Bộ trưởng Bưu chính viễn thông: "Độc quyền viễn thông là có!"

Chính ông Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông cũng phải thừa nhận mấy ngày qua máy điện thoại của ông bị nghẽn mạch. Và với cương vị một khách hàng, ông thừa nhận rằng mình sẽ phàn nàn. Ông cũng khẳng định còn tồn tại sự độc quyền trong ngành bưu chính viễn thông. Ông đã trả lời phỏng vấn. - Như vậy, nếu đặt mình vào vị trí của một người khách hàng bình thường, bộ trưởng có kiện các công ty ra tòa bắt họ phải bồi thường thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần? Nếu khách hàng thật sự thông cảm với hoạt động rất đặc thù của ngành viễn thông thì không kiện, nhưng phàn nàn thì nên. Còn nếu kiện thì phải đối chiếu với pháp luật, ví dụ kiện những điều khoản đã có trong phạm vi hợp đồng thôi. Tuy nhiên, nếu nó là bất khả kháng thì nước nào họ cũng bị cả. Chỉ có điều mình còn yếu kém thì mình bị nhiều hơn và do đó phải khắc phục khó khăn để đừng làm phiền lòng khách hàng. - Còn ở cương vị là bộ trưởng, ông đã làm gì ngay để giảm thiệt hại cho khách hàng? Có chứ! Ví dụ khi tắc nghẽn, chúng tôi đã chỉ đạo có lúc phải chuyển đổi lưu lượng. Nó tắc ở TP.HCM thì phải nhờ ngay một trạm rỗng hỗ trợ. Vì trạm ở gần máy thì bị nghẽn, nhưng trạm ở cách đó 15km thì lại “không có việc làm”. Đồng thời mời cán bộ kỹ thuật và các chuyên gia ngồi lại để phân tích về các lỗi, đưa ra kế hoạch để những cái hôm nay xảy ra thì ngày mai không được tái diễn. Các hệ thống lắp đặt cũng phải làm kịp thời, sớm hơn chứ không mua rồi nhưng lại chưa lắp đặt để xảy ra lúng túng, cuống lên như vừa rồi. Tôi chỉ đạo phải xin lỗi khách hàng vì chính “anh” Trung tâm 2 (thuộc Công ty Dịch vụ viễn thông GPC) không nói lời nào cả dù đã bị suốt hơn một ngày. Mặt khác, khi báo chí phản ánh tôi bảo anh Toàn - giám đốc Trung tâm 2, phải thông báo cho dư luận biết. - Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ tình trạng nghẽn mạch tái diễn nhiều lần là do còn độc quyền. Ông nghĩ sao về điều này? “Chắc chắn không thể không có vấn đề! Nhưng vấn đề đó to nhỏ, nội dung như thế nào, ai đúng ai sai... thì còn phải chờ. Còn dư luận nói thì cũng chưa hẳn đã đúng hết được”. Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá. Đúng độc quyền là có, người dân, dư luận nói đúng. Đã chuyển sang kinh tế thị trường thì buộc phải cạnh tranh, có thế nó mới khích lệ phát triển lành mạnh, người tiêu dùng mới được nhờ. Chính vì vậy Nhà nước cho thêm ba công ty điện thoại ra đời sẽ biết anh nào phục vụ tốt, anh nào xấu ngay. Tuy vậy, mình chưa dám cho tư nhân, nước ngoài đầu tư vào vì còn nhiều lý do khác nhau. - Thưa bộ trưởng, có ý kiến cho rằng tình trạng nghẽn mạch liên tiếp trong mấy ngày qua có liên quan đến dự án mạng thông minh (IN), tức là do chất lượng thiết bị mạng “có vấn đề”? Hoàn toàn không phải do mạng mà do việc nâng cấp các tổng đài và việc lắp thêm trạm chứ không phải liên quan đến chất lượng thiết bị mạng. - Thưa ông, trong cuộc đấu thầu mạng IN vừa qua, Siemens cao hơn Ericsson đến 149 điểm nhưng Ericsson lại trúng thầu. Do vậy nhiều người vẫn nghi ngờ tính khách quan của việc chọn thầu và cũng không hiểu vì sao với tư cách là chủ rịch hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) ở thời điểm đó ông lại quyết định chọn Ericsson? Việc chọn Ericsson là không có gì sai trái. Có nhiều lý do. Cả Siemens và Ericsson đều là những hãng nổi tiếng nhưng nếu nói về điện thoại di động thì thế giới xếp Ericsson trên Siemens. Hơn nữa trước đó Hãng Siemens vừa trả lại VNPT một hợp đồng phần mềm trị giá 2 triệu USD do không làm được nên cũng bị ảnh hưởng. - Vậy ông giải thích thế nào khi tổ tư vấn và ngay cả phó tổng giám đốc VNPT cũng đề nghị chọn Siemens bởi họ đáp ứng được nhiều yếu tố nhưng ông vẫn chọn Ericsson? Đúng là anh em tổ chuyên viên có đề xuất như thế nhưng lên ban tổng giám đốc phải tổ chức họp và phân tích cái lợi, cái hại trước khi quyết định. Trong phiên họp đó có tổng giám đốc ngồi đấy, tổng giám đốc là thành viên hội đồng quản trị, còn ông Vũ Văn Luân - phó tổng giám đốc VNPT, người đề nghị chọn Siemens - chỉ là giúp việc cho tổng giám đốc thôi. Hội đồng cân nhắc kỹ về luật, giá cả... rồi mới chọn. Mặt khác trong tờ trình đó, tổng giám đốc chọn Ericsson chứ không phải Siemens. - Chúng tôi muốn nhấn mạnh về yếu tố điểm vì đây là yếu tố quyết định chọn ai trúng thầu? Điểm kỹ thuật thì đúng là Siemens cao hơn. Nhưng trong đó có những chuyện không hợp lý. Trong ban giám khảo có người chấm rộng, có người chấm hẹp. Sự thật là có chuyện “anh” muốn cho thêm để khi tính giá Siemens rẻ hơn. Hơn nữa, tôi cũng biết “tính nết” từng người trong tổ chấm đó. Ngay cả Siemens dù thua nhưng họ cũng không có phản ứng gì!? Tất nhiên họ ở vị trí một hãng lớn nên khi thất bại họ cũng ngậm ngùi! Thêm nữa, tôi cũng phải cân nhắc nhiều mặt, chính trị, ngoại giao, kinh tế. Khi chúng tôi quyết thì phải chịu trách nhiệm chứ. - Ông nói đã cân nhắc kỹ nhưng vì sao Ericsson lại chậm đưa hệ thống vào khai thác gây thiệt hại gần 7,5 triệu USD? Đúng là việc chậm là có khuyết điểm. Chậm ở đây diễn ra ở nhiều khâu: thời gian đấu thầu, mua sắm thiết bị, lắp đặt thiết bị, thời gian đấu nối, phối hợp... Nó do cả hai phía ta và tây. Tuy nhiên, vì họ chậm nên mình cũng “moi” được ở họ 1, 9 triệu USD trên tổng giá trị hợp đồng, tức bằng khoảng 10%. Như vậy cũng là phạt rồi. Trong hợp đồng cũng ghi mức phạt không trên 10% thôi. “Xử” như vậy là được rồi chứ không thể “cạn tàu ráo máng” được. - Tức ông khẳng định là không có tiêu cực trong việc đấu thầu, chọn thầu ? Không có ! Nếu không có dấu hiệu tiêu cực, tại sao Chính phủ lại phải yêu cầu thanh tra vào cuộc, thưa ông? Đúng là Chính phủ yêu cầu thanh tra vào cuộc. Cụ thể là Chính phủ yêu cầu thanh tra VNPT hai cái: xây dựng cơ bản và mua thiết bị. Chính tôi thấy xung quanh chuyện thiết bị cứ “rì rầm” mãi nên kiến nghị thanh tra dự án mạng thông minh IN để làm rõ ra, nếu không thì mang tiếng, oan uổng lắm. Tôi chả có gì phải giấu! - Vậy thanh tra họ kết luận thế nào, thưa bộ trưởng? Đã có kết quả thanh tra nhưng VNPT cũng đã giải trình rồi và bây giờ đang chờ kết luận cuối cùng. - Thưa bộ trưởng, trong quá trình đấu thầu này có tình trạng chạy thầu? Anh nào cũng muốn gặp, nhưng chúng tôi từ chối. Vì trong lúc đang đấu thầu mà anh cứ nói chuyện này thì tôi không tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi có mối quan hệ bình thường với tất cả các hãng. Sau khi có kết quả đấu thầu có “ông” đến nói “nọ kia”nhưng tôi nói chọn thầu như thế là khách quan. Mối quan hệ trong những lúc bình thường thì tốt, không chỉ là bạn mà còn là đối tác tin cậy. Nhưng không vì thế mà lệ thuộc. Mình phải chọn phương án nào có lợi cho đất nước nhất! - Tuy nhiên, chúng tôi được biết qua thanh tra cho thấy trong đầu tư và mua sắm thiết bị của VNPT “có vấn đề”? Chắc chắn không thể không có vấn đề! Nhưng vấn đề đó to nhỏ, nội dung như thế nào, ai đúng ai sai... thì còn phải chờ. Còn dư luận nói thì cũng chưa hẳn đã đúng hết được.
Thứ Hai, 24/11/2003 01:44
31 👨 553
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp