5 nghề mà bạn nên làm trước khi muốn khởi nghiệp

Những công việc giúp bạn tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu.

Kinh doanh không phải là công việc dành cho tất cả mọi người. Muốn khởi nghiệp, bạn buộc phải tích lũy cho mình những kinh nghiệm và có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực mà bạn dự định sẽ bắt đầu. Đây là một hành trình luôn chứa đựng rất nhiều rủi ro và thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Jayson DeMer – nhà sáng lập và CEO của AudienceBloom – một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ SEO và Marketing nhấn mạnh rằng rất hiếm doanh nhân thành công chỉ sau một đêm hay có thể gây dựng cơ nghiệp ngay từ khi bắt đầu. Họ cũng phải làm đủ nghề, lăn lộn rất nhiều năm và nếm trải bao sóng gió, thăm trầm thì mới có được thành công như hiện tại.

Đối với DeMer, không chỉ những công việc tri thức mới đem lại cho mỗi người những kiến thức về tài chính và các mối quan hệ mà ngay cả những công việc đơn giản – bất kỳ ai cũng làm được – cũng sẽ giúp người trẻ hình thành nên nhiều kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp.

Sau đây là 5 loại công việc hữu ích cho người khởi nghiệp được DeMer giới thiệu trên trang Entrepreneur.

1. Làm việc trong lĩnh vực bán lẻ

Làm việc trong trong lĩnh vực bán lẻ sẽ cho bạn cơ hội được phát triển nhiều kỹ năng rất quý giá. Chẳng hạn, với vị trí là một nhân viên bán hàng, bạn có thể gặp những vị khách hàng bước vào cửa hàng mà chưa hề biết mình muốn mua gì. Lúc này, nhiệm vụ của bạn là trò chuyện với họ, hình dung ra món đồ họ đang tìm, sau đó, liên tưởng chúng tới loại sản phẩm phù hợp mà cửa hàng đang bán hoặc gợi ý cho khách hàng một sản phẩm khác có chức năng tương tự.

Bán lẻ

Sau một vài tháng làm việc, bạn sẽ có khả năng quan sát và phân loại khách hàng dựa trên hành vi cũng như nhu cầu của họ. Hay nói đúng hơn, lĩnh vực bán lẻ (đặc biệt là các vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) là cơ hội để mỗi người rèn luyện kỹ năng "đọc vị" tính cách của người khác – kỹ năng mà bất cứ một người khởi nghiệp nào cũng cần để tìm kiếm đối tác khởi nghiệp, nhà đầu tư và quan trọng nhất là tìm hiểu nhu cầu người dùng.

Trường hợp gặp các vị khách khó tính hay thô lỗ, nhiệm vụ của bạn lúc này là lắng nghe phàn nàn của họ, đồng thời tìm cách xử lý vấn đề một cách êm thấm. Càng trải nghiệm nhiều, kỹ năng đàm phán, thương lượng và giải quyết xung đột của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

2. Nhân viên bán đồ ăn

Nền công nghiệp thực phẩm, đặc biệt là đồ ăn nhanh không hề hào nhoáng như nhiều người vẫn tưởng. Thay vì nghĩ đến những đầu bếp tài năng với kỹ năng "xào nấu" chuyên nghiệp thì bạn nên chấp nhận bước xuống nhà bếp chật chội, lăn xả trong gian bếp sặc mùi thức ăn, nguyên liệu ngổn ngang trên mặt bàn và làm việc hết mình trước sự hối thúc của nhân viên quản lý để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Bán đồ ăn nhanh

Bạn sẽ buộc phải thích nghi và hoàn thành công việc trong thời gian nhanh nhất; đồng thời xử lý nhiều việc cùng lúc thật thông minh như nhận đơn đặt hàng từ khách hàng, chuyển order vào nhà bếp, khiến khách hàng vui vẻ trong khi chờ đợi và đảm bảo giúp họ có những giờ phút thật ngon miệng và thoải mái.

Chắc chắn, khi làm công việc này, bạn sẽ không có cơ hội tìm hiểu nhiều về chỉ số tài chính hay phương pháp tối đa hóa lợi nhuận cho công ty nhưng bù lại, bạn sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc đầy áp lực và thấu hiểu vất vả của nhân viên để đồng cảm với họ.

3. Nhân viên kinh doanh

Trở thành nhân viên kinh doanh là một bước tiến nghề nghiệp rõ rệt đối với các doanh nhân trong tương lai cho dù đó chỉ là công việc bán hàng qua điện thoại. Theo DeMer, công việc này sẽ tạo môi trường giúp người khởi nghiệp có cơ hội tiếp xúc với đủ kiểu người, từ đó góp phần cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách tốt nhất.

Nhân viên kinh doanh

Ngoài ra, bạn cũng học được kỹ năng thuyết phục, cách xây dựng niềm tin nơi khách hàng và đáp ứng nhu cầu của họ một cách hợp lý.

Điều tuyệt vời nhất đó là công việc kinh doanh sẽ đem lại cho bạn một khoản thù lao không nhỏ đó là mức hoa hồng được hưởng. Ngoài vấn đề tiền bạc, điều này còn chứng tỏ cuộc sống của bạn sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công trong công việc và đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nhân phát triển công ty.

4. Nhân viên chăm sóc khách hàng

Chăm sóc khách hàng là bộ phận mà hầu hết các công ty kinh doanh sản phẩm – dịch vụ đều phải có và cũng là một trong những phòng ban quan trọng nhất vì họ trực tiếp làm việc cũng như thu nhận phản hồi khách hàng. Trải nghiệm vị trí này sẽ cho bạn cơ hội tiếp xúc với rất nhiều kiểu người khác nhau, đó có thể là những người khó tính nhất, nóng giận nhất, đòi hỏi khắt khe nhất hay thay đổi nhiều nhất.

Chăm sóc khách hàng

Do đó, việc tỏ vẻ lạnh lùng trước những lời than phiền hay thờ ơ với những thắc mắc của khách hàng vốn không phải là cách mà bạn nên dùng, bởi mục đích công việc của bạn lúc này là làm hài lòng khách hàng - khác với mục tiêu cố gắng bán sản phẩm hay tối đa hóa doanh thu cho công ty giống như nhân viên bán hàng hay nhân viên kinh doanh. Hiểu được điều này, bạn sẽ chững chạc hơn, trưởng thành hơn trong việc thuyết phục những đối tác khó tính hay giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến truyền thông, nhân sự...

5. Nhân viên quản lý

Cuối cùng, sau khi đã trải qua các công việc ở cương vị nhân viên thì bạn cũng nên thử sức với vị trí quản lý để học hỏi cách quản lý, từ cấp trung tới cấp cao, từ nhóm nhỏ cho tới các đội nhóm lên đến hàng chục, hàng trăm người.

Quản lý

Mặc dù trở thành nhân viên quản lý của nhà hàng hay một cửa hiệu bách hóa có thể không phải là công việc xứng tầm với những kiến thức chuyên môn bạn được học và cũng không được đào tạo bởi các chuyên gia, nhưng bù lại bạn sẽ học hỏi được tinh thần làm việc nhóm, cách quản lý thời gian hợp lý và kỹ năng phân bổ nguồn lực phù hợp - vốn là những yếu tố rất cần khi điều hành doanh nghiệp.

Càng mở rộng thế giới quan, sẵn sàng trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm thì bạn càng xây dựng được những tố chất cần thiết cho mình để xây dựng và phát triển công ty của riêng bạn trong tương lai.

Thứ Tư, 03/08/2016 07:53
31 👨 1.538
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc