Viễn thông hậu WTO: Người tiêu dùng sẽ được lợi

Thời gian gần đây các doanh nghiệp trong ngành viễn thông Việt Nam cạnh tranh ráo riết nhằm xác lập một vị thế vững chắc trước khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong nay mai. Sau khi gia nhập WTO, ngành viễn thông sẽ có thêm nhiều biến chuyển lớn về thị phần, cơ cấu, cung-cầu lao động theo hướng có lợi cho người lao động, người tiêu dùng, và cho toàn bộ nền kinh tế.

Cùng với xu hướng chuyển biến đáng mừng cho người tiêu dùng này, các cơ quan hữu trách cũng lên tiếng bầy tỏ sự hài lòng về tinh thần chủ động đón ngọn gió WTO của các doanh nghiệp viễn thông trong nước, và cho rằng ngành này không có gì để mất khi ta gia nhập WTO, vì các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng hành trang để hội nhập cuộc chơi toàn cầu.

Xem ra các quan điểm lạc quan này rất phiến diện khi coi ảnh hưởng của gia nhập WTO lên ngành viễn thông chỉ giới hạn ở chỗ ai sẽ bị loại, ai sẽ trụ lại được với cuộc chơi có mặt đầy đủ các anh tài trên thế giới này. Điều đáng nói hơn là tâm lý chung hiện nay khi bàn đến tác động của gia nhập WTO lên nền kinh tế thường chỉ tập trung vào xăm soi xem ngành nào được gì, mất gì, mà không nhìn ra ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế, và, vì thế, mới có xu hướng vận động hành lang để bảo vệ quyền lợi riêng cho ngành mình trong các cuộc thương lượng gia nhập WTO.

Bài viết này muốn chỉ ra rằng việc tự do hóa ngành viễn thông cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tác động đến ngành này và toàn bộ nền kinh tế trên nhiều phương diện hơn, và cần có nhận thức đầy đủ về vấn đề này để có những đối sách thích hợp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, trong khi vẫn chủ động đón nhận những ảnh hưởng tích cực mang đến trong quá trình này.

Tác động thứ nhất là về số lượng việc làm tạo ra trong ngành. Ảnh hưởng của việc mở cửa thị trường viễn thông cho công ty FDI tràn vào lên thị trường lao động ngành sẽ phụ thuộc vào việc họ dùng nhiều hay ít lao động nước ngoài. Nếu họ sử dụng nhiều lao động bản địa thì nhu cầu về lao động ngành này ở Việt Nam chắc chắn sẽ tăng. Nhưng điều này phụ thuộc vào chất lượng lao động của ta, đặc biệt ở ngành đòi hỏi có mức độ đào tạo trung bình cao hơn các ngành khác. Mà đây lại là một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam.

Như vậy, có thể dự đoán rằng mặc dù nhu cầu lao động bản địa tăng nhưng số lượng lao động có tay nghề vững được tuyển mộ sẽ rất giới hạn, ít nhất trong ngắn hạn, và chỉ có số lượng lao động phổ thông trong ngành này là chắc chắn sẽ tăng lên, tuy không thực sự lớn vì đặc tính của ngành viễn thông là dùng nhiều vốn chứ không phải là lao động (phổ thông).

Ngoài ra, sự thiếu hụt lao động có trình độ trong ngành cũng sẽ là nguyên nhân gây ra nạn chảy máu chất xám từ các công ty nội địa sang các công ty FDI, và sẽ trực tiếp gây khó khăn cho việc kinh doanh của các công ty nội địa, ngoài chuyện cạnh tranh trực tiếp về thị phần với các đại gia nước ngoài.

Tác động thứ hai, dễ nhận thấy hơn, là về giá cả và loại hình sản phẩm/dịch vụ cung cấp. Sự cạnh tranh về giá cả hiện nay đã rất gay gắt giữa các công ty viễn thông trong nước, và sẽ càng khốc liệt hơn nữa khi các công ty FDI đổ bộ vào với công nghệ mới hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn, và loại hình dịch vụ phong phú hơn.

Kết cục là chất lượng dịch vụ được nâng cao, người tiêu dùng được nhiều lựa chọn dịch vụ hơn, trong khi giá cả cung ứng dịch vụ viễn thông lại giảm thấp hơn nữa. Điều này làm lợi cho các công ty nội địa sử dụng dịch vụ viễn thông, và giúp họ có năng suất và tính cạnh tranh cao hơn.

Suy rộng ra, toàn bộ nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ quá trình cạnh tranh này. Hơn nữa, các dịch vụ viễn thông đa dạng hơn và tốt hơn sẽ giúp tăng năng suất của lao động và vốn tư bản, và, đến lượt nó, lại làm tăng tiền lương công nhân (cả lành nghề và phổ thông) và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Về tổng lượng vốn đầu tư trong ngành, chắc chắn sẽ tăng lên, tuy khó có thể dự đoán chính xác mức tăng. Điều này một phần vì thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, do dân số đông và một bộ phận lớn dân số chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ viễn thông. Chưa kể sự cạnh tranh cung cấp dịch vụ giữa các công ty tham gia thị trường sẽ làm hạ giá cả và có thêm nhiều dịch vụ mới, do đó sẽ thu hút thêm khách hàng mới và góp phần đáng kể mở rộng quy mô thị trường trong nước.

Nguồn vốn bổ sung vào thị trường chủ yếu sẽ do các công ty FDI mang đến. Mặt khác, kinh nghiệm ở các nước mới mở cửa thị trường viễn thông gần đây cho thấy các công ty FDI này thường có xu hướng tìm kiếm sự hợp tác liên doanh với các công ty viễn thông nội địa, vốn hiểu biết sâu về thị trường nội địa. Các công ty nội địa cũng thường chào mời để được liên doanh với các đối tác nước ngoài này để tận dụng lợi thế của họ trong khai thác thị phần.

Khi đã vào liên doanh, thông thường các công ty nội địa giữ nguyên hoặc bỏ thêm vốn đầu tư trong các dự án liên doanh. Ngược lại, các công ty nội địa không tìm được đối tác, hoặc không muốn liên doanh, có thể sẽ phải thu hẹp đầu tư do thị phần bị sụt giảm. Nhưng trên tổng thể, lượng vốn đầu tư vào ngành sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường viễn thông trong nước.

Quá trình tìm kiếm đối tác như vậy cũng sẽ dẫn đến những tái cơ cấu lớn và cải thiện quan trọng về tổ chức và hoạt động của các công ty nội địa nhằm làm tăng độ hấp dẫn của họ trong mắt công ty nước ngoài. Sau khi liên doanh, việc theo đuổi các chuẩn mực kinh doanh cao hơn do đối tác đặt ra cũng là một động lực khiến họ phải không ngừng hoàn thiện cơ cấu và hoạt động của bản thân, là những yếu tố ảnh hưởng tích cực không chỉ đến tình hình kinh doanh của bản thân mà còn lên toàn xã hội.

Còn đối với các công ty chọn đứng ngoài cuộc hoặc không tìm được đối tác liên doanh cũng sẽ bị đặt trong áp lực cải cách, nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi khốc liệt hơn.

Tóm lại, sau khi gia nhập WTO, ngành viễn thông sẽ có thêm nhiều biến chuyển lớn về thị phần, cơ cấu, cung-cầu lao động theo hướng có lợi cho người lao động, người tiêu dùng, và cho toàn bộ nền kinh tế.

Sự phân tích các tác động của quá trình biến đổi này chỉ ra rằng để là người hưởng lợi trong quá trình tự do hóa này, có ít nhất ba việc lớn Việt Nam cần phải thực hiện. Đó là: đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên về nhân lực chất lượng cao, cũng là để tránh nạn chảy máu chất xám làm giảm sức cạnh tranh của các công ty nội địa; giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các doanh nghiệp nhà nước và tiến tới cổ phần hóa các doanh nghiệp này - vốn đang chiếm lĩnh thị trường viễn thông hiện nay, để họ có những điều chỉnh thích hợp để nâng cao năng suất, hiệu quả, và cải thiện tính cạnh tranh, hoặc tìm cách liên doanh với đối tác nước ngoài để tồn tại; và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn/chứng khoán để đáp ứng nhu cầu vốn tăng mạnh dành cho các khoản đầu tư mới trong ngành.

Thứ Hai, 17/07/2006 08:02
31 👨 116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp