Xu hướng mới: máy nhỏ cảm biến lớn

Với việc ứng dụng cảm biến lớn, máy ảnh bỏ túi đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và bắt đầu chiếm lĩnh giới khách hàng chuyên nghiệp.

Trong máy ảnh, một trong những phần quan trọng nhất là cảm biến. Về cơ bản, người ta vẫn cho rằng cảm biến lớn đồng nghĩa với chất lượng ảnh sẽ cao hơn, do cảm biến có thêm nhiều không gian để bắt sáng.

Vậy kích cỡ cảm biến thế nào sẽ được coi là lớn? Để dễ hình dung, bạn có thể nhìn vào hình so sánh kích cỡ các loại cảm biến thông dụng trên thị trường. Dựa trên so sánh này, có thể thấy, những cảm biến bắt đầu từ kích cỡ Four Thirds trở lên (kích cỡ cảm biến Micro Four Thirds và Four Thirds tương đương nhau), vì thế, dù những máy du lịch bán chuyên kiểu như Canon S90 hay G11 nhưng do kích cỡ cảm biến vẫn chỉ 1/1,7 inch nên cũng không được xếp vào lớp cảm biến lớn.

Mô tả cảm biến máy ảnh. (Ảnh: Cnet)

Ban đầu, cảm biến lớn vốn chỉ được dùng trong các máy DSLR nhưng dần dần sau này, chúng bắt đầu được ứng dụng trong các máy nhỏ hơn mà khởi đầu là phiên bản định dạng Micro Four Thirds. Tuy nhiên, hiện tại, những dòng máy này vẫn đang chỉ được coi là bước đệm giữa máy ảnh bỏ túi bình dân và DSLR.

Nhưng công nghệ thì không dừng lại. Ngày nay giá máy ảnh đã ngày càng trở nên hợp lý hơn cũng như nhiếp ảnh đang dần trở thành một thú vui đại chúng. Tự nhiên mà nói, những người chụp máy ảnh bỏ túi một thời gian sau khi có kinh nghiệm đều muốn nâng cấp máy ảnh của mình lên đời cao hơn, như các máy DSLR. Nhưng DSLR lại quá cồng kềnh và nặng nề, vì thế xu hướng thiên về các máy ảnh bỏ túi nhưng có cảm biến lớn với chất lượng ảnh xuất sắc.

Các máy ảnh định dạng Micro Four Thirds cống bố năm ngoái là những minh chứng cụ thể nhất cho một dòng máy nhỏ gọn cảm biến lớn. Như chiếc Olympus E-P1 và Panasonic Lumix DMC-GF1 12 triệu điểm ảnh, dù mục đích hướng tới là phần lớn người tiêu dùng nhưng cũng đã thu hút không ít sự chú ý từ giới chuyên nghiệp.

The Olympus E-P1. (Ảnh: Cnet)

Đến thời Leica thì khác. Nhà sản xuất danh tiếng từ Đức này đã giới thiệu phiên bản máy ảnh nhỏ gọn cảm biến full-frame đầu tiên trên thế giới Leica M9, theo sau là đàn em X1 sử dụng cảm biến APS-C vốn chỉ được dùng trong các đời DSLR. Tuy nhiên, hạn chế của Leica là mức giá vẫn còn ngoài tầm với của nhiều người. Với giá hợp lý, người dùng có thể lựa chọn phiên bản Sigma DP2, máy ảnh nhỏ gọn ống kính cố định với cảm biến APS-C. Dù rằng tiên phong trong việc đưa cảm biến APS-C vào máy ảnh bỏ túi trước sự ra đời X1 của Leica từ lâu nhưng Sigma lại không tỏa sáng bằng dù vẫn có không ít số lượng người hâm mộ.

Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp luôn sử dụng các máy DSLR cao cấp trong công việc và các thiết bị này thường rất nặng và cồng kềnh. Nhưng không phải không có những máy ảnh bỏ túi chuyên nghiệp. Rất nhiều nhiếp ảnh gia đã lựa chọn các máy ảnh rangefinder của Leica hoặc cho công việc hoặc là một máy ảnh nhỏ gọn mang thêm để chụp trong những điều kiện mà DSLR trở nên vướng víu và bất tiện.

Tuy nhiên, có vẻ như hai hãng lớn chiếm hầu hết thị trường máy ảnh chuyên nghiệp là Canon và Nikon dường như vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Andrew Koh, Tổng giám đốc bộ phận thông tin và hình ảnh Canon Singapore, cho biết, cảm biến lớn là một cách thức cải thiện chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhưng giải pháp hiệu quả hơn vẫn là làm sao tìm cách cải tiến chíp xử lý và giải thuật xử lý hình ảnh. Ông cũng cho biết, Canon cho rằng hệ thống định dạng Micro Four Thirds cũng là một phân khúc nhưng công ty sẽ vẫn theo hướng tập trung vào thị trường DSLR. Khi được hỏi, liệu Canon có phát triển một định dạng tương tự như kiểu Micro Four Thirds hay không thì hãng giữ im lặng thay vì từ chối. Vì thế, rất có thể Canon sẽ phát triển một dòng máy ảnh thay ống kính nhỏ gọn kiểu Leica M9. Tuy nhiên, nếu như vậy, hãng sẽ phải tính đến việc tung ra adapter để cho phiên bản này lắp được các ống EOS hiện thời.

Phiên bản đồn thổi Fujifilm M-S10. (Ảnh: Rumors)

Về phía Nikon, họ không bình luận về việc có phát triển dòng sản phẩm kiểu như Leica X1. Hãng có đề cập tới việc vài năm trước đây đã có ý định chế tạo các phiên bản máy ảnh kiểu như vậy. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tiến triển nào. Nhìn trở lại lịch sử phát triển của Nikon, dòng rangefinder series S vốn rất được chào đón những năm 1960 có thể là phiên bản lý tưởng cho việc ứng dụng cảm biến kích cỡ lớn. Rất có thể, phiên bản này nếu thành hiện thực sẽ làm sống dậy huyền thoại một thời của Nikon, tương tự dòng máy Pen đã làm cho Olympus.

Cũng đã có suy đoán trên mạng về việc Fujifilm sẽ tham dự liên minh Micro Four Thirds và hãng này sẽ sử dụng cảm biến danh tiếng EXR của mình trên phiên bản đồn thổi M-S10. Kể cả có như vậy thì việc Fujifilm gia nhập gia đình Micro Four Thirds cùng Olympus và Panasonic cũng không quá ngạc nhiên bởi lẽ theo thông tin trên các trang công nghệ, Fujifilm bắt đầu dừng sản xuất các máy ảnh DSLR dùng chấu F của Nikon và mối quan hệ giữa hai hãng đã kết thúc. Nếu vậy, để tiếp cận thị trường người dùng chuyên nghiệp hơn, việc gia nhập liên minh Micro Four Thirds là một bước đi hợp lý, bởi cơ sở về ống kính và thiết bị của định dạng này đã đều có sẵn. Khi được hỏi về những thông tin này, cũng như Nikon, hãng này giữ im lặng mà không bình luận gì.

Còn đối với nhà sản xuất máy ảnh mới nổi Hàn Quốc, Samsung, cũng đã có series NX dù vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Phiên bản này tương tự như Micro Four Thirds, cũng sẽ là một hệ thống thay thế được ống kính nhưng sẽ sử dụng cảm biến APS-C. Bước tiến này có vẻ cũng đang là lựa chọn của Sony khi tạp chí Anh Amateur Photographer hồi tháng 9 đã trò chuyện với đại diện của Sony về ảnh hưởng của các phiên bản kiểu Micro Four Thirds tới công ty. Vị đại diện này cho biết, Sony cũng rất quan tâm đến việc phát triển những máy ảnh kiểu như vậy nhưng sẽ không tham dự liên minh Micro Four Thirds. Hãng còn nói rằng nếu như phát triển những sản phẩm máy ảnh nhỏ gọn thay thế được ống kính, những máy ảnh này sẽ tốt hơn dòng NX của Samsung.

Máy ảnh nhỏ gọn đã có đủ thời gian chiếm lĩnh thị trường và lòng tin người tiêu dùng và giờ chính là lúc tiếp tục lấp dần khoảng cách với các máy DSLR. Định dạng Micro Four Thirds đã khơi mào cuộc chiến, vấn đề giờ chỉ còn là thời gian trong vòng vài năm tới, các hãng khác có tiếp tục theo đuổi hay không. Máy ảnh bỏ túi chắc chắn sẽ không bao giờ ra khỏi cuộc chơi bởi nó đã có một thị trường rộng lớn những người tiêu dùng bình dân. Không những vậy, nó sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, hướng tới đối tượng khách hàng chuyên nghiệp hơn khi xu hướng ứng dụng cảm biến lớn trong thân hình nhỏ gọn đang trở thành một bước đi đúng đắn.

Thứ Bảy, 10/10/2009 08:48
31 👨 599
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp