Công nghệ nano giúp phục hồi thành công thị lực ở chuột bị mù

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa công bố kết quả thí nghiệm phục hồi thành công thị lực ở những con chuột bị mù bằng cách sử dụng một bộ phận gọi là võng mạc nhân tạo, phát triển dựa trên công nghệ hạt nano siêu nhỏ, có thể được tiêm trực tiếp vào mắt con vật mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Tiến bộ khoa học vượt bậc liên quan đến công nghệ nano trong lĩnh vực y học, gọi là Nanotech Injections này đã chứng minh được tính khả thi tuyệt vời sau một dự án kéo dài hơn 8 tháng. Kết quả là những con chuột mù lòa đã có được thị lực trở lại mà không cần trải qua bất cứ cuộc phẫu thuật nào.

Công nghệ Nanotech Injections giúp phục hồi thị lực ở chuột
Công nghệ Nanotech Injections giúp phục hồi thị lực ở chuột

Mắc dù vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu, tuy nhiên công nghệ này đã cho thấy triển vọng ứng dụng cực kỳ khả thi trên người, cụ thể là phương pháp điều trị bằng hạt nano polymer liên hợp (P3HT-NP) để giải quyết các vấn đề về mắt, cũng như thoái hóa thị lực ở người.

“Trong thiết bị võng mạc nhân tạo dạng lỏng của chúng tôi, các hạt nano P3HT trải rộng trên toàn bộ không gian tiểu não và thúc đẩy sự kích hoạt phụ thuộc vào ánh sáng của các tế bào thần kinh võng mạc bên trong, phục hồi các phản ứng thị giác hành vi ở khu vực dưới vỏ não và vỏ não. Chúng tôi tin rằng P3HT-NP có thể mở ra một con đường mới trong phục hình võng mạc ở người ở tương lai gần”, Fabio Benfenati, giám đốc nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ý, người đứng đầu dự án, cho biết.

Phục hình võng mạc là một phương pháp đề cập đến việc sử dụng các thiết bị cấy ghép nhân tạo, được thiết kế để giúp phục hồi thị lực ở bệnh nhân thoái hóa võng mạc. Bằng cách đưa thông tin thị giác vào võng mạc thông qua kích thích điện từ của các tế bào thần kinh võng mạc còn sót lại. Mặc dù đầy hứa hẹn, cho đến nay, các bộ phận giả của võng mạc đã được chứng minh là chỉ có thể khôi phục thị lực ở mức hạn chế. Chẳng hạn, người bệnh chỉ đủ khả năng phân biệt giữa ánh sáng và bóng tối hoặc nhận ra các hình dạng và vật thể đơn giản. Phương pháp dựa trên công nghệ nano mới này có tiềm năng hứa hẹn hơn đáng kể, mang lại mức độ phục hồi thị giác cao hơn đáng kể. Chỉ sau một liệu trình, hoạt động của tế bào thị giác ở vỏ não của những con chuột khiếm thị đã được phục hồi không kém chuột khỏe mạnh.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều nghiên cứu cũng như thử nghiệm cần được thực hiện trước khi phương pháp này có thể áp dụng trên người. Nhưng rõ ràng tiềm năng là rất lớn.

Toàn bộ thông tin chi tiết về công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Nanotechnology với tiêu đề “Subretinally injected semiconducting polymer nanoparticles rescue vision in a rat model of retinal dystrophy”, mời các bạn tham khảo.

Thứ Ba, 14/07/2020 21:44
31 👨 201
0 Bình luận
Sắp xếp theo