Toilet "không dùng nước" của Bill Gates tài trợ hoạt động như thế nào?

4 năm sau khi nhận được khoản tài trợ 710.000 USD từ quỹ Bill and Melinda Gates, mẫu bồn cầu không dùng nước tiếp tục nhận được một khoản tài trợ lớn hơn. Các nhà khoa học đang dần hoàn thiện mẫu bồn cầu này để sớm đưa vào áp dụng trong cuộc sống.

Theo Business Insider, mẫu bồn cầu nói trên được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Cranfield đặt tên là Nano Membrane. Nó vẫn còn đang được nghiên cứu phát triển trong phòng thí nghiệm. Nhưng đây là một nghiên cứu rất hữu ích vì hiện nay hơn 2,4 tỷ người trên thế giới đang sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, thiếu nước. Họ không được tiếp cận với nguồn nước sạch, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật trong cộng đồng rất cao. Nano Membrane rất dễ sử dụng, không cần dùng nước là giải pháp rất tốt ngăn chặn dịch bệnh.

Toilet "không dùng nước" của Bill Gates tài trợ hoạt động như thế nào?

Alison Parker, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết Nano Membrane được thiết kế để triển khai tại các vùng nông thôn có điều kiện sống thiếu thốn. Tuy nhiên, trước mắt do mẫu bồn cầu này 6 tháng phải bảo trì một lần, nên nhóm của cô sẽ lắp thử nghiệm ở một số thành phố. Chỉ khi nó hoàn thiện và chứng minh được công nghệ hữu ích của mình, nhóm mới triển khai tại các vùng xa xôi, đặc biệt là các vùng ở châu Phi.

Nano Membrane hoạt động như thế nào

Sau khi người dùng hoàn tất "công việc" và đóng nắp bồn cầu, nắp sẽ đẩy một bộ phận giống như hình cái bát phía bên trong bồn. Bát sẽ xoay 270 độ để gạt chất thải lắng đọng xuống ngăn chứa phía dưới. Một dụng cụ giống như bàn chải sẽ chải sạch chất thải còn sót lại trong bát. Phần chất thải rắn sẽ ở lại dưới đáy trong khi phần chất thải lỏng sẽ được đẩy lên phía trên.

Các sợi rất mỏng, còn được gọi là các sợi nano, được sắp xếp thành các bó sợi ở bên trong bồn cầu. Bó sợi giúp di chuyển hơi nước sinh ra từ chất thải lỏng vào một đường ống thẳng đứng đặt ở phía sau khoang bồn cầu. Tiếp theo, nước đi qua các bó sợi được thiết kế đặc biệt để giúp cho hơi nước ngưng tụ vào trong nước. Nước chảy qua các ống và lắng trong ngăn chứa phía trước của khoang vệ sinh.

Đối với chất thải rắn, một bộ phận chạy bằng pin sẽ đẩy chúng ra ngoài bồn cầu và đưa vào một ngăn giữ riêng biệt. Chất thải rắn được bao bọc bởi sáp thơm và để khô dần.

Hàng tuần, nhân viên kỹ thuật sẽ đến điểm đặt bồn cầu để bỏ nước và chất thải rắn ra ngoài, cũng như thay pin nếu pin hết. Người dân nông thôn có thể sử dụng nước đã thanh lọc từ bồn cầu để tưới cây, lau nhà, thậm chí nấu ăn và tắm rửa! Chất thải rắn có thể được đưa vào các nhà máy để xử lý nhiệt tạo thành nguồn năng lượng cung cấp cho cộng đồng.

Theo cô Alison, mỗi chiếc bồn cầu có thể phục vụ cho 10 người với chi phí rất rẻ 0,05 USD/ngày (tương đương 100 đồng VN). Tuy nhiên, việc triển khai với số lượng lớn trên thực tế sẽ gặp phải một số trở ngại. Trước tiên, ở các vùng mà Nano Membrane được triển khai, phải đào tạo được những người có khả năng bảo trì thiết bị này. Sẽ tốn không ít thời gian để đào tạo. Thứ hai, nhóm của cô Alison cũng chưa xử lý được vấn đề giấy vệ sinh. Có lẽ người dùng không có lựa chọn nào khác là phải vứt giấy vào một thùng chứa ở bên cạnh.

Thứ Năm, 08/12/2016 16:32
51 👨 1.577
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thế giới