Đừng bao giờ chọn 8 kiểu người này làm đối tác khởi nghiệp

Khởi nghiệp thành công hay thất bại - phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ sáng lập.

Khởi nghiệp đang là một xu thế không phân biệt lứa tuổi và đa phần, ai cũng hiểu rằng "đơn thương, độc mã" đồng nghĩa với khả năng lớn sẽ thất bại. Vì lý do này mà nhu cầu tìm kiếm các đồng sáng lập hay đối tác khởi nghiệp ngày càng nhiều – để tăng thêm nguồn vốn ban đầu hay hỗ trợ nhau ở các kỹ năng còn thiếu – tất cả đều cần một kế hoạch cẩn thận.

Nhiều doanh nhân thành công hiện nay đều có các đối tác gần như hoàn hảo, Sergey Brin - Larry PageGoogle, Mark Zuckerberg cùng 4 co-founder khác và Facebook. Tất cả các đối tác một khi đã liên hiệp lại sẽ cùng nhau chia sẻ thành công và những thách thức trong quá trình kinh doanh; đồng thời, chính sự liên kết này cũng sẽ tạo ra các đòn bẩy sức mạnh giúp startup đứng vững trước mọi sóng gió.

Xem thêm:

Tuy nhiên, bên cạnh các tố chất đặc trưng của một partner lý tưởng như cùng chung tầm nhìn, tính cách, có kỹ năng khác biệt, cảm thông, chia sẻ thì mỗi người khởi nghiệp khi tìm kiếm bạn đồng hành cũng cần nắm rõ một vài yếu tố quan trọng khác – chính là các dấu hiệu để nhận biết một người không phải là Co-founder phù hợp. Nắm rõ được các điểm đó, bạn sẽ dễ dàng tập trung vào những người mình cần tìm hơn.

Dưới đây là 8 dấu hiệu cho thấy một người không phải là partner lý tưởng mà bạn đang tìm kiếm.

1. Người chỉ nói mà không hành động

Có 3 loại người trên thế giới: (1) người vừa nói hay vừa làm giỏi, (2) người không biết cách ăn nói nhưng những hành động của họ lại rất tuyệt vời và (3) những người nói hay nhưng làm thì dở ẹc, thậm chí là chỉ nói và không làm. Số 3 chính là kiểu người nguy hiểm nhất mà các nhà khởi nghiệp cần tránh khi tìm kiếm đồng sáng lập.

Khởi nghiệp

Những người nói nhiều – làm dở sẽ khiến bạn tin rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, rằng tất cả đang nằm trong tầm kiểm soát và nếu không đủ may mắn bị cuốn theo những lời nói "đường mật" này thì chẳng mấy chốc bạn sẽ nhận ra rằng mình là một kẻ ngốc thật sự.

Trong buổi nói chuyện với đối tác tiềm năng, hãy chắc chắn là bạn đã xem kỹ hồ sơ hoặc CV và để họ trình bày cụ thể về những dự án, công trình hay các thương vụ kinh doanh mà họ đã từng tham gia. Đồng thời, đừng vội vàng tin vào những gì họ nói để tránh bị "shock" sau khi xác nhận lại.

Trong thời buổi Internet đang thống trị thông tin thì mọi thứ dường như đều có sẵn. Do vậy, khi tìm kiếm trên mạng mà gần như chẳng có bất cứ một dữ liệu nào về họ, hãy cảnh giác. Bất cứ một thành tích "rực rỡ" nào cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng và chính bạn nên là người thực hiện điều đó.

Twitter, Linkedin, Facebook, Blog, YouTube, website cá nhân hay chỉ là một dòng nhỏ đề cập đến tên của họ trên báo, bạn đều phải chú ý.

2. Người có không có tính cách nhất quán

Khởi nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro. Chính vì vậy không có bất cứ tài nguyên nào, kể cả thời gian được phép lãng phí. Nếu đối tác của bạn là người không kiên định, thiếu nhất quán thì nguồn lực sẽ được phân bổ không phù hợp một khi họ làm chủ.

Chẳng vấn đề gì nếu bạn có đủ nguồn lực để "lãng phí", thi thoảng cũng cần phải chấp nhận đầu tư, đặc biệt là quá trình cải tiến. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp thì việc tập trung vào một hoặc hai vấn đề quan trọng nhất là điều cốt lõi nếu bạn muốn đi tiếp.

Bạn có thể kiểm tra điều này bằng cách xem kỹ hồ sơ của đối tác. Liệu họ có "nhảy việc" liên tục chỉ trong một thời gian ngắn? Nếu có, hãy liên hệ với người tham khảo để xác nhận và ra quyết định cuối cùng.

3. Người có khả năng giao tiếp kém

Thế giới rộng lớn và không thiếu những người khiến bạn không hài lòng. Đối tác của bạn là người nước ngoài, bỏ nhiều vốn hơn hay có kỹ năng chuyên môn xuất sắc hơn bạn thì điều đó cũng không có nghĩa họ được phép hét thẳng vào mặt bạn trước chỗ đông người hay lớn tiếng trong các buổi họp.

Giao tiếp

Không có gì tệ hơn khi bất đồng giữa các nhà sáng lập khởi nghiệp xuất hiện. Bởi nó sẽ là điềm báo cho những điều không hay xảy ra sau đó.

Ngoài ra, nếu chọn sai đồng sáng lập – người hành xử thiếu chuyên nghiệp, không đối xử tốt với mọi người và đa phần các nhân sự đều không thích anh ta thì rõ ràng, bạn đã chọn nhầm đối tác.

Để biết ai là bạn đồng hành đích thực, hãy dành cho người đã được chọn thời gian thử thách 1 tháng. Trong thời gian này, bạn có thể theo dõi, quan sát, thu nhận các phản hồi từ nhân viên, sử dụng các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) và quá trình làm việc trực tiếp với họ để quyết định liệu họ có phải là người bạn đang tìm kiếm.

4. Người không có khả năng làm việc nhóm

Thiếu kỹ năng xã hội là một chuyện, không có khả năng làm việc nhóm lại là một chuyện khác cần phải bàn kỹ. Khởi nghiệp cần sự kết nối chặt chẽ của tất cả các thành viên trong bộ phận sáng lập. Bạn đang tìm kiếm bạn đồng hành để xây dựng một Team gồm các siêu sao chứ không phải là để sản xuất một bộ phim - nơi mọi người cùng chơi trò "Good cop, bad cop".

Good cop/Bad cop là một kỹ thuật mà cảnh sát thường sử dụng khi muốn lấy lời khai thật của một tên tội phạm. Cụ thể, nếu như hai cảnh sát cùng "chơi" trò Good cop/Bad cop với một ai đó thì một người sẽ thể hiện sự đồng cảm, thân thiện (Good cop), còn người kia sẽ tỏ ra rất hung hăng, giận dữ (Bad cop).

Một đối tác xuất sắc về kỹ năng cứng nhưng lại tỏ ra thiếu hợp tác với các thành viên trong đội, không chịu lắng nghe, bảo thủ, tỏ ra thờ ơ với các nhiệm vụ đòi hỏi tính cộng đồng thì bạn cần xem xét lại vị trí của họ trong ban sáng lập. Người như vậy khó có thể cùng đi chung trên một con đường được.

5. Người có quá nhiều mối quan tâm khác

Startup

Không có gì khó hiểu khi nhiều người có đến vài ba dự án đầu tư cùng lúc. Tuy nhiên, một khi đã quyết định tham gia vào một startup thì điều mà mỗi người cần hiểu rõ đó là sự sẵn sàng hy sinh và tập trung là yếu tố cốt lõi để tạo nên thành quả. Nếu chấp nhận một người cùng tham gia vào 2, 3 nhóm khởi nghiệp liên tục thì bạn cần lường trước mọi rủi ro phía trước.

6. Người có "cái tôi" quá lớn

Ai cũng có "cái tôi" riêng của mình và nhân tài thì "cái tôi" thường sẽ lộ rõ. Bạn phải chấp nhận điều này, tuy nhiên, không có nghĩa là bạn nên hợp tác với một con người đầy tài năng với "cái tôi" quá lớn.

Người có "cái tôi" quá lớn thường sẽ khiến một nhóm làm việc khó đưa ra được quyết định cuối cùng và đồng nhất. Bởi họ luôn cố gắng bảo vệ quan điểm của mình và cố tìm mọi lý lẽ để chứng minh điều người khác nói là sai lầm. Trong các tình huống quan trọng như mua hàng, xử lý phàn nàn của khách hàng hay khủng hoảng truyền thông, một sự chậm trễ hoặc không phù hợp trong quyết định sẽ là dấu hiệu khiến startup có nguy cơ thất bại.

7. Người thích "50 – 50"

Có rất nhiều kiểu đối tác. Trong đó, một loại được gọi là "money partner" – sẵn sàng đầu tư vốn cho mọi thứ, một loại khác là "working partner" – sẵn sàng làm mọi thứ và loại cuối cùng là "equal partner" – người luôn muốn phân chia rõ ràng về tiền bạc – thời gian – công việc. Trong mọi trường hợp, đối tác kiểu "50 – 50" như vậy luôn là sự lựa chọn sai lầm sẽ "giết chết" giấc mơ khởi nghiệp của bạn.

60/40 hay 52/48 đều được nhưng đừng bao giờ chọn 50 – 50. Cùng một tỷ lệ là "công thức" khiến startup thất bại trong dài hạn. Bạn cần tìm một ai đó xuất sắc về kiểm soát, có trách nhiệm và có khả năng ra quyết định cuối cùng. Ngay cả trong bóng đá, vẫn luôn có một người có thẩm quyền lớn hơn các đội trên sân và đó chính là trọng tài. Nếu chấp nhận ai cũng có quyền hành và sự hy sinh ngang nhau thì không một ai chịu thỏa hiệp để ra quyết định cả.

Nhóm sáng lập cần một ai đó đứng đầu và có tiếng nói.

Đồng sáng lập

Kathleen King – một startup với ý tưởng mở cửa hàng bánh ngọt ở Southampton (NY) là một ví dụ. Sau khi việc kinh doanh gặt hái được những thành công nhất định, cô đã quyết định để hai anh trai của mình làm đối tác với tỷ lệ sở hữu chia đều cho mỗi người là 33,33%. Tuy nhiên, không lâu sau thì hai người anh đã liên kết với nhau và "đá" King ra khỏi công ty do chính cô tạo dựng.

8. Người luôn đồng ý với mọi thứ bạn nói

Trong 8 kiểu đối tác được liệt kê trong bài viết này thì đây là kiểu đối tác nguy hiểm nhất. Sẽ rất tuyệt vời nếu có ai đó đồng quan điểm với bạn, tuy nhiên, đây cũng chính là rủi ro tiềm ẩn, là cái "bẫy chết người" mà các startup cần chú ý. Bởi lẽ, bạn sẽ dễ dàng tin rằng mọi thứ luôn đi đúng hướng và không một ai đứng ra thẩm định lại các ý tưởng cũng như kế hoạch hành động cả.

Người ta gọi đây là "confirmation bias" (lỗi chỉ nhăm nhăm đi tìm bằng chứng ủng hộ một mệnh đề nào đó, rồi cho rằng mệnh đề đó đúng).

Đừng tìm kiếm những người có đúng các kỹ năng mà bạn có. Hãy tìm những người có thể giúp bạn hoàn thiện những tố chất mà bạn không có. Nếu bạn giỏi về sáng tạo nội dung, hãy tìm đối tác xuất sắc về marketing – truyền thông – quảng cáo. Nếu bạn giỏi về kỹ năng bán hàng, hãy tìm đối tác có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Đó mới chính là nền tảng để khởi nghiệp.

Theo chiều ngược lại, bạn cũng không nên đồng ý với tất cả những gì mà đối tác nói. Quy luật ở đây là khi tất cả mọi người trong phòng đồng ý với một vấn đề thì phải luôn có ít nhất một người sẵn sàng đưa ra các ý kiến phản bác lại.

Tổng kết:

Bắt đầu kinh doanh giống như bạn đang ở dưới chân núi và chuẩn bị leo lên một đỉnh núi cao chót vót vậy. Bạn chỉ có thể giảm thiểu được rủi ro khi tìm kiếm được bạn đồng hành – người mà có thể giúp bạn có thêm động lực, niềm tin và cùng hỗ trợ nhau trong quá trình đi đến mục tiêu cuối cùng.

Thứ Sáu, 08/07/2016 07:46
51 👨 1.563
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc