Học sử dụng máy tính bài 18 - Kỹ thuật khắc phục sự cố cơ bản

Xử lý sự cố

Trong quá trình sử dụng máy tính, mỗi người trong số chúng ta không ít thì nhiều đều đã từng trải qua những sự cố với thiết bị của mình, từ cơ bản cho đến phức tạp. Vậy bạn có biết phải làm gì nếu màn hình của mình tự nhiên không thể hiển thị không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể đóng ứng dụng hoặc không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào từ loa của mình? Bất cứ khi nào bạn gặp phải sự cố với máy tính của mình, đừng quá lo lắng! Có rất nhiều kỹ thuật xử lý sự cố cơ bản mà bạn có thể sử dụng để khắc phục các vấn đề như thế này. Trong bài học này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số điều cơ bản cần làm khi gặp phải sự cố, cũng như cách giải quyết các sự cố máy tính thường thấy mà bạn có thể gặp phải trên hệ thống máy tính.

Xử lý sự cố

Những mẹo chung cần lưu ý

Có nhiều tác nhân khác nhau có thể gây ra sự cố với máy tính của bạn. Không quan trọng tác nhân gây ra vấn đề là gì, việc xử lý sự cố sẽ luôn luôn là một quá trình thử và sai lặp đi lặp lại. Đặc biệt trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ cần phải sử dụng một số phương pháp khác nhau trước khi tìm thấy được một giải pháp chuẩn nhất cho vấn đề, tất nhiên cũng sẽ có những vấn đề không quá phức tạp và không đòi hỏi nhiều công sức khắc phục. Nhìn chung, để quá trình khắc phục sự cố trở nên đơn giản hơn, bạn nên bắt đầu bằng cách sử dụng các mẹo sau:

Phác thảo ra các bước tiến hành

Phác thảo ra các bước tiến hành: Trước khi bắt tay vào khắc phục một sự cố, bạn có thể lên kế hoạch từng bước mà mình sẽ thực hiện. Bằng cách này, bạn sẽ có thể nhớ chính xác những gì mình đã làm, qua đó tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Hơn nữa, trong trường hợp bạn không thể tự mình khắc phục được sự cố và phải cần sự trợ giúp của người khác, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu họ biết chính xác những gì bạn đã thử làm nhưng không thành công.

Ghi chú về các thông báo lỗi

Ghi chú về các thông báo lỗi: Nếu máy tính cung cấp cho bạn các thông báo lỗi, hãy nhớ ghi lại càng nhiều thông tin càng tốt. Bạn có thể sử dụng các thông tin này để tìm hiểu xem những người khác có bị cùng lỗi với bạn hay không, nếu có thì họ đã khắc phục được lỗi như thế nào.

Luôn phải kiểm tra cẩn thận hệ thống dây kết nối

Luôn phải kiểm tra cẩn thận hệ thống dây kết nối: Nếu bạn gặp sự cố với một bộ phần phần cứng máy tính cụ thể, chẳng hạn như màn hình hoặc bàn phím, bước đầu tiên và cũng là cần thiết nhất là kiểm tra tất cả các dây cáp có liên quan để đảm bảo xem chúng đã được kết nối đúng cách hay chưa.

Khởi động lại máy tính

Khởi động lại máy tính: Khi mọi giải pháp khác không thành công, thử khởi động lại máy tính là một cách làm đơn giản mà đôi khi cũng rất hiệu quả. Trên thực tế, khởi động lại máy tính có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề cơ bản mà bạn có thể gặp phải với máy tính của mình.

Sử dụng quy trình xóa

Sử dụng quy trình xóa

Nếu bạn gặp sự cố với máy tính của mình, bạn có thể tìm hiểu xem có gì sai sót bằng cách sử dụng quy trình xóa. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tạo ra một danh sách những tác nhân có thể gây ra vấn đề và sau đó kiểm tra kỹ lưỡng từng cái một để loại bỏ dần các tác nhân không chính xác. Một khi bạn đã xác định được nguồn gốc của sự cố xảy ra đối với máy tính của mình, việc tìm kiếm một giải pháp sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Cách thức tiến hành

Giả sử bạn đang cố gắng in một tấm thiệp mời cho bữa tiệc sinh nhật, nhưng máy in lại không hoạt động. Bạn có một số ý tưởng về những nguyên nhân có thể gây ra vấn đề này, bạn lên danh sách là sau đó xem xét từng cái một để xem liệu mình có thể loại bỏ được bất kỳ nguyên nhân nào có thể xảy ra hay không.

Cụ thể trong ví dụ này, đầu tiên, bạn kiểm tra máy in để xác định xem máy in đã được bật và kết nối đúng cách hay chưa. Nếu kết nối không phải là vấn đề thì tiếp theo, bạn nên kiểm tra để đảm bảo hộp mực của máy in vẫn có mực và trong khay vẫn còn giấy. Nếu tất cả vẫn ổn, bạn sẽ xác định được rằng vấn đề mà mình gặp phải không còn là những nguyên nhân chủ quan và dễ khắc phục nữa.

Bây giờ bạn muốn đảm bảo máy in và máy tính đang tương tác với nhau một cách chính xác. Nếu gần đây bạn đã tải xuống bản cập nhật cho hệ điều hành của mình, bản cập nhật đó có thể gây ảnh hưởng đến máy in. Nhưng nếu bạn biết máy tính của mình không có bất kỳ cập nhật nào gần đây và máy in ngày hôm qua vẫn còn hoạt động tốt, vì vậy vẫn đề sẽ không nằm ở tương thích.

Bạn kiểm tra dây USB của máy in và thấy rằng nó bị bung ra khỏi cổng kết nối. Bạn nhớ ra rằng mình đã vô tình tháo nó ra vào tối hôm qua để cắm một thiết bị khác. Khi bạn cắm lại dây USB, máy in sẽ bắt đầu hoạt động trở lại. Có vẻ như vấn đề về máy in này đã được giải quyết!

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản về các vấn đề mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng máy tính. Trong phần còn lại của bài học này, chúng ta sẽ nói về các vấn đề phổ biến khác thường gặp trên máy tính và một số cách để giải quyết các vấn đề này.

Giải pháp đơn giản cho các vấn đề phổ biến

Trong hầu hết các trường hợp, sự cố có thể được khắc phục bằng các kỹ thuật xử lý đơn giản, như đóng và mở lại chương trình. Điều quan trọng là bạn phải thử các giải pháp đơn giản này trước khi sử dụng đến các biện pháp phức tạp hơn. Nếu sự cố vẫn không được khắc phục, bạn có thể thử các kỹ thuật khắc phục sự cố khác.

Các vấn đề phổ biến

Sự cố: Không khởi động được máy tính

Giải pháp 1: Nếu máy tính của bạn không thể khởi động, hãy bắt đầu thử khắc phục bằng cách kiểm tra dây nguồn để xác dịch xem rằng nó đã được cắm chắc chắn vào mặt sau của vỏ máy tính và ổ cắm điện hay chưa.

Ổ cắm điện

Giải pháp 2: Nếu không có vấn đề gì về kết nối, hãy chắc chắn rằng ổ cắm vẫn hoạt động tốt. Để kiểm tra ổ cắm, bạn có thể thử cắm vào một thiết bị điện khác, chẳng hạn như đèn.

Giải pháp 3: Nếu máy tính được cắm vào một bộ ổn áp, hãy kiểm tra xem bộ ổn áp đó đã được bật hay chưa, cũng như kiểm tra xem có vấn đề gì với bộ ổn áp không.

Giải pháp 4: Nếu bạn đang sử dụng máy tính xách tay, pin có thể đã bị cạn. Cắm bộ đổi nguồn AC vào ổ điện, sau đó thử bật máy tính xách tay. Nếu vẫn không khởi động được, bạn có thể cần đợi một vài phút và thử lại.

Vấn đề: Ứng dụng chạy chậm

Giải pháp 1: Đóng và mở lại ứng dụng.

Giải pháp 2: Cập nhật ứng dụng. Để kiểm tra xem ứng dụng đã được cập nhật phiên bản mới nhất chưa, hãy nhấp vào menu trợ giúp và tìm tùy chọn kiểm tra bản cập nhật (check for Updates). Nếu bạn không tìm thấy tùy chọn này, một ý tưởng khác là tìm kiếm thông tin về cập nhật ứng dụng trực tuyến.

Kiểm tra xem ứng dụng đã được cập nhật phiên bản mới nhất chưa

Sự cố: Ứng dụng bị đóng băng

Đôi khi một ứng dụng có thể bị lỗi hoặc bị đóng băng. Khi những hiện tượng này xảy ra, bạn sẽ không thể đóng cửa sổ hoặc nhấp vào bất kỳ nút nào trong ứng dụng.

Giải pháp 1: Buộc ứng dụng dừng hoạt động. Trên PC, bạn có thể nhấn (và giữ) tổ hợp phím Ctrl + Alt + Delete (các phím Control, Alt và Delete) trên bàn phím để mở trình quản lý Tác vụ (Task Manager). Trên máy Mac, nhấn và giữ Command + Option + Esc. Sau đó, bạn có thể chọn ứng dụng không phản hồi và nhấp vào End task (hoặc Force Quit trên máy Mac) để đóng ứng dụng đó.

Task Manager

Giải pháp 2: Khởi động lại máy tính. Nếu bạn không thể thoát khỏi một ứng dụng, khởi động lại máy tính sẽ giúp đóng tất cả các ứng dụng đang chạy trên hệ thống.

Vấn đề: Tất cả các chương trình trên máy tính đều chạy chậm

Giải pháp 1: Sử dụng các chương trình quét virus. Rất có thể có phần mềm độc hại chạy trong nền đang làm chậm khả năng xử lý của hệ thống.

Quét virus

Giải pháp 2: Máy tính của bạn có thể đang hết dung lượng ổ cứng. Hãy thử dọn dẹp lại hệ thống, xóa tất cả các tệp hoặc chương trình nào bạn không dùng đến nữa xem tốc độ của hệ thống có được cải thiện hay không.

Giải pháp 3: Nếu bạn đang sử dụng PC, bạn có thể chạy Disk Defragmenter. Để tìm hiểu thêm về Disk Defragmenter, hãy xem lại bài học 16 về cách bảo vệ máy tính của bạn.

Sự cố: Máy tính bị đóng băng

Đôi khi máy tính của bạn có thể đột nhiên hoàn toàn không phản hồi hoặc bị đóng băng (bị đơ). Khi hiện tượng này xảy ra, bạn sẽ không thể thực hiện được bất cứ một tác vụ nào cả.

Giải pháp 1 (chỉ dành cho Windows): Khởi động lại Windows Explorer. Để thực hiện việc này, bạn nhấn và giữ tổ hợp phím Ctrl + Alt + Delete để mở trình quản lý tác vụ. Tiếp theo, định vị và chọn Windows Explorer từ tab Processes, sau đó nhấn Restart. Bạn có thể sẽ cần phải nhấp vào mục More Details ở cuối cửa sổ để mở tab Processes.

Trình quản lý tác vụ

Giải pháp 2 (Chỉ dành cho máy Mac): Khởi động lại trình tìm kiếm (Finder). Để thực hiện việc này, nhấn và giữ tổ hợp phím Command + Option + Esc để mở hộp thoại Force Quit Applications. Tiếp theo, định vị và chọn Finder, sau đó nhấp vào Relaunch.

Finder

Giải pháp 3: Nhấn và giữ nút nguồn để tắt thiết bị. Nút Nguồn thường nằm ở mặt trước hoặc mặt bên của cây CPU máy tính, thường được biểu thị bằng biểu tượng nguồn. Nhấn và giữ nút Nguồn trong 5 đến 10 giây để buộc máy tính tắt.

Giải pháp 4: Nếu máy tính vẫn không tắt, bạn có thể rút dây nguồn khỏi ổ cắm điện. Nếu bạn đang sử dụng máy tính xách tay, bạn có thể tháo pin để buộc máy tính tắt. Lưu ý: Giải pháp này là hạ sách, chỉ nên được sử dụng sau khi bạn đã thử làm tất cả các đề xuất khác ở trên mà vẫn không có hiệu quả.

Vấn đề: Chuột hoặc bàn phím ngừng hoạt động

Giải pháp 1: Nếu bạn đang sử dụng chuột hoặc bàn phím có dây, hãy đảm bảo nó được cắm vào máy tính đúng cách.

Giải pháp 2: Nếu bạn đang sử dụng chuột hoặc bàn phím không dây, hãy đảm bảo rằng kết nối trên thiết bị đã được bật và pin trên thiết bị vẫn còn sử dụng được.

Sự cố: Mất âm thanh

Giải pháp 1: Kiểm tra mức âm lượng hiện tại. Nhấp vào nút âm thanh ở góc trên cùng bên phải hoặc dưới cùng bên phải của màn hình để đảm bảo âm thanh được bật và mức âm lượng là đủ nghe.

Kiểm tra mức âm lượng hiện tại

Giải pháp 2: Kiểm tra các thiết lập của trình phát âm thanh. Nhiều trình phát âm thanh và video sẽ có các thiết lập về âm thanh riêng biệt. Hãy đảm bảo âm thanh được bật và các thiết lập là chuẩn xác.

Kiểm tra các thiết lập của trình phát âm thanh

Giải pháp 3: Kiểm tra hệ thống dây kết nối. Đảm bảo loa ngoài được cắm vào ổ điện, và jack kết nối đã được cắm đúng cổng âm thanh (cổng 3.5 hoặc cổng USB). Nếu máy tính của bạn có cổng được mã hóa màu, cổng tín hiệu đầu ra âm thanh thường sẽ có màu xanh lục.

Giải pháp 4: Kết nối tai nghe với máy tính để tìm hiểu xem bạn có thể nghe thấy âm thanh qua tai nghe không.

Sự cố: Màn hình không hiển thị

Màn hình không hiển thị

Giải pháp 1: Máy tính của bạn có thể đang ở chế độ Sleep. Nhấp chuột hoặc nhấn vào bất kỳ phím nào trên bàn phím để đánh thức thiết bị.

Giải pháp 2: Đảm bảo màn hình và cây CPU đã được cắm vào ổ điện và bật nguồn.

Giải pháp 3: Nếu bạn đang sử dụng máy tính để bàn, hãy đảm bảo cáp màn hình được kết nối đúng cách với cây CPU và cả cổng nhận tín hiệu của màn hình.

Giải quyết các vấn đề phức tạp hơn

Nếu bạn vẫn chưa tìm được giải pháp cho vấn đề của mình, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên trước tiên bạn nên thử tìm kiếm thông tin trên Internet trước xem sao. Có thể những người dùng khác cũng đã từng gặp phải sự cố tương tự và giải pháp cho những sự cố này thường được chia sẻ rất nhiều trên những trang tin, diễn đàn công nghệ trực tuyến. Ngoài ra, nếu bạn có một người bạn hoặc thành viên gia đình biết nhiều về máy tính, họ cũng có thể giúp bạn.

Tìm kiếm thông tin trên Internet

Hãy nhớ rằng hầu hết các sự cố máy tính từ đơn giản đến phức tạp đều phải có các phương án giải quyết, mặc dù có thể mất chút thời gian để để tìm tòi cũng như thử nghiệm. Đối với các vấn đề khó khăn, bạn có thể sẽ phải cần tới một giải pháp quyết liệt hơn, ví dụ như định dạng lại ổ đĩa cứng hoặc cài đặt lại hệ điều hành của mình. Nếu bạn nghĩ rằng mình cần phải sử dựng đến một giải pháp như vậy, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước bởi nếu bạn không có nhiều kiến thức về máy tính, việc thử nghiệm các giải pháp này có thể chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Trên đây là một số sự cố thường gặp trên máy tính cũng như các phương thức giải quyết cơ bản, ở bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu về cách sử dụng các công cụ trợ giúp được tích hợp sẵn trên máy tính của bạn. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

Thứ Sáu, 30/11/2018 16:49
4,34 👨 2.927
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức sử dụng