Vết bầm trên màn hình LCD

Đa phần các màn hình tinh thể lỏng second-hand đều bị lỗi này. Đối với laptop, vết bầm sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị máy. "Bệnh" có thể khắc phục được với giá từ 30 - 40 USD.
Vùng nhỏ sáng hoặc sẫm màu hơn khu vực xung quanh thường gặp ở màn hình LCD gọi là vết bầm. Phần lớn các vết bầm màn hình tinh thể lỏng rất khó nhận thấy nếu không tinh mắt, đặc biệt là đối với các vết bầm nhẹ.

Anh Trần Vũ Nguyên, dân chuyên thu mua LCD cũ ở quận 7, TP HCM, cho biết: "Hầu hết các màn hình tinh thể lỏng nhất là hàng cũ đều bị lỗi bầm chỉ là mức độ nặng hay nhẹ mà thôi". Anh Nguyên chia sẻ, để phát hiện lỗi bầm, bạn nên thay đổi màn hình desktop bằng màu toàn đen, hoặc dùng bất kỳ phần mềm nào có hỗ trợ màu background chuyển sang màu đen và để chế độ full screen để dễ phát hiện lỗi. Màn hình tốt sẽ không có những chấm sáng, lớp đen phải đồng chất và không có chấm trắng. Nhiều LCD bị ngả một nửa sang nâu, nửa sang màu đen. Sau kiểm tra bằng nền đen, bạn có thể dùng nền trắng để kiểm tra tiếp.

Theo anh Nguyễn Thanh Hiếu, kỹ thuật viên tại cửa hàng máy tính đường Gia Phú, quận 6, TP HCM, lỗi bầm trên màn hình LCD xuất hiện do trong quá trình vận chuyển, mặt trước bị tác động lực trực tiếp trong một khoảng thời gian kéo dài, hoặc người dùng thường dùng tay chạm mạnh khiến cấu trúc tinh thể lỏng của nó bị xô lệch. Những vết này không có hiện tượng lan ra xung quanh mà sẽ có phần giảm bớt hoặc gần như hết hẳn nếu bị lỗi ở mức độ nhẹ.


Một laptop bị hỏng màn hình. Ảnh: Photobucket.

Màn hình bị lỗi này làm rất nhiều chuyên gia chào thua bởi cấu trúc tinh thể lỏng phân lớp phức tạp của nó. Tuy nhiên, một số thợ lành nghề lại có thể chữa được "bệnh" này.

Anh Lê Xuân Huế, kỹ thuật viên tại Thiên Thảo laptop, đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, cho biết: "Dân trong nghề giấu rất kín về kỹ thuật khắc phục lỗi này. Chỉ biết đại khái rằng thợ kiểm tra xem vết bầm thuộc lớp nào và thay bằng một lớp khác".

Hiện nay, không có nhiều nơi có thể phục hồi LCD bị hiện tượng trên. Tại khu vực TP HCM, dân chuyên thường tập trung hàng tại công ty Nghĩa Thăng, đường Nguyễn Cư Trinh ở quận 1. Một số cửa hàng khác có thể nhận sửa nhưng cũng phải đem hàng về điểm này.

Anh Huế còn cho biết, thợ chỉ nhận sửa lỗi bầm đối với LCD của laptop, còn với màn hình tương tự dành cho PC để bàn thì họ không làm, vì khó có thể lấy tiền công cao được.

Tiền công tùy thuộc vào dòng máy đem sửa. Đời máy càng mới thì giá càng cao những cũng không quá 40 USD cho một lần. Ngoài ra, khách còn được bảo hành vết bầm trong thời gian từ 1 - 3 tháng.


Vết bầm trên màn hình hay gặp ở những laptop hay màn hình cũ. Ảnh: Hoàng Hà.

Để phòng tránh vết bầm, các chuyên gia khuyên không nên cho tay hay vật cứng tác động trực tiếp vào màn hình. Biện pháp bảo vệ như dùng lớp nhựa chắn mặt trước LCD cũng rất hữu hiệu.

Một số diễn đàn thì đưa ra phương thức chữa bệnh này bằng cách dùng khăn đệm thật dày, dùng ngón tay hoặc cả đầu bút ấn mạnh vào chỗ bị lỗi. Song, nhiều kỹ thuật viên nhận định: “Về nguyên tắc thì không thể sửa như vậy được. Cách làm như vậy có khả năng làm màn hình lỗi nhiều hơn”.

Trên LCD còn có một dạng lỗi khác rất dễ nhầm lẫn với vết bầm là điểm chết. Điểm này có kích thước rất nhỏ chỉ bằng khoảng hạt cát, thường có các màu trắng, đen hoặc tím. Đây là hiện tượng bắt nguồn từ khâu sản xuất và hoàn toàn không thể sửa được. Dân chuyên đều cho rằng một màn hình đạt chuẩn không nên có quá 3 điểm chết.

Thứ Ba, 09/09/2008 08:58
42 👨 11.575
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản