Lần đầu tiên sau 4 năm, Google Dịch được bổ sung thêm ngôn ngữ mới

Google Dịch (Google Translate) là một trong những công cụ dịch thuật trực tuyến miễn phí phổ biến nhất thế giới hiện nay. Gần như bất cứ ai thường xuyên sử dụng internet đều đã ít nhất một lần phải sử dụng đến công cụ dịch thuật tự động này cho nhiều mục đích khác nhau.

Google Dịch đang ngày càng được hoàn thiện, không chỉ ở giao diện, chất lượng bản dịch, mà còn ở số lượng ngôn ngữ mà nó hỗ trợ. Mới đây, lần đầu tiên sau 4 năm, Google Dịch đã được bổ sung thêm tùy chọn ngôn ngữ mới, không phải là 1 mà tới 5 gói ngôn ngữ khác nhau. Với sự bổ sung chất lượng này, Google Dịch hiện hỗ trợ tổng cộng 108 ngôn ngữ, đồng thời trở thành công cụ dịch thuật hỗ trợ nhiều loại ngôn ngữ nhất hiện nay.

5 loại ngôn ngữ mới được sung bao gồm Kinywarwanda, Odia (Oriya), Tatar, Turkmen và Uyghur - tương đối lạ lẫm với đa số chúng ta, tuy nhiên chúng đang được sử dụng bởi hơn 75 triệu người trên toàn thế giới. Các ngôn ngữ này được hỗ trợ cho cả dịch văn bản lẫn dịch website. Đặc biệt, 3 ngôn ngữ Kinyarwanda, Tatar và Uyghur còn được hỗ trợ nhập liệu trên bàn phím ảo, do đó bạn có thể truy cập bản dịch ngay cả khi đang sử dụng bàn phím với ngôn ngữ khác. Điểm trừ duy nhất là 5 loại ngôn ngữ này vẫn chưa hỗ trợ bản dịch nói, tuy nhiên tính năng này sẽ sớm được bổ sung trong tương lai.

5 loại ngôn ngữ mới trên Google dịch

Công ty Mountain View không quên gửi lời cảm ơn đến Cộng đồng Google Dịch (Google Translate Community) vì những đóng góp quan trọng, góp phần cho sự ra mắt của các gói ngôn ngữ mới, đồng thời kêu gọi người dùng đóng góp ý kiến cải thiện chất lượng bản dịch.

Với trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, mà cụ thể là công nghệ Neural Machine Translation (NMT), Google Dịch đang dần trở nên toàn diện hơn bao giờ hết. Hiện tại các các bản dịch tức thì trên Google Dịch đã sở hữu độ chính xác tốt hơn đáng kể so với vài năm trước đây, giảm 55 tới 85% lỗi với các cặp ngôn ngữ nhất định.

Thứ Sáu, 28/02/2020 20:46
3,73 👨 1.162
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ