Ấn Độ đưa người chết lâm sàng sống lại vào tháng sau như thế nào?

Hồi sinh bệnh nhân chết não bằng cách sử dụng phương pháp tiêm tế bào gốc vào não sẽ được các nhà khoa học Ấn Độ thực hiện vào tháng sau.

Nhà chức trách Ấn Độ đã cho phép bác sĩ Himanshu Bansal và hai công ty công nghệ sinh học Bioquark và Revita Life Sciences thực hiện dự án ReAnima - Hồi sinh người chết não, vào tháng sau.

Trong dự án này, 20 bệnh nhân chỉ còn duy trì sự sống bằng máy móc, đã được tuyên bố chết lâm sàng sẽ tham gia thử nghiệm tại bệnh viện Anupam ở Rudrapur, Ấn Độ.

Trong giai đoạn đầu tiên, các ứng viên của cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành kiểm tra khả năng hồi sinh một số phần trong hệ thống thần kinh trung ương của người chết não.

Hàng ngày, tủy sống của bệnh nhân sẽ được bơm peptit đều đặn trong vòng 6 tuần, các tế bào gốc cũng được bơm vào hai tuần một lần. Cùng với đó, các biện pháp chiếu tia laser và kỹ thuật kích thích thần kinh cũng được sử dụng. Bất kỳ dấu hiệu của sự hồi sinh, đặc biệt ở phần tủy sống điều khiển các chức năng tự động như hô hấp và nhịp tim sẽ được thiết bị chụp ảnh não tìm kiếm và ghi lại.

Dấu hiệu sự hồi sinh ở các bệnh nhân chết não sẽ được các thiết bị chụp ảnh não tìm kiếm
Dấu hiệu sự hồi sinh ở các bệnh nhân chết não sẽ được các thiết bị chụp ảnh não tìm kiếm. (Ảnh: Telegraph)

Trong vòng hai đến ba tháng đầu tiên, các chuyên gia hy vọng sẽ thu được kết quả. Đây là lần đầu tiên, các thử nghiệm trong lĩnh vực hồi sinh người chết và là một bước tiến hướng tới đảo ngược cái chết trong tương lai.

Theo các nhà khoa học, các tế bào cuống não người có thể xóa bộ nhớ và tái khởi động sự sống dựa trên các mô xung quanh. Điều này giống như khả năng mọc lại chi ở một số loài động vật.

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã áp dụng công nghệ này với hai bệnh nhân chết não ở vùng Vịnh và châu Âu và đạt được một số thành công nhất định dù bệnh nhân vẫn trong tình trạng ý thức tối thiểu.

Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ giúp phát triển liệu pháp để hồi sinh các bệnh nhân chết não sống thực vật và điều trị các căn bệnh như Parkinson và Alzheimer.

Thứ Tư, 28/06/2017 17:27
51 👨 436
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học