Chọn thẻ nhớ

Hòa với làn sóng sản phẩm kỹ thuật số tràn vào thị trường là các nhóm phụ kiện “làm mồi”. Nhóm phụ kiện nổi bật có thể kể đến các loại thẻ nhớ mở rộng, “bộ nhớ di động” cùng các đầu đọc thẻ nhớ. Dân chơi hàng kỹ thuật số hiện nay phải có trên tay vài ba tấm thẻ 128 - 256MB, một bộ xả ảnh số chuyên nghiệp với nhiều đầu đọc thẻ khác nhau. Thẻ nhớ đa dụng Hiện nay trên thị trường xuất hiện khá nhiều dạng thẻ nhớ khác nhau, đến từ nhiều nguồn trên thế giới. Nếu như trước kia người ta chỉ biết mỗi Lexar, Sandisk, Fujifilm… thì nay đã có thêm những lựa chọn khác như Sagatek, Apacer, Transcend… Đặc biệt là sản phẩm Transcend với loạt thẻ nhớ đa dạng về chủng loại, dung lượng. Hiện nay đã có thẻ nhớ CF - Transcend với dung lượng lên đến 2,2GB (hiện tại trên thế giới đã có thẻ nhớ CF do Samsung sản xuất với dung lượng tột đỉnh - 8GB). Nếu trước đây thẻ nhớ chủ yếu dùng để chứa ảnh số thì ngày nay đã hiện đại hơn nhiều. Anh M.K., một sinh viên đang học ngành máy tính, cho biết: “Ngoài việc giữ các file ảnh, tôi còn lưu trữ các file video, nhạc nén MP3 và một số tài liệu học tập trên thẻ nhớ. Chỉ cần mang theo đầu đọc card và thẻ nhớ CF là có thể mang theo vô số tài liệu, hình ảnh và âm thanh đến trường”. Đọc nhiều trong một Loại đầu đọc “nhiều trong một” hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường vì giá rẻ và sự tiện lợi của nó, nhất là đối với những người phải tiếp xúc hằng ngày với nhiều loại thẻ khác nhau. Ví dụ: biên tập viên, phóng viên, làm thiết kế - xuất bản, các minilab phóng ảnh số… Ngày nay đã có những loại đầu đọc (card reader) có thể đọc đến sáu loại thẻ khác nhau, chỉ thiếu thẻ xD picture card. Anh Tuấn - nhân viên cửa hàng kinh doanh các sản phẩm kỹ thuật số trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP.HCM - nhận xét: “Sau khi mua đầu đọc 6 in 1, chỉ cần gắn thêm một bộ chuyển (adapter) chuyên dùng để đọc thẻ xD là xong. Như thế có thể đọc được bảy loại thẻ khác nhau mà giá rẻ hơn nhiều so với việc mua bảy đầu đọc thẻ riêng lẻ”. Tuy nhiên, hiện nay đã bắt đầu có khái niệm chuyên môn hóa đầu đọc thẻ. Theo anh Liêm, chủ cửa hàng máy ảnh tại Q.1: “Một người làm ảnh chuyên nghiệp cần có trong tay sáu đầu đọc thẻ khác nhau để có thể xử lý các loại ảnh số lấy từ những thẻ nhớ thông dụng như Compact Flash, Memory Stick, Multi Media Card, Smart Media, Secure Digital, Micro Drive. Các đầu đọc thẻ “4 trong 1”, “6 trong 1” tuy giá thấp nhưng nó chỉ thích hợp với những ai sử dụng máy ảnh kiểu nghiệp dư và nhu cầu lấy ảnh trong ngày không nhiều”. Thẻ nào hợp thời? Hiện trên thị trường có sáu loại thẻ nhớ phổ biến: Compact Flash, Memory Stick, Multi Media Card, Smart Media, Secure Disk, Micro Drive (IBM). Riêng loại thẻ xD picture card vừa xuất hiện khoảng hai năm và chỉ dùng cho các loại máy ảnh số của Fujifilm và Olympus. Còn sáu loại thẻ nhớ kể trên đã bao gồm các nhu cầu về ảnh số và được sử dụng cho nhiều nhãn hiệu máy ảnh khác nhau. Ông Trịnh Đình Nguyên, phụ trách cửa hàng kinh doanh điện tử - linh kiện máy tính Việt Hoa, cho biết: “Thường thì máy nào dùng thẻ đó; chỉ có một vài hãng sử dụng chung loại thẻ với nhau. Như Panasonic dùng SD card, Sony dùng Memory Stick; còn Fujifilm và Olympus dùng chung thẻ Smart Media và gần đây là xD card”. Ngoại trừ loại thẻ nhớ Compact Flash được sử dụng khá phổ biến cho nhiều nhãn hiệu khác nhau, các loại thẻ khác đều có chủ sở hữu. Họ phải có loại thẻ dùng riêng vì ngoài chuyện bán máy còn phải bán thẻ nhớ. Riêng các công ty Đài Loan khá vô tư trong việc sản xuất nhiều dạng thẻ nhớ khác nhau để cung ứng cho những khách hàng sử dụng máy ảnh số, máy nghe nhạc MP3, PDA… Tốc độ đọc của thẻ nhớ cũng là một đặc điểm quan trọng. Các loại thẻ nhớ thông thường chỉ có thể đọc dữ liệu với tốc độ 2 - 4x (300 - 600KB/s); còn các loại thẻ nhớ đời mới lại có tốc độ đọc lên đến 8 - 16x (900KB - 2,4MB/s); một vài loại có thể tăng tốc độ đọc đến 20x (khoảng 3MB/s). Hiện có loại thẻ xD picture card có tốc độ đọc - ghi dữ liệu rất cao, gấp 3 - 5 lần so với các loại thẻ đời cũ. Những điểm lưu ý khi dùng thẻ nhớ 1 - Một số thẻ Smart Media dung lượng dưới 64MB chỉ có thể định dạng (format) ngay trên máy ảnh số. Nếu format trực tiếp trên máy tính sẽ dẫn đến tình trạng máy ảnh không nhận ra thẻ khi cắm vào máy. 2 - Thẻ nhớ có dung lượng 512MB - 1GB cần được xả ảnh/dữ liệu ngay sau khi chụp hoặc sao chép xong. Nếu sử dụng thẻ như một ổ cứng lưu trữ sẽ không có lợi vì khi thẻ có vấn đề sẽ dễ bị mất dữ liệu, khó phục hồi hoàn toàn. 3 - Những loại thẻ nhớ đời mới (dung lượng lớn hơn) thường sẽ không được hỗ trợ về phần mềm trên những chiếc điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, máy vi tính bỏ túi… đời cũ. Bởi vì không thể xài thẻ nhớ dung lượng lớn (tốc độ đọc cao) trên những thiết bị đời cũ vốn có tốc độ đọc thấp hơn. 4 - Thẻ càng nhỏ càng ít tiêu hao năng lượng và giảm thiểu nguy cơ hư hỏng do va chạm hoặc đánh rơi xuống đất. Tuy nhiên, đối với những loại thẻ không có lớp vỏ bảo vệ bên ngoài (do quá mỏng) sẽ dễ bị trầy xước các điểm tiếp xúc, có thể dẫn đến tình trạng không đọc được dữ liệu ghi trên thẻ.
Thứ Hai, 26/01/2004 01:12
31 👨 547
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản