Bí ẩn hồ "tử thần" ở châu Phi cướp đi hơn 1700 sinh mạng trong một đêm

Lượng khí CO2 khổng lồ được sản sinh ra từ hồ này đã gây ra một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử.

Hồ Nyos, nằm trên miệng núi lửa đã ngừng hoạt động ở phía Tây Bắc của Cameroon, châu Phi. Hồ có diện tích mặt nước là hơn 1,5 triệu mét vuông với chiều dài 1,2km. Sẽ không có gì để nói về hồ Nyos nếu như nó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của 1.746 người, cùng hơn 3.500 gia súc, gia cầm vào ngày 21/8/1986.

Hồ Nyos

Vào ngày định mệnh đó, không khí ở làng Nyos rất rộn ràng vì năm nay cả làng được mùa ngô. Tất cả mọi thứ diễn ra đều bình thường cho đến 8h30, họ bỗng nghe thấy tiếng sùng sục phát ra từ phía hồ.

Những đám mây mang theo hàng trăm nghìn tấn CO2 di chuyển với tốc độ rất nhanh, 100km/h đã bao phủ nhiều làng quê quanh đó. Ngay sau đó, tất cả con người và gia súc ngã gục xuống và chết dần trong giấc ngủ, các loài có cánh bay trên trời cũng không thoát khỏi "bàn tay của tử thần". Chỉ trong vài giờ, nhiều ngôi làng như Nyos, Cha và Subum hầu như bị xóa sổ không còn một ai, một con vật nào sống sót.

Theo các chuyên gia, do CO2 nặng hơn không khí nên nó nhanh chóng thay thế oxy chìm xuống với độ dày lên tới 50m khiến không một sinh vật nào có thể sống sót.

Những xác chết của gia súc bên hồ Nyos

Sau khi thảm họa xảy ra, một nhà địa chất đã phát hiện mực nước trong hồ Nyos giảm khoảng 1m. Từ lượng nước bị giảm sút, các nhà khoa học đã tính toán được lượng khí CO2 thoát ra vào khoảng 1,7 triệu tấn.

Hồ Nyos được hình thành trong quá trình nguội đi của núi lửa và do tích tụ nước mưa. Lượng CO2 thoát ra từ núi lửa tích tụ hàng trăm năm trong đáy hồ, không thoát ra được. Do nhiệt độ ở vùng hồ Nyos và phụ cận quanh năm ấm áp khiến lớp nước ở mặt hồ có nhiệt độ cao hơn so với khí CO2 lớp đáy hồ và trở thành một "cái nút" giữ cho CO2 không thể thoát ra. Nhưng vì một lý do nào đó mà "cái nút" bị mở ra khiến cho lớp khí độc chết người thoát ra.

Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia địa chất đã đưa ra kết luận, do lở đất làm xáo trộn lớp nước ấm và lớp nước dưới đáy khiến khí CO2 thoát ra ngoài dưới dạng các bọt khí nổi lên trên mặt nước. Những bong bóng khí đó lôi cuốn nước lên cao và khi lên khỏi mặt nước chúng bùng lên thành một cột nước khổng lồ và nổ tung, khí CO2 thoát ra tựa như những đám mây.

Sau sự kiện đau lòng đó, hồ Nyos được mệnh danh là "Killersee, hồ giết người", các làng quanh hồ phải di dời đi nơi khác.

Từ năm 2001, các nhà khoa học đo được lượng khí độc CO2 ở đáy hồ cao gấp đôi so với năm 1986, khi thảm họa xảy ra. Để tránh thảm họa xảy ra thêm một lần nữa, các chuyên gia đã luồn những đường ống xuống đáy của hồ để khí CO2 thải dần vào không khí.

Nhưng có một vấn đề hác lại xảy ra, vành đai tự nhiên xung quanh hồ bắt đầu yếu dần, có nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Để phòng tránh, các nhà khoa học đã xây đập xung quanh để bảo vệ hồ nhưng điều đó vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn. Chỉ cần một cơn mưa lớn, rất có thể thảm họa sẽ lại xảy ra một lần nữa và nếu xảy ra nó còn khủng khiếp hơn cả vụ nổ khí CO2 năm 1986.

Thứ Tư, 17/05/2017 11:51
31 👨 613
0 Bình luận
Sắp xếp theo