Điệp viên FBI chia sẻ 8 cách phát hiện người nói dối

Tuyệt chiêu phát hiện kẻ nói dối vô cùng đơn giản.

LaRae Quy - người đã dành 23 năm làm việc tại FBI dưới vai trò là một đặc vụ điệp báo đã dành thời gian viết, trò chuyện và chia sẻ những thủ thuật rất thú vị mà cô đã học được trong thời gian làm việc tại Cục điều tra. Đây là những bài học vô cùng tuyệt vời dành cho các doanh nhân cũng như tất cả mọi người và nếu quan tâm tới LaRae Quy, bạn có thể truy cập vào website này để biết thêm chi tiết.

Được đào tạo đặc biệt về nghệ thuật đọc vị con người và giải mã những sự thật bí ẩn, 8 mẹo nhỏ sau đây của LaRae Quy chắc chắn sẽ rất hữu ích cho bạn trong trường hợp cần phát hiện ứng viên xin việc hay đối tác làm ăn có phải đang nói dối.

Nói dối

1. Tạo sự hòa hợp

Minh chứng cho thấy rằng "good cop" rõ ràng sẽ thu về được kết quả tốt hơn rất nhiều so với "bad cop".

Good cop/Bad cop là một kỹ thuật mà cảnh sát thường sử dụng khi muốn lấy lời khai thật của một tên tội phạm. Cụ thể, nếu như hai cảnh sát cùng "chơi" trò Good cop/Bad cop với một ai đó thì một người sẽ thể hiện sự đồng cảm, thân thiện (Good cop), còn người kia sẽ tỏ ra rất hung hăng, giận dữ (Bad cop).

Bắt đầu một câu chuyện với sự đồng cảm và bạn sẽ khiến người đối diện cởi mở hơn rất nhiều so với khi bạn tỏ ra lạnh lùng và thể hiện thái độ như muốn buộc tội họ.

2. Khiến họ bất ngờ

Kẻ dối trá sẽ luôn cố gắng đoán trước câu hỏi của bạn nên mọi câu trả lời của họ đều có vẻ rất tự nhiên. Dường như, họ đã tập luyện rất kỹ càng trước khi gặp bạn.

Do vậy, chiến thuật ở đây là hãy hỏi họ điều gì bất ngờ và họ sẽ bắt đầu bối rối.

3. Nghe nhiều hơn nói

Kẻ nói dối có xu hướng nói nhiều hơn những người nói thật với nỗ lực khiến người nghe cảm tưởng như họ đang chia sẻ một câu chuyện thực và hợp pháp. Ngoài ra, họ cũng thường sử dụng những câu từ phức tạp để che dấu sự thật.

Người nói dối

Lúc này, hãy cảnh giác với các dấu hiệu sau:

  • Căng thẳng sẽ khiến họ nói nhanh hơn.
  • Những người bị căng thẳng thường nói to hơn.
  • Sự thay đổi của giọng nói thường xảy ra ở điểm họ bắt đầu dối trá.
  • Ho hoặc hắng giọng nhiều lần là dấu hiệu của căng thẳng.

Điều này không phải khẳng định rằng nếu bất kỳ người đối diện nào có ít nhất một trong các dấu hiệu trên sẽ nói dối bạn. Tuy nhiên, nếu gặp phải các tình huống này, hãy thận trọng.

4. Chú ý tới cách họ nói "không"

"Không" là từ khóa cần chú ý nếu như bạn nghi ngờ ai đó đang nói dối mình.

Một người được chứng minh là có hành vi lừa bịp khi họ:

  • Nói "không" và nhìn sang một hướng khác.
  • Nói "không" và nhắm mắt.
  • Nói "không" sau khi ngập ngừng.
  • Nói "không" một cách kéo dài (noooooooo!).
  • Nói "không" kiểu ê a.

5. Quan sát sự thay đổi trong hành vi của họ

Một sự thay đổi không dễ phát hiện trong cách cư xử của một người có thể là dấu hiệu rất rõ của sự dối trá.

Hãy cẩn thận với một người:

  • Thể hiện sự đãng trí ở những thời điểm quan trọng (mặc dù đã được nhắc lại nội dung đó ở đầu câu chuyện).
  • Trả lời các câu hỏi với các câu ngắn, từ chối cung cấp thêm chi tiết và bắt đầu nói chuyện một cách nghiêm túc hơn (Đây là dấu hiệu của ai đó đang trở nên căng thẳng).
  • Sử dụng các câu từ với cấp độ cao nhất hoặc cường điệu như "tuyệt vời", "xuất sắc" thay vì nói "tốt".

6. Yêu cầu họ kể một câu chuyện đã xảy ra

Những người đáng tin cậy thường thêm nhiều chi tiết và ghi nhớ nhiều thông tin hơn mỗi khi họ kể lại câu chuyện của mình. Trong khi đó, những kẻ nói dối thường học thuộc mọi thứ và cố gắng nói ra những gì họ nhớ (nếu thêm thông tin thì thường cũng chẳng có thêm điều gì mới mẻ cả). Nếu nghi ngờ ai đó đang lừa mình thì hãy yêu cầu họ hồi tưởng lại sự kiện gì đó đã xảy ra hơn là hỏi họ về những thông tin ở hiện tại hay tương lai phía trước.

Chẳng hạn, bắt đầu tại điểm kết thúc một câu chuyện và yêu cầu họ giải thích điều gì xảy ra trước thời điểm đó hoặc trước nữa...

Đối với những người nói thật, điều này khá dễ dàng. Còn kẻ nói dối thường đơn giản hóa câu chuyện để tránh tự tạo ra mâu thuẫn.

Phát hiện kẻ nói dối

7. Hãy cẩn thận với quá nhiều lời khen ngợi

Thành thật mà nói, thế giới có rất nhiều người tốt. Tuy nhiên, hãy cẩn thận nếu ai đó cố gắng tạo ấn tượng với bạn nhưng lại có vẻ khó khăn hơn bình thường.

Đồng ý với tất cả những quan điểm của bạn, liên tục đưa ra lời khen ngợi và cười với mọi trò đùa mà bạn đã thực hiện đều là những dấu hiệu cho thấy người đó đang thiếu chân thành và trung thực.

8. Hỏi nhiều câu hỏi

Chắc chắn là không một ai trong chúng ta muốn trở thành kẻ nói dối cả. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mọi người cũng thường cảm thấy không thoải mái với một vài câu hỏi nhất định bởi vì những ngượng ngùng cá nhân hoặc họ rất phụ thuộc vào kết quả của cuộc trò chuyện. Nếu buổi thảo luận diễn ra theo hướng chiều hướng tích cực, họ được lợi hoặc ngược lại. Đây chính là một trong những lý do khiến người nói thật đôi khi lại "buộc phải" nói dối.

Chẳng hạn, ứng viên xin việc nỗ lực che giấu một vài thông tin về việc bị sa thải ở công ty cũ. Tuy nhiên, nếu đó là một nhân viên tiềm năng, có phẩm chất tốt và rất phù hợp với văn hóa công ty thì bạn cũng cần cân nhắc khi đưa ra quyết định.

Nếu cảm thấy bối rối bởi một phản ứng bất thường, hãy thử những câu hỏi tiếp theo. Với tình huống trên, bạn có thể tiếp tục câu chuyện bằng cách này: "Bạn biết không, tôi (hoặc một người bạn) cũng đã từng mất việc chỉ vì gây ra một sai lầm vô cùng ngớ ngẩn. Bạn đã từng trải qua điều gì tương tự chưa? Bạn có nghĩ rằng những sai sót trong công việc nên được kiểm soát?".

Khi nghi ngờ, hãy tiếp tục đưa ra các câu hỏi đánh thẳng vào nhận thức. Đến đúng thời điểm, sự thật sẽ được tiết lộ.

Thứ Tư, 22/06/2022 14:05
51 👨 3.233
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống