Điều gì khiến Thomas Edison trở thành thiên tài khi cả đời ông chỉ đến trường đúng 3 tháng

Khi thầy giáo nói Thomas Edison bị đần độn và điên khùng, mẹ ông đã cho con nghỉ học và tự dạy con ở nhà.

Thomas Alva Edison (11/2/1847 – 18/10/1931) là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống trong thế kỷ 20. Trong 84 năm của cuộc đời mình, người được mệnh danh là "Thầy phù thủy ở Menlo Park" này sở hữu tổng cộng 1.093 bằng sáng chế mang tên ông. Trong đó, phát minh nổi tiếng nhất phải kể đến của ông là bóng đèn điện. Ngoài ra còn có máy quay đĩa, nhiều hệ thống điện, máy chiếu phim, máy điện báo, máy ghi âm...

Thomas Alva Edison
Thomas Edison là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới.

Thuở thiều thời, Edison từng là một cậu nhóc hiếu kì, nhưng lại là một học sinh kém ở trường, vì đầu óc cậu lúc nào cũng lơ mơ, không tập trung. Cậu út của gia đình có 7 người con, thường được gọi bằng cái tên thân mật là Al, theo học ngôi trường độc nhất trong thị trấn... chỉ vỏn vẹn đúng ba tháng. Thầy giáo của Al đã chỉ vào cậu và nói rằng: "Trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn". Điều này đã khiến bà Nancy – mẹ của Thomas Edison hết sức tức giận và bà quyết định cho con nghỉ học ở trường. Vốn trước đây từng là giáo viên ở Canada, bà quyết định dạy con học tại nhà. Suốt 6 năm trời, Al được học dần các môn Lịch sử của Hi Lạp, La Mã và sử thế giới. Nhưng môn học yêu thích nhất của cậu chính là khoa học.

Bà Nancy đã có công rất lớn trong việc tạo một nền tảng vững chắc để cậu bé Al sau này có thể tiến xa trên con đường khoa học và trở thành nhà phát minh lớn nhất của thế kỷ. Sau này, Thomas Edison đã tỏ lòng biết ơn dành cho mẹ rằng: "Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà luôn tin tưởng tôi. Tôi cảm thấy rằng mình có một lý do gì đó để sống, một ai đó để không thể làm thất vọng."

Vậy bí quyết của bà Nancy để dạy con ở nhà trở thành một thiên tài như vậy?

Khuyến khích con khám phá mọi thứ

Edison là một cậu bé rất hiếu động và thích khám phá thế giới xung quanh. Cũng như nhiều đứa trẻ, cậu thường đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao. Trước những câu hỏi kì lạ của con, trong khi nhiều bậc phụ huynh sẽ mắng con hay tỏ ra khó chịu khi con hỏi nhiều hay chỉ trả lời một cách qua loa thì bà Nancy, mẹ cậu thường kiên trì giảng giải tỉ mỉ và còn kích thích thêm sự tò mò của đứa con.

Một lần, Edison hỏi bố: "Bố ơi, tại sao lại có gió?". Bố trả lời: "Edison, con không hiểu được đâu!". Edison lại hỏi: "Tại sao con lại không hiểu được?". Bố đáp: "Con hãy thử hỏi mẹ con xem". Thế là Edison tìm đến mẹ và hỏi. Sau đó, bà Nancy đã trách chồng: "Anh không thể lúc nào cũng nói với con là nó không biết gì cả. Như thế là kìm hãm lòng ham hiểu biết của con chúng ta rồi đấy!".

Lúc còn nhỏ, Edison rất hay tò mò về mọi thứ xung quanh và luôn đặt ra những câu hỏi vì sao.
Lúc còn nhỏ, Edison rất hay tò mò về mọi thứ xung quanh và luôn đặt ra những câu hỏi vì sao.

Edison cũng thường phá tung những món đồ chơi của mình rồi chăm chú nghiên cứu và lắp ráp chúng lại theo những cách khác nhau. Cha của Edison cảm thấy rất phiền lòng, nhưng mẹ cậu thường xoa dịu ông bằng những câu nói ngọt ngào: "Anh à, con trai của chúng ta chỉ muốn xem cách thức hoạt động của các loại đồ chơi thôi mà. Trẻ con thích nghiên cứu tìm tòi cũng là một điều tốt đấy".

Tin tưởng vào con và khuyến khích niềm đam mê của con

Trong khi nhà trường và thầy giáo luôn cho rằng Edison học kém và có vấn đề về đầu óc, thì mẹ của ông vẫn có một niềm tin mạnh mẽ ở con và không ngừng khẳng định con mình là người thông minh. Điều này là vô cùng quan trọng đối với thành công của con cái sau này. Bố mẹ cần tôn trọng trẻ và giúp trẻ ý thức được giá trị của chính mình, nó sẽ giúp trẻ trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn.

Matthew Josephson, tác giả cuốn tiểu sử về Edison, viết về bà Nancy: "Bà không ép buộc hay khuyên con trai học hành. Bà chỉ cố gắng kích thích sự hứng thú của con bằng cách đọc cho con nghe những tác phẩm văn học xuất sắc. Bà ấy là một người mẹ tuyệt vời".

Chân dung bà Nancy Matthews Elliott - mẹ của Thomas Edison.
Chân dung bà Nancy Matthews Elliott - mẹ của Thomas Edison.

Chính bà Nancy cũng là người đã khuyến khích và nuôi dưỡng niềm đam mê của Edison đối với khoa học. Bà đã mua cho Edison một cuốn sách giải thích và hướng dẫn cách thực hiện những thí nghiệm khoa học ở nhà có tên "School of Natural Philosophy" (Trường học về triết lý khoa học tự nhiên) của tác giả R.G.Parker. Edison đã từng chia sẻ rằng đó là "quyển sách về khoa học đầu tiên mà tôi đọc lúc còn nhỏ." Nó đã giúp việc học của Edison trở nên thú vị hơn rất nhiều, và ông đã làm hết tất cả những thí nghiệm có trong cuốn sách. Sau khi thấy con đã nghiền ngẫm hết cuốn sách, bà Nancy lại mua cho con một quyển "Từ điển khoa học" để khuyến khích niềm đam mê của con.

Luôn linh hoạt và đa dạng trong phương pháp dạy

Có thể nói Edison đã được một nền giáo dục tại nhà vô cùng tuyệt vời. Đó không phải là do mẹ của ông có bằng cấp giảng dạy hay kinh nghiệm giảng dạy vì bà chỉ từng đi dạy trong một thời gian ngắn. Cũng không phải gia đình ông có điều kiện, họ là một gia đình nghèo sống ở ngoại ô của một thị trấn nhỏ. Đó là nhờ bí quyết của bà Nancy: bà tận tụy hơn bất kì giáo viên nào và bà có rất nhiều phương pháp dạy học khác nhau để khơi gợi niềm đam mê học ở con. Bà làm được điều mà các giáo viên trường học cũ của Edison không làm được. Bằng lòng tận tụy và sự đa dạng trong cách truyền tải nội dung bài học, bà tạo cho con niềm yêu thích học tập.

Chính mẹ là người đã khuyến khích và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với khoa học của Edison.
Chính mẹ là người đã khuyến khích và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với khoa học của Edison.

Lúc Edison còn nhỏ, bà dạy con học bằng cách mua sách và cho con làm quen với những quyển sách, những tác phẩm nổi tiếng. Đến năm Edison 11 tuổi, việc dạy học của mẹ không còn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu kiến thức của ông. Nancy Edison dẫn Edison tới thư viện và khuyến khích ông đọc sách để giải cơn khát kiến thức. Bà cũng khuyến khích Edison chơi đùa ngoài trời, tìm hiểu thiên nhiên và học một cách thực tiễn qua những thí nghiệm khoa học.

Bà không chỉ dạy Al về học vấn mà còn rèn luyện cho cậu một phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Al được mẹ nhắc nhở các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin, cần cù cộng với lòng ái quốc và tình yêu nhân loại. Những điều này đã chứng minh, người thầy tốt nhất của con, không ai khác, chính là cha mẹ. Việc giáo dục trẻ phải bắt đầu từ gia đình. Gia đình chính là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ và cũng là người thầy sẽ dạy trẻ lâu nhất.

Thứ Ba, 25/10/2016 11:29
54 👨 3.549
0 Bình luận
Sắp xếp theo