logic. Với họ, mọi thứ đều phải có ý nghĩa.

Người lý trí rất cảnh giác, sáng suốt và tò mò. Họ có thể tập trung vào một ý tưởng hay kỹ năng phức tạp. Họ độc lập, cải tiến, có óc sáng tạo.

Người lý trí

Đầu óc thường không thảnh thơi bởi quá nhiều suy nghĩ trong đầu và xây dựng điều họ muốn bằng trí tưởng tượng. Họ vô tư nhưng cũng dễ xúc động và sôi nổi.

Vấn đề họ thường gặp là lập dị, theo thuyết hưu vô và tách biệt.

Động lực chủ yếu: Muốn sở hữu kiến thức để hiểu về thế giới, để có mọi thứ nhằm tìm ra cách bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa.

Những nhân vật điển hình: Siddartha Gautama Buddha, Albert Einstein, Stephen Hawking, Vincent van Gogh, Edvard Munch, Alberto Giacometti, James Joyce, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Tim Burton, David Lynch, David Fincher, Jodie Foster...

Bán hàng cho họ thế nào: Hãy trò chuyện về những sở thích tương đồng với họ, cởi mở với ý tưởng của họ. Khi nói về sản phẩm, cần đảm bảo tính thực tế và logic.

Đừng bao giờ nghi ngờ về năng lực của họ hay thông tin họ đưa ra. Với nhóm người này, đặt câu hỏi về sự chính xác sẽ khiến họ rất khó chịu. Tránh đặt những câu hỏi quá riêng tư.

6. Người trung thành (The Loyalist)

Hấp dẫn, hay lo lắng, nghi ngờ nhưng cũng rất có trách nhiệm. Họ luôn lập kế hoạch cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Họ là người có sự cam kết cao, hướng đến sự an toàn, rất đáng tin cậy, chăm chỉ, có trách nhiệm và nỗ lực để xứng đáng với sự tin cậy đó. Nhóm 6 là những người xuất sắc trong việc tìm kiếm và giải quyết các vấn đề nhưng cũng hành động trong thế phòng ngự, đôi khi lẩn tránh và lo lắng.

Người trung thành

Họ thận trọng và do dự nhưng cũng biết phản kháng, có chút ương ngạnh và chống đối.

Vấn đề họ thường gặp phải là hay nghi ngờ và không tin tưởng vào bản thân.

Động lực cốt lõi: Muốn có sự an toàn để cảm thấy luôn được che chở bởi người khác, có sự chắc chắn, yên tâm, kiểm tra thái độ của người khác đối với họ, để đấu tranh chống lại sự lo lắng và nguy hiểm.

Những nhân vật điển hình: Krishnamurti, Johannes Brahms, Mark Twain, Diana, hoàng tử xứ Wales, Malcolm X, Marilyn Monroe, Tom Hanks, Mike Tyson, Bruce Springsteen, U2's Bono, Melissa Etheridge, Eminem, Oliver Stone, Michael Moore...

Bán hàng cho họ thế nào: Vì người nhóm này luôn có cảm giác lo lắng, nên với họ, hãy luôn lạc quan. Hãy giúp họ đưa ra quyết định càng dễ dàng càng tốt. Tất nhiên, quyết định này cần có cơ sở và cần được trấn an về các rủi ro.

Không nên đưa ra một quan điểm không quen thuộc với họ. Không được tạo áp lực chốt deal và không lẩn tránh các mối lo họ đưa ra.

7. Người nhiệt tình (The enthusiast)

Chủ động tham gia với thái độ vui vẻ, tháo vát, ham học hỏi, luôn khao khát thúc đẩy những ý tưởng mới, tạo ra những kế hoạch tương lai mở cho họ nhiều lựa chọn nhưng lại lảng tránh đau đớn và khó chịu. Đôi khi, họ cũng bị phân tán.

Nhóm 7 là những người hướng ngoại, lạc quan, linh hoạt và không gò bó. Nổi bật với các điểm thích sự hài hước, đùa cợt, dũng cảm và thực tế nhưng đôi khi họ cũng áp dụng sai tài năng của mình, trở nên thái quá, dễ bị phân tán và thiếu kỷ luật.

Người nhiệt tình

Họ liên tục tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, thú vị nhưng cũng có thể bị xao nhãng và cảm thấy kiệt sức ngay chính trong những việc họ đang làm.

Vấn đề mà người nhiệt tình có thể gặp phải đó là mất kiên nhẫn và bốc đồng.

Động lực cốt lõi: Muốn duy trì sự tự do và hạnh phúc, không muốn từ bỏ những trải nghiệm đáng giá, cố gắng giữ cho mình luôn hào hứng và bận rộn, đồng thời hạn chế đau khổ, buồn bã.

Những nhân vật điển hình: Đạt Lai Lạt Ma (thứ 14), Galileo Galilei, W.A. Mozart, Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, John F. Kennedy, Malcolm Forbes, Richard Branson, Elton John, Mick Jagger, Fergie, Miley Cyrus, Britney Spears, Katy Perry, Brad Pitt, Robin Williams, Jim Carrey, Mike Meyers, Bruce Willis, Leonardo DiCaprio, Charlie Sheen, Cameron Diaz, Paris Hilton, David Duchovny, Larry King, Howard Stern, Simon Cowell...

Bán hàng cho họ thế nào: Người bán hàng nên có mức năng lượng và sự nhiệt tình tương thích với mức độ năng lượng và sự nhiệt tình của họ. Hãy lạc quan và đưa ra nhiều lựa chọn cho họ.

Với kiểu người này, không được tỏ thái độ bi quan hoặc tiêu cực thái quá.

8. Người mạnh mẽ (The challenger)

Tự tin, dứt khoát, luôn theo đuổi sự thật và có thể sử dụng ảnh hưởng của bản thân để mang đến những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, họ khá ương ngạnh và bảo thủ.

Nhóm 8 rất tự tin vào bản thân, can đảm và quyết đoán. Luôn muốn bảo vệ người khác, tháo vát, thẳng thắn khi nói và dứt khoát nhưng "cái tôi" của họ cũng khá lớn và hành động độc đoán.

Người mạnh mẽ

Người nhóm này cảm thấy họ buộc phải kiểm soát mọi thứ xung quanh, đặc biệt là mọi người, thi thoảng thích đối đầu và rất đáng sợ.

Vấn đề nổi bật của người mạnh mẽ đó là những cơn giận của họ khó kiềm chế và cho phép chính mình bị tổn thương.

Động lực cốt lõi: Muốn tự lực để chứng minh sức mạnh và kháng cự các điểm yếu, trở thành người quan trọng với thế giới, chi phối mọi người xung quanh và kiểm soát được mọi tình huống xảy ra với họ.

Những nhân vật điển hình: Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill, Oskar Schindler, Fidel Castro, Martin Luther King, Jr., Lyndon Johnson, Mikhail Gorbachev, Saddam Hussein, Senator John McCain, Donald Trump, Pablo Picasso, Ernest Hemingway, Toni Morrison, Serena Williams, James Brown, Aretha Franklin, Keith Richards...

Bán hàng cho họ thế nào: Nên thẳng thắn với họ, đưa ra cả mặt tốt và chưa tốt của sản phẩm và nên trình bày một cách rõ ràng với họ như "một là...., hai là..."...

Cần đồng điệu với cảm xúc của họ, nhưng phải làm cho họ có cảm giác họ là người ra quyết định. Đừng cố gắng lừa gạt hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác cho họ.

9. Người ôn hòa (The peacemaker)

Dễ tiếp thu, khiến người khác cảm thấy yên lòng. Họ thích hòa bình, hòa hợp và những mối liên hệ tích cực, không thích xung đột, căng thẳng và các ý định xấu xa. Điểm yếu là dễ cam chịu và đôi khi tự mãn.

Nhóm 9 là những người ổn định, cởi mở và đáng tin cậy. Họ thường rất sáng tạo, lạc quan và thông cảm với người khác, đồng thời, sẵn sàng thỏa hiệp với mọi người để giữ hòa khí.

Người ôn hòa

Họ muốn mọi thứ được vận hành một cách mượt mà và luôn như vậy mà không xảy ra mâu thuẫn nhưng điều này có thể khiến họ có xu hướng tự thỏa mãn, hài lòng, đơn giản hóa vấn đề và tối thiểu hóa các tình huống gây lo lắng.

Vấn đề họ gặp phải đó chính là không chịu thay đổi và bướng bỉnh.

Động lực cốt lõi: Muốn tạo ra sự hài hòa trong mọi thứ, tránh mâu thuẫn, căng thẳng, không muốn thay đổi những thứ vốn dĩ đã như vậy, kháng cự lại bất cứ điều gì gây lo lắng hoặc làm phiền.

Những nhân vật điển hình: Queen Elizabeth II, Abraham Lincoln, Dwight D. Eisenhower, Gerald Ford, Ronald Reagan, George W. Bush, John F. Kennedy, Jr., General Colin Powell, Walter Cronkite, Carl Jung, Carl Rogers, Joseph Campbell, Walt Disney, James Taylor, Janet Jackson, Jack Johnson...

Bán hàng cho họ thế nào: Nên tập trung vào mặt tích cực của sản phẩm. Nói chuyện một cách chậm rãi và gắn thông tin bạn nói với những gì họ quen thuộc.

Đừng gây áp lực cho họ hay tìm cách đối đầu với họ.

Các kiểu cơ thể của Enneagram

Các kiểu cơ thể phản ứng với một cảm giác bản năng, ruột thịt. Họ kết nối với những người khác dựa trên cảm giác thoải mái về thể chất và hiểu được thế giới bằng cách cảm nhận phản ứng của cơ thể họ với những gì đang xảy ra. Động lực chính của bộ ba này là duy trì sự độc lập và hạn chế sự kiểm soát từ những ảnh hưởng bên ngoài. Họ phản ứng bằng cách kiểm soát quá mức, quá thụ động hoặc quá cầu toàn. Kiểu Tám, Chín và Một là số loại Enneagram tập trung vào cơ thể.

Loại Tám - Người thách đấu

Tám tự coi mình là người mạnh mẽ, quyền lực và tìm cách đứng lên vì những gì họ tin tưởng. Nỗi sợ hãi lớn nhất của Loại Tám là bất lực nên họ tập trung vào việc kiểm soát môi trường của mình.

Loại Chín - Người hòa giải

Số 9 thích đi theo dòng chảy và để những người xung quanh sắp xếp chương trình làm việc. Những người thuộc Loại Chín sợ đẩy mọi người ra xa bằng cách ưu tiên những nhu cầu của bản thân và họ có xu hướng thụ động.

Loại Một - Người cầu toàn

Mọi người rất chú trọng đến việc tuân thủ các quy tắc và thực hiện mọi việc một cách chính xác. Loại Một sợ không hoàn hảo và có thể cực kỳ nghiêm khắc với bản thân và người khác.

Vậy làm thế nào bạn biết khách hàng thuộc nhóm nào khi cơ hội gặp họ chỉ có 1 lần?

Hãy sử dụng khả năng giao tiếp, chủ động tiếp cận, làm quen bằng các câu đối đáp thân mật, bạn sẽ biết vị khách đó có khuynh hướng tính cách thế nào! Với vài lời thăm hỏi xã giao ban đầu như: "Anh/Chị có khỏe không?" Nếu vị khách kia đáp lại nhiệt tình, anh/cô ấy có thể là người nhóm 2 – người tình cảm, nhóm 7 – người nhiệt tình hoặc nhóm 9 – người ôn hòa.

Nếu muốn vào việc ngay, người này có thể là người nhóm 1 – người cầu toàn, nhóm 3 – người tham vọng hoặc nhóm 8 – người mạnh mẽ.

Khi đưa ra nhiều thông tin quá mà người này tỏ vẻ ngạc nhiên, hoặc không lưu tâm lâu, thì ắt hẳn không phải là người nhóm 5 – người lý trí.

Theo các chuyên gia bán hàng, muốn nhanh chóng tiếp cận khách hàng và đạt được mục tiêu bán hàng thì bạn cần "nói chuyện với họ, nắm được phần nào tính cách, sau đó mới áp dụng các phương pháp, bạn sẽ thành công!".

Thứ Tư, 11/10/2023 17:23
3,721 👨 46.819
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc