Việt Nam sẽ là "công xưởng phần mềm" của thế giới

Theo Hiệp hội DN phần mềm VN (Vinasa), công nghiệp phần mềm (CNPM) VN đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có trong lịch sử. Đó là cơ hội mở rộng quy mô gia công PM và dịch vụ (DV); đào tạo và cung ứng nhân lực.

Từ đó hướng đến mục tiêu: VN trở thành một trong những "công xưởng PM" cũng như cung cấp nhân lực cho các thị trường CNTT hàng đầu thế giới.

Top 20 thế giới về gia công PM và DV

Khởi đầu từ năm 2000, VN bị coi là chậm chân khi bước vào lĩnh vực PM. Thế nhưng, chính mối lo tụt hậu đã buộc các DNPM phải tìm mọi phương cách "đi tắt đón đầu".

Trong bối cảnh này, lãnh đạo VN đã hoạch định chiến lược nhằm phát triển ngành CN non trẻ. Việc xác định CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn; có những chính sách vĩ mô đã trở thành đòn bẩy cho bước phát triển đột phá.

Theo đánh giá của các tổ chức thế giới, VN đã sớm trở thành "con hổ" trong lĩnh vực CNPM. Cụ thể, hiện VN đã có trên 2.000 DNPM và DV, trong đó có hơn 700 DN sản xuất PM; hàng chục DN tại VN sở hữu từ 500 lập trình viên trở lên, trong đó FPT đạt con số trên 2.000 lập trình viên và là DNPM lớn nhất Đông Nam Á...

Theo tổng kết của Vinasa đến năm 2006, ngành CNPM VN đạt tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm; doanh thu đạt hơn 300 triệu USD, trong đó gia công và xuất khẩu PM đạt 90 triệu USD; nhân lực đạt con số 25.000 người... Từ những con số ấn tượng trên, CNPM của VN nhanh chóng trở thành điểm hấp dẫn đối với các quốc gia, tập đoàn CNTT thế giới.

Tại Nhật Bản - cường quốc CNTT - đã xếp VN vị trí thứ tư (sau Trung Quốc, Âận Độ, Hàn Quốc) về sức hấp dẫn của thị trường gia công PM. Còn tại Mỹ, Tổ chức Kearney xếp VN hạng 20 trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công PM và dịch vụ (DV).

Song, điểm đặc biệt hơn chính là việc VN đã được coi là điểm đến và là quốc gia thu hút đầu tư tin cậy. Theo các chuyên gia, việc hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới như Microsoft, Oracle..., đặc biệt là sự kiện Intel đầu tư 1 tỉ USD vào VN đã khẳng định niềm tin này.

Ngoài ra, VN cũng bắt đầu được nhắc đến trên bản đồ nhân lực CNPM thế giới. Theo Vinasa, các chỉ số về chất lượng nguồn nhân lực PM cũng đã tăng nhanh chóng, trong đó có số lượng không nhỏ lập trình viên được các tập đoàn uy tín của thế giới cấp chứng chỉ.

"Công xưởng PM" của thế giới

Ông Phạm Tấn Công - Tổng Thư ký hiệp hội - cho biết: VN đang nổi lên là địa chỉ ưa thích để gia công PM cho các DN Nhật Bản. Doanh số xuất khẩu sang quốc gia này ở mức 80% và có thể tăng trưởng 100%/năm. Đặc biệt, hiện tất cả các thị trường CNTT hàng đầu thế giới đang cần nguồn nhân lực PM khổng lồ... Từ lợi thế hiện có và nắm bắt nhu cầu phát triển, Vinasa nhận định CNPM của VN đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có trong lịch sử.

Cũng từ tính toán trên và để cùng DN thúc đẩy CNPM, Chính phủ VN xác định: Phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng là điều kiện then chốt cho sự thành công của CNPM. Bản thân các DNPM cũng tập trung đào tạo nhân lực; mở rộng sản xuất với mục tiêu: Trở thành một trong những "công xưởng" của thế giới về sản xuất, cung ứng DVPM; đồng thời là trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực cho CNTT quốc tế...

Để hiện thực hoá chiến lược này, Chính phủ VN đã quyết định chi 70 triệu USD cho CNPM giai đoạn đến 2010. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 35% - 40%; doanh thu đạt 800 triệu USD, trong đó 40% là xuất khẩu; nhân lực PM đạt 55.000 - 60.000 người...

Theo các chuyên gia, cả Chính phủ và DN đã có những bước đi đầu tiên thành công. Cụ thể, Trường Đại học FPT đã được thành lập; bản thân Vinasa cũng đang xúc tiến thành lập đại học chuyên đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, việc Chính phủ thúc đẩy nhanh tiến độ Khu CN cao Hòa Lạc đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư thế giới, đặc biệt là Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo có chứng chỉ quốc tế như Aptech, NIIT, Cisco... cũng đã hình thành và phát triển tại VN. Theo các chuyên gia, trong khi Nhà nước đang có những bước đi thận trọng trong định hướng đào tạo thì bản thân các DN đã có những đột phá. Chính các DN đã góp phần xã hội và quốc tế hoá đào tạo; từ đó vừa khai thông, phát huy nguồn lực mà còn đổi mới và bắt kịp với chuẩn quốc tế về trình độ.

Từ đây, Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2010, VN sẽ đứng trong tốp 15 quốc gia gia công PM và DV hấp dẫn nhất thế giới. Tham vọng hơn thế, Vinasa đặt mục tiêu: Trong 5 năm sẽ đứng trong tốp 10 thế giới về gia công và xuất khẩu PM.

Anh Xuân - Lê Minh

Thứ Sáu, 27/04/2007 09:54
31 👨 151
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp