9 điều quan trọng cần làm sau khi cài đặt i3wm

Nếu đánh giá cao sự tối giản và đang muốn tăng tốc quy trình làm việc của mình, bạn chắc chắn nên chuyển sang trình quản lý cửa sổ dạng title. Với thiết lập và tinh chỉnh phù hợp, trình quản lý cửa sổ có thể tăng năng suất của bạn theo cấp số nhân đồng thời tạo thêm nét thẩm mỹ cho desktop.

i3wm hay i3 Window Manager, là một lựa chọn phổ biến cho cả những người mới bắt đầu cũng như người dùng lâu năm. Nó nhẹ, có thể tùy chỉnh cao, mạnh mẽ và hoàn toàn phù hợp cho bất kỳ ai mới mạo hiểm tham gia vào thế giới Linux.

Bài viết này nêu rõ tất cả các tác vụ cần thiết mà bạn nên thực hiện sau khi cài đặt i3wm để bắt đầu chuyển đổi từ môi trường desktop truyền thống.

1. Chỉ định phím cho Super Key

Khi bạn khởi động vào phiên i3 lần đầu tiên, bạn sẽ được nhắc thiết lập keybinding mặc định cho chức năng Super. Đó là một keybinding quan trọng mà bạn sẽ sử dụng mãi mãi bên trong i3 hoặc bất kỳ trình quản lý cửa sổ nào.

Theo mặc định, i3wm cung cấp cho bạn tùy chọn liên kết phím Win hoặc phím Alt thành Super. Đó là điều mà mọi người thường làm, tuy nhiên, bạn có thể tự do chọn bất kỳ phím nào mình thích.

2. Thiết lập hình nền với Nitrogen

Nếu bạn cài đặt i3wm từ đầu, rất có thể nó sẽ chào đón bạn với một màn hình trống. Mặc dù ấn tượng đầu tiên không hấp dẫn lắm, nhưng đừng lo, vì nó chỉ mất một số lệnh để thay đổi hình nền vĩnh viễn.

Để thay đổi hình nền i3wm, bạn cần cài đặt trình quản lý hình nền. Nitrogen là một trình quản lý hình nền phổ biến cho phép bạn quản lý và đặt hình nền.

Cài đặt Nitrogen trên desktop Linux bằng trình quản lý gói của bản phân phối:

Trên các dẫn xuất Ubuntu/Debian:

sudo apt install nitrogen

Trên Arch Linux:

sudo pacman -S nitrogen

Trên hệ thống RHEL/CentOS/Fedora:

sudo dnf install nitrogen

Để đặt hình nền, hãy kích hoạt Nitrogen và điều hướng đến thư mục lưu trữ hình nền. Nitrogen sẽ tự động nạp các hình ảnh để bạn lựa chọn.

Ngoài ra, thêm dòng này vào file cấu hình i3wm để tự động thực thi Nitrogen và khôi phục hình nền mỗi khi bạn đăng xuất hoặc refresh i3wm:

exec always nitrogen --restore

3. Cài đặt và thiết lập Picom Compositor

Picom Compositor

i3wm, theo mặc định, không đi kèm với compositor. Vì vậy, nếu bạn đang tìm cách thêm hiệu ứng mờ, trong suốt hoặc bất kỳ hiệu ứng hình ảnh ưa thích nào như được thấy trong subreddit r/unixporn, bạn sẽ cần cài đặt riêng một compositor.

Compton từng là compositor phù hợp nhất cho người dùng i3wm. Nhưng gần đây, picom, một nhánh của Compton, đã tiếp quản vị trí này. Cài đặt picom compositor, thiết lập nó để tự động khởi động như bạn đã thực hiện với Nitrogen.

Sử dụng một compositor cũng sẽ khắc phục mọi sự cố rách hình hoặc những vấn đề mà bạn có thể gặp phải trong i3wm.

Cài đặt Picom Compositor

Cài đặt picom compositor khá đơn giản và quá trình này giống hệt như cài đặt bất kỳ gói nào trên Linux. Để cài đặt picom, hãy kích hoạt terminal và chạy các lệnh sau tùy thuộc vào bản phân phối bạn đang chạy:

Trên các hệ thống dựa trên Arch:

sudo pacman -S picom

Trên các dẫn xuất Debian/Ubuntu:

sudo apt install -y picom

Trên hệ thống RHEL/Fedora/CentOS:

sudo dnf install picom

Thiết lập picom tự động thực thi

Để tự động chạy picom ngay khi bạn đăng nhập vào phiên quản lý cửa sổ i3 của mình, hãy thêm một dòng vào file cấu hình i3wm để cho i3 thực thi picom khi bắt đầu phiên.

Nhập dòng này vào bất kỳ vị trí nào trong file cấu hình và sau đó load lại i3wm bằng cách nhấn phím Super + Shift + R:

exec picom

4. Thay đổi trình giả lập Terminal

File cấu hình i3wm ban đầu sẽ trỏ đến i3-sensible-terminal làm terminal mặc định. Mặc dù không có hại gì khi sử dụng những thứ có sẵn, nhưng bạn thực sự đang bỏ lỡ các tùy chọn tốt hơn cung cấp những tính năng mở rộng và khả năng tùy chỉnh. Alacritty, Terminator, Kitty là một vài cái tên bạn có thể xem xét.

Nếu không chắc chắn nên chọn terminal nào, hãy tìm hiểu thêm về các trình giả lập terminal Linux tốt nhất.

Để thay đổi trình giả lập terminal mặc định của bạn trong i3wm, hãy chỉnh sửa dòng này trong file cấu hình và thay thế "i3-sensible-terminal" bằng terminal ưa thích của bạn. Ví dụ, để đặt Alacritty làm terminal mặc định, bạn có thể nhập:

bindsym $mod+Return exec alacritty

5. Cài đặt dmenu

Bạn có thể đã nhận thấy rằng trái ngược với các môi trường desktop như GNOME hoặc XFCE, việc nhấn phím Super không làm xuất hiện menu ứng dụng.

Để chạy một ứng dụng trong i3wm, bạn phải khởi chạy ứng dụng đó thông qua terminal hoặc sử dụng trình khởi chạy ứng dụng. dmenu là một lựa chọn chắc chắn cho những thứ tương tự và thường được cài đặt sẵn với các bản phân phối cung cấp biến thể i3wm. Nó nhanh chóng, gọn nhẹ và dễ dàng tùy chỉnh.

Bạn có thể cài đặt dmenu vào hệ thống Linux của mình thông qua trình quản lý gói của bản phân phối. Mở một terminal và chạy các lệnh sau tùy thuộc vào bản phân phối của bạn:

Trên Arch Linux:

sudo pacman -S dmenu

Trên hệ thống dựa trên Debian/Ubuntu:

sudo apt install -y dmenu

Trên RHEL/Fedora/CentOS:

sudo dnf install dmenu

Sau khi cài đặt, hãy kích hoạt dmenu bằng Win + D và tìm kiếm ứng dụng bạn muốn khởi chạy.

6. Cài đặt thanh trạng thái

Thanh trạng thái là một thành phần tùy chọn nằm ở dưới cùng hoặc trên cùng của màn hình. Nó theo dõi và hiển thị thông tin hệ thống như việc sử dụng CPU, sử dụng RAM, tốc độ Internet, v.v…

Bạn có thể cấu hình nó để hiển thị các số liệu về bất kỳ thành phần phần cứng hoặc phần mềm nào trong hệ thống. Nếu bạn có ý thức về tài nguyên của mình và muốn theo dõi chặt chẽ hiệu suất, bạn chắc chắn nên cài đặt thanh trạng thái.

Các lựa chọn phổ biến bao gồm i3status bar, Waybar và Polybar.

7. Tổ chức không gian làm việc

Theo mặc định, không gian làm việc được sắp xếp với các số từ 1 đến 10. Bạn có thể chuyển đổi giữa các không gian làm việc bằng Super + X trong đó "X" là bất kỳ số nào từ 1 đến 0. Mặc dù phương pháp này ổn nhưng cách tiếp cận tối ưu sẽ là thay thế các số bằng tên tương ứng với nội dung của mỗi không gian làm việc.

Ví dụ, thay thế 1, 2, 3 bằng Web, Code, Media, v.v… Để thực hiện việc này, hãy đi sâu vào file cấu hình i3wm và nhập hoặc chỉnh sửa các dòng sau:

set $ws1 "1"
set $ws2 "2"
set $ws3 "3"
set $ws4 "4"

Và:

bindsym $mod+1 $ws1
bindsym $mod+2 $ws2
bindsym $mod+3 $ws3
bindsym $mod+4 $ws4

... thành:

set $term "1: term"
set $web "2: web"
set $file_manager "3: files"

Và:

bindsym $mod+1 $term
bindsym $mod+2 $web
bindsym $mod+3 $file_manager

Chỉnh sửa phần còn lại cho phù hợp theo ý bạn và làm mới i3wm bằng Super + Shift + R. Các thay đổi sẽ có hiệu lực.

8. Cá nhân hóa các keybinding

Việc điều hướng trên trình quản lý cửa sổ rất chú trọng tới bàn phím. Để tận dụng hết tiềm năng của trình quản lý cửa sổ, bạn cần tự làm quen với các keybinding, ít nhất là đối với những chức năng cơ bản.

Nếu các liên kết chính mặc định không phù hợp với bạn, vui lòng chỉnh sửa file cấu hình i3wm và đặt các liên kết chính tùy chỉnh của riêng bạn. Để tìm hiểu thêm về các keybinding và cách tùy chỉnh chúng, hãy tham khảo tài liệu i3wm chính thức tại:

https://i3wm.org/docs/userguide.html#keybindings

9. Sao lưu dotfiles

Nhiệm vụ quan trọng nhất mà người mới bắt đầu thường bỏ qua là sao lưu dotfiles. Dotfiles là thuật ngữ Linux dùng cho các file cấu hình.

Nó được đặt tên như vậy bởi vì tất cả các file cấu hình thường được lưu trữ trong những thư mục ẩn và trong Linux, mọi tên thư mục ẩn đều bắt đầu bằng dấu chấm. Do đó, chúng có tên là "dot" -files.

Nếu bạn chưa quen với i3wm hoặc bất kỳ trình quản lý cửa sổ nào, bạn chắc chắn sẽ gặp phải lỗi và trục trặc trong khi thử nghiệm.

Để đảm bảo rằng bạn có thể nhanh chóng đưa i3wm của mình về trạng thái ban đầu mỗi khi nó bị lỗi, bạn cần duy trì một bản sao lưu các file cấu hình của nó.

Một cách lý tưởng để sao lưu các dotfiles là upload chúng lên kho lưu trữ GitHub. Nếu không chắc chắn, hãy tìm hiểu thêm về Git và cách sử dụng nó.

i3wm được đánh giá là một trình quản lý cửa sổ đáng tin cậy, nhưng trong thế giới của phần mềm mã nguồn mở, các lựa chọn thay thế luôn có rất nhiều.

Bạn có thể dùng thử một vài lựa chọn để tìm ra cho mình công cụ ưng ý nhất!

Thứ Ba, 26/04/2022 17:02
1,85 👨 1.172
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Linux