Top 10 công ty CNTT thua lỗ nhất

Cơn bão suy thoái kinh tế kéo dài hơn 1 năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển chung đời sống toàn cầu. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cũng không thoát khỏi cảnh bết bát. Sau đây là danh sách top 10 “ông lớn” trong ngành công nghiệp IT chịu cảnh thua lỗ hàng đầu trong quý 1-2009.

Bão suy thoái kinh tế khiến không ít doanh nghiệp IT sống dở chết dở, kể cả các “ông lớn” truyền thống

1. Sun Microsystems - lỗ 201 triệu USD

Công bố doanh thu vào 29-3 vừa qua trước bối cảnh sắp trở thành “người nhà” của gã khổng lồ phần mềm Oracle, tình hình tài chính bết bát của Sun Microsystems khiến hãng phải trải qua một tình cảnh khó khăn nhất từ trước tới nay. So với mức thiệt hại 34 triệu USD quý 1 năm ngoái, con số 201 triệu USD của cùng kỳ năm nay quả là khổng lồ. Phân nửa doanh thu của Sun đến từ máy chủ nhưng trong 3 tháng đầu 2009, doanh số bán ra không đáng là bao khi các công ty lớn vẫn còn hững hờ với khoản đầu tư mới, một phần do bối cảnh kinh tế khó khăn chung.

2. SanDisk - thua lỗ 208 triệu USD

Sau khi gia nhập Toshiba, tình hình tài chính của hãng sản xuất thiết bị lưu trữ di động SanDisk cũng không khả quan hơn khi chi phí tái cấu trúc hạ tầng cùng với thiệt hại chung từ bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm đã khiến hãng này thất thu 208 triệu USD trong quý 1 của năm nay. So với cùng kì năm ngoái, giá thành trung bình của mỗi MB dung lượng thẻ nhớ đã giảm tới 69%.

Tuy vậy, SanDisk vẫn còn khá may mắn khi nhu của cầu thị trường đối với thiết bị lưu trữ bổ sung dành cho điện thoại di động cũng như các thiết bị điện khác trong quý vừa qua cao hơn so với mong đợi, dù doanh thu của hãng giảm 29% với mức 602 triệu USD qua từng năm.

3. Symantec - thất bát 249 triệu USD

Kết quả nghèo nàn của Symantec khiến không ít người ngạc nhiên, dù trong thời gian qua hãng tiếp tục đầu tư mạnh vào thị trường phần mềm an ninh vốn vẫn đang phát triển mạnh hiện nay. Thị trường của Symantec đã bị các đối thủ khác cạnh tranh khốc liệt, nhất là McAfee. Symantec cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục nhóm khách hàng doanh nghiệp chấp nhận các hợp đồng hỗ trợ và bảo trì dài hạn do thiếu hụt ngân sách.

4. Sony Ericsson - mất 407 triệu USD

Doanh số bán ra của các model điện thoại Sony Ericsson mới đã giảm đáng kể so với quý trước, khi giới doanh nghiệp và người dùng đều đang “thắt lưng buộc bụng” trước thời buổi khó khăn. Hầu hết các ông lớn trong ngành sản xuất thiết bị di động đều gặp cảnh thua lỗ. Ngoài Nokia còn chút ít sáng sủa, lần lượt Motorola, Sony Ericsson cùng thông báo những kết quả doanh thu bết bát trong quý vừa qua.

5. AMD - lỗ 416 triệu USD

Trong quý 1-2009, AMD là nạn nhân của tình trạng nhu cầu thiết bị vi xử lý giảm mạnh khi các hãng sản xuất máy tính và thiết bị điện quay lưng với kế hoạch cũ và chuyển hướng sang nhóm bộ phận thiết bị mới. Mức lỗ ròng của AMD lên tới 416 triệu USD, tăng 27,9% so với con số 376 triệu quý đầu tiên 2008.

6. Nortel - thất bát 507 triệu USD

Tình trạng thua lỗ dẫn tới quyết định tuyên bố phá sản vào tháng 1 vừa rồi của Nortel bắt nguồn chủ yếu từ lượng cầu thiết bị hạ tầng của các nhà mạng trên toàn thế giới giảm mạnh. Đây là điều đã được báo trước khi sản phẩm của hãng không còn hấp dẫn với khách hàng trong tình cảnh khốn đốn chung của nền kinh tế. Doanh thu của Nortel đã tụt dốc tới 37% so với năm trước và xét theo từng quý mất 507 triệu USD.

7. Alcatel-Lucent - thua lỗ 550 triệu USD

Trong quý 1-2009, Alcatel-Lucent - liên doanh cung cấp thiết bị viễn thông Pháp - Mỹ cũng không tránh khỏi tình trạng bết bát khi thông báo mức lỗ ròng của hãng lên tới 550 triệu USD, quý thứ 10 thất thu liên tục. Tương lai của Alcatel-Lucent vẫn còn khá mù mịt khi kế hoạch cắt giảm 2,8 tỉ USD chi phí sản xuất từ nay đến 2011 của CEO Verwaayen bắt đầu bằng việc xa thải 17.500 nhân công không hề dễ dàng khi triển khai.

8. STMicroelectronics - thua lỗ 541 triệu USD

Hãng sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất lục địa với sản phẩm chính là vi xử lý cho máy tính, điện thoại di động... cũng “mắc cạn” trong 3 tháng kinh doanh đầu năm 2009. Giống như các đối thủ khác, STMicroelectronics đổ lỗi cho tình trạng thất bát của mình là ở sự thờ ơ với thiết bị bán dẫn của các nhà sản xuất thiết bị cầm tay và máy tính.

9. Deutsche Telekom (T-Mobile) - 1,5 tỉ USD

Hãng viễn thông Đức cho biết mức lỗ ròng lên tới 1,5 tỉ USD trong quý vừa qua chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh của chi nhánh T-Mobile tại Mỹ. Hãng cũng phải chịu sức ép giảm giá trị trên bản đồ cân đối tài chính xuống còn 2,5 tỉ USD cho chi nhánh ở Anh do sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường và sự giảm giá của đồng bảng Anh cũng như ảnh hưởng của điều kiện kinh tế chung. Ngoài ra, doanh thu của Deutsche còn bị tác động nghiêm trọng khi Ủy ban Châu Âu buộc hãng viễn thông nước Đức phải giảm giá thành dịch vụ chuyển vùng quốc tế roaming, vốn hoạt động trải dài khắp châu Âu.

10. Toshiba - 1,95 tỉ USD

Quý 1-2009 cũng chứng kiến cảnh thất thu của một gã khổng lồ khác trong giới công nghệ thông tin đến từ Nhật Bản. Lỗ ròng của Toshiba lên tới 1,95 tỉ USD. 12 tháng qua, con số này lên tới 3,72 tỉ USD. Sản phẩm của Toshiba khá đa dạng, từ máy tính, ổ đĩa cứng, máy chiếu tới RAM...Thiệt hại trong giai đoạn vừa qua của Toshiba bắt nguồn chủ yếu từ thị trường Mỹ và châu Âu ngày càng “khó xơi”, đồng thời thị trường truyền thống châu Á cũng không sáng sủa gì hơn.

Thứ Sáu, 22/05/2009 15:01
51 👨 1.487
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp